Tin tức

Bảo vệ môi trường nước biển

bảo vệ môi trường nước biển

Nhà nước đã đề ra các biện pháp bảo vệ môi trường nước biển để hướng dẫn người dân nâng cao ý thức và thực hiện hành động bảo vệ môi trường một cách thích hợp.

Môi trường nước biển là gì? 

bảo vệ môi trường nước biển

Môi trường nước biển là các yếu tố vật lý, hóa học và sinh học đặc trưng cho nước biển, đất ven biển, trầm tích dưới biển, không khí trên mặt biển và các hệ sinh thái biển tại một cách khách quan, ảnh hưởng đến con người và sinh vật. Nguồn thải là các nguồn phát sinh chất thải. Những chất thải hay còn gọi là rác thải như bao bì, túi nilon, túi đựng thức ăn, giấy… có thể làm ô nhiễm nước biển.

Quy định về bảo vệ môi trường nước biển 

1. Các nguồn thải vào môi trường nước biển phải được điều tra, đánh giá và có biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu, kiểm soát chặt chẽ, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Ô nhiễm môi trường nước biển là việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các chất liệu hoặc năng lượng vào môi trường biển, việc đó gây ra hoặc có thể gây ra những tác hại như gây tổn hại đến nguồn lợi sinh vật và đến hệ động vật và hệ thực vật biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây trở ngại cho các hoạt động ở biển, kể cả việc đánh bắt hải sản và các việc sử dụng biển một cách hợp pháp khác, làm biến đổi chất lượng nước biển về phương diện sử dụng nó và làm giảm sút giá trị mỹ cảm của biển (theo khoản 4 Điều 1 Công ước của liên hợp quốc về Luật Biển ngày 10 tháng 12 năm 1982). 

Như vậy nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường nước biển chủ yếu đến từ các hoạt động của con người như xả nguồn thải chưa được xử lý ra biển. Theo đó, quy định này yêu cầu phải nghiên cứu, đánh giá các nguồn thải ra môi trường nước biển và đưa ra các phương án giải quyết, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

2. Vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải được đánh giá, xác định và công bố theo quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Nội dung này đã được quy định rõ ràng tại khoản 2 Điều 11 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo khoản luật này, các thông tin, số liệu điều tra được phải được xác định và công khai minh bạch.

Các cấp độ vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được quy định cụ thể tại Thông tư số 26/2016/TT-BTNMT ngày 29 tháng 09 năm 2016 về Quy định chi tiết tiêu chí phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo và hướng dẫn phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.

3. Hoạt động khai thác nguồn lợi từ biển và hải đảo, hoạt động kinh tế – xã hội khác phải phù hợp với quy hoạch và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Các hoạt động khai thác nguồn lợi từ biển và hải đảo, hoạt động kinh tế – xã hội có thể mang lại lợi ích to lớn, tuy nhiên đi kèm theo là các tác động tiêu cực đến môi trường biển đảo như ô nhiễm nước biển, suy thoái môi trường, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực… làm giảm giá trị tài nguyên khai thác tại biển đảo. Như vậy, để nền kinh tế phát triển bền vững thì các hoạt động khai thác, thăm dò phải đi kèm với bảo vệ môi trường biển đảo theo đúng yêu cầu của pháp luật.

bảo vệ môi trường nước biển

4. Bảo vệ môi trường nước biển phải bảo đảm phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; phối hợp giữa cơ quan nhà nước Việt Nam và cơ quan, tổ chức nước ngoài trong việc chia sẻ thông tin, đánh giá chất lượng môi trường nước biển và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới.

Môi trường biển xuyên biên giới như tài nguyên nước quốc tế, tài nguyên không khí mà dùng chung giữa các quốc gia. Theo đó, khoản luật quy định về vai trò, trách nhiệm của tổ chức và cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường nước biển. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước Việt Nam với các lực lượng, tổ chức nước ngoài để thu thập, đánh giá số liệu chất lượng môi trường và có những phương án giải quyết tối ưu nhất, kiểm soát chặt chẽ các vấn đề về ô nhiễm tài nguyên quốc tế.

5. Việc bảo vệ môi trường nước biển phải tuân thủ quy định của Luật này, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, quy định khác của pháp luật có liên quan.

Các nội dung về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo,… đã được quy định cụ thể tại các văn bản như Luật Bảo vệ môi trường năm năm 2020; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13 ngày 25 tháng 06 năm 2015; Luật Biển Việt Nam số 18/2012/QH13 ngày 21 tháng 06 năm 2012; Nghị định số 11/2021/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển cho tổ chức cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; Nghị định 37/2017/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển…