Dịch vụ luật sư - Tư vấn pháp luật

Đặt câu hỏi

Dịch vụ luật sư, tư vấn pháp luật

Các quy định về đại diện trong doanh nghiệp

Các quy định về đại diện trong doanh nghiệp

Doanh nghiệp được xem một thực thể pháp lý, do vậy chính bản thân doanh nghiệp không thể thực hiện các hoạt động kinh doanh mà cần phải có cơ chế đại diện để thực hiện các giao dịch này. Từ đó, các quy định về đại diện trong doanh nghiệp luôn là mối quan tâm cho các nhà kinh doanh, nhất là trong bối cảnh Luật Doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực. Bài viết này của Legalzone sẽ cung cấp thông tin đến bạn đọc về vấn đề này.

Cơ sở xác lập tư cách đại diện trong doanh nghiệp

Đại diện theo pháp luật

Theo Khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020, thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Căn cứ xác lập người đại diện theo pháp luật có thể được ghi nhận trong Điều lệ của doanh nghiệp hoặc theo luật định. Bên cạnh đó, trong pháp luật doanh nghiệp, tùy theo loại hình doanh nghiệp, mà tư cách đại diện theo pháp luật sẽ được thể hiện với  những tên gọi khác nhau:

  • Công ty trách nhiệm 1 thành viên: Người đại diện theo pháp luật trong công ty TNHH một thành viên là chủ sở hữu công ty. Trong trường hợp, tổ chức làm chủ sở hữu thì người đại diện sẽ là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác ( Khoản 1 Điều 74 Luật doanh nghiệp 2020)
  • Công ty hợp danh: Các thành viên hợp danh có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty theo quy định tại Khoản 1 Điều 184 Luật Doanh nghiệp 2020.
  • Doanh nghiệp tư nhân: Chủ Doanh nghiệp tư nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 190 luật Doanh nghiệp 2020.
  • Công ty Trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên: Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc/Tổng giám đốc (Khoản 3 Điều 54 Luật Doanh nghiệp 2020).
  • Công ty cổ phần: Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc/Tổng giám đốc (Khoản 2 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020). Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Doanh nghiệp luôn phải đảm bảo có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam

Đại diện theo ủy quyền

Theo Khoản 1 Điều 14 Luật doanh nghiệp, người đại diện theo ủy quyền là người thông qua văn bản ủy quyền thực hiện các nghĩa vụ, quyền hạn trong phạm vi được ủy quyền, là người nhân danh và vì lợi ích của  người được đại diện xác lập, thực hiện các giao dịch nhất định.

Như vậy, cơ sở để xác định người đại diện theo ủy quyền là thông qua văn bản của người được đại diện với người đại diện.

Có thể bạn quan tâm: Tư vấn thường xuyên cho Doanh nghiệp

Người đại diện doanh nghiệp

Phạm vi đại diện của người đại diện doanh nghiệp

Pháp luật về doanh nghiệp không quy định trực tiếp về phạm vi đại diện doanh nghiệp. Do vậy dựa trên tinh thần của Điều 141 Bộ luật dân sự 2015, đại diện cho doanh nghiệp chỉ được xác lập, thực hiện giao dịch trong các phạm vi đại diện theo các căn cứ sau đây:

  • Quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
  • Điều lệ của doanh nghiệp;
  • Nội dung ủy quyền của người có quyền thay mặt doanh nghiệp ủy quyền;
  • Quy định khác của pháp luật.

Trường hợp không xác định được cụ thể phạm vi đại diện theo quy định trong các trường hợp trên  thì người đại diện theo pháp luật có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người đại diện doanh nghiệp không được nhân danh doanh nghiệp để xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với chính mình hoặc với bên thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Hệ quả pháp lý của hành vi đại diện

Tương tự phạm vi đại diện, các hệ quả pháp lý của hành vi đại diện doanh nghiệp được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể tại điều 139, điều 142, điều 143.

Đại diện hợp pháp

Mọi giao dịch do người đại diện hợp pháp xác lập, thực hiện với người thứ ba thì sẽ làm phát sinh quyền và nghĩa vụ với người được đại diện. Khi này, khi người đại diện hợp pháp cho doanh nghiệp thể hiện ý chí và thực hiện các hành vi với bên thứ ba dưới tư cách là nhân danh chính doanh nghiệp đó. Từ đây, quyền và nghĩa vụ được phát sinh trên chính doanh nghiệp được đại diện.

Đại diện vượt quá phạm vi đại diện

Đối với các trường hợp vượt quá phạm vi được đại diện thì các giao dịch do người này thực hiện, xác lập sẽ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, đại diện vượt quá vẫn có thể phát sinh hiệu lực nếu:

  • Việc đó được người có quyền đại diện cho doanh nghiệp đồng ý;
  • Người có quyền đại diện cho doanh nghiệp biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý
  • Người có quyền đại diện cho doanh nghiệp có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc đã xác lập giao dịch vượt quá phạm vi đại diện.

Theo khoản 3 Điều 143, nếu bên đã giao dịch không biết về việc đã có sự vượt quá phạm vi đại diện mà thực hiện các giao dịch thì đối với phần vượt quá phạm vị đại diện trong các giao dịch dân sự bên còn lại có quyền yêu cầu Tòa án vô hiệu hoặc đơn phương chấm dứt một phần hoặc toàn bộ giao dịch hoặc hủy bỏ giao dịch  và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định về giao dịch dân sự

Không có quyền đại diện

Các giao dịch được xác lập, thực hiện bởi người không có quyền đại diện sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên hành vi trên vẫn có thể phát sinh hiệu lực khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Người có quyền đại diện cho doanh nghiệp đã công nhận giao dịch;
  • Người có quyền đại diện cho doanh nghiệp biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
  • Người có quyền đại diện cho doanh nghiệp có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình không có quyền đại diện.

Theo khoản 3 Điều 142, trường hợp bên đã giao dịch không biết về việc người thực hiện giao dịch không có quyền đại diện mà thực hiện các giao dịch thì họ có quyền yêu cầu đơn phương chấm dứt hoặc hủy bỏ giao dịch và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.

Người đại diện doanh nghiệp

Thời hạn đại diện

Đối với đại diện theo pháp luật

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau:

  • Doanh nghiệp chấm dứt tồn tại do bị giải thể hoặc phá sản thì đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cũng sẽ chấm dứt.
  • Trường hợp người đại diện theo pháp luật bị thay đổi
  • Người đại diện theo pháp luật của công ty chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định
  • Trường hợp khác theo pháp luật quy định

Đối với đại diện theo ủy quyền

  • Chấm dứt đại diện theo thỏa thuận của các bên
  • Thời hạn ủy quyền đã hết
  • Công việc được ủy quyền đã hoàn thành
  • Doanh nghiệp chấm dứt tồn tại do bị giải thể hoặc phá sản thì đại diện theo ủy quyền cũng sẽ chấm dứt.
  • Người có quyền đại diện cho doanh nghiệp hoặc người đại diện theo ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền.

Theo khoản 2 điều 140 bộ luật dân sự 2015,thời hạn đại diện trong trường hợp đại diện theo ủy quyền được xác lập theo văn bản ủy quyền theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc theo điều lệ của pháp nhân theo quy định khác của pháp luật.

Các thủ tục liên quan đến đại diện trong doanh nghiệp

Căn cứ Điều 30, 31 Luật doanh nghiệp khi thay đổi người đại diện theo pháp luật  doanh nghiệp cần thực hiện các bước:

  1. Doanh nghiệp sẽ quyết định người sẽ thay thế người đại diện theo pháp luật hiện tại bằng quyết định bổ nhiệm.
  2. Soạn thảo hồ sơ cần thiết để thay đổi người đại diện theo pháp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020
  3. Nộp hồ sơ thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại phòng đăng ký kinh doanh
  4. Nhận giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã ghi nhận người đại diện mới
  5. Thông báo đến cơ quan, tổ chức liên quan về việc thay đổi người đại diện doanh nghiệp.

Trên đây là thông tin Legalzone muốn cung cấp tới bạn đọc. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Công ty Luật Legalzone để được tư vấn và hỗ trợ.

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ

LEGALZONE COMPANY

Hotline tư vấn:  088.888.9366

Email: [email protected]

Website: https://legalzone.vn/

Địa chỉ: Phòng 1603, Sảnh A3, Toà nhà Ecolife, 58 Tố Hữu, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội

———————————-

Tư vấn đầu tư nước ngoài/ Foreign investment consultantcy

Tư vấn doanh nghiệp/ Enterprises consultantcy

Tư vấn pháp lý/ Legal consultantcy

Fb Legalzone: https://www.facebook.com/luatlegalzone.ltd

Chia sẻ:
{{ reviewsTotal }}{{ options.labels.singularReviewCountLabel }}
{{ reviewsTotal }}{{ options.labels.pluralReviewCountLabel }}
{{ options.labels.newReviewButton }}
{{ userData.canReview.message }}
Danh mục