Dịch vụ luật sư - Tư vấn pháp luật

Đặt câu hỏi

Dịch vụ luật sư, tư vấn pháp luật

04 NỮ TIẾP VIÊN TẠI SAO ĐƯỢC TRẢ TỰ DO

04 NỮ TIẾP VIÊN TẠI SAO ĐƯỢC TRẢ TỰ DO

Liên quan đến vụ việc 04 nữ tiếp viên hàng không hãng Vietnam Airlines chứa hơn 11kg ma túy trong hành lý được trả “tự do” gây ý kiến trái chiều trong dư luận khi so sánh với các vụ việc tương tự. Liệu các vụ tương tự có oan sai và vụ tiếp viên có bỏ lọt tội phạm hay không. Legalzone xin trình bày nhận định về lý do cơ quan tố tụng ra quyết định trả tự do và nhận định về giá trị của nguồn chứng cứ.

Nguồn chứng cứ

Ngày 23/3/2023, cơ quan cảnh sát điều tra- Công an TP HCM đã ra quyết định trả tự do cho 04 nữ tiếp viên hàng không. Theo Cơ quan điều tra, ngày 21/3, các cơ quan chức năng đã họp, đánh giá toàn diện tài liệu, chứng cứ thu thập được và đối chiếu với các quy định pháp luật.

Những tuýp kem đánh răng chứa ma túy, trong hành lý của 4 tiếp viên. Ảnh: Hải quan TP HCM

Bước đầu xác định, khi 04 nữ tiếp viên hàng không đang lưu trú tại Pháp, một đối tượng người Việt Nam nhờ chuyển hàng tiêu dùng là 327 tuýp kem đánh răng và 17 chai nước súc miệng về Việt nam qua sân bay Tân Sơn Nhất cho người nhà trong nước.

Theo bài báo đưa tin của trang mạng Vnexpress tại bài viết “4 tiếp viên hàng không sẽ bị điều tra như thế nào” đăng ngày 20/3/2023, lúc 22h28 (GMT+7), cơ quan tiến hành tố tụng đã thực hiện những công việc thu thập tài liệu chứng cứ như sau:

Cơ quan điều tra đã khám xét nhà 04 nữ tiếp viên Vietnam Airline, lấy lời khai nhiều người, thu thập chứng cứ liên quan đến việc mang 11.4kg ma túy từ Pháp về nước.

Ngày 20/3, cơ quan có thẩm quyền đã khám xét nơi ở của các nghi phạm và không phát hiện thêm ma túy. Các nghi phạm khai nhận mang hàng hóa xách tay về nước thông qua một người đồng nghiệp làm chung hãng.

Đối tượng này đã trao đổi với một trong 04 nữ tiếp viên về thỏa thuận tiền công, chia lô hàng “kem đánh răng” về Tân Sơn Nhất. Cơ quan điều tra đã tiến hành làm việc, lấy lời khai của đối tượng giới giới thiệu.

Bước đầu, tất cả tiếp viên liên quan chỉ cung cấp được tin nhắn trao đổi, thỏa thuận giá với “người giao hàng” tại Pháp với nội dung được trả tiền công hơn 10 triệu đồng cho tổng cộng 60kg hàng hóa.

Hiện trường vụ việc ảnh VoV

Nhận định pháp lý về vụ việc

Vậy, có thể nhận định, một trong các căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trả tự do, không khởi tố bị can đối với 04 nữ tiếp viên hàng không là ở nội dung tin nhắn trao đổi do các đối tượng nghi phạm cung cấp.

Đối với các tội về ma túy, đặc biệt là tội danh “vận chuyển trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 250 Bộ Luật Hình sự 2015 cần xem xét chi tiết đến mặt chủ quan của cấu thành tội phạm. Theo đó, mặt chủ quan của cấu thành tội này là Người phạm tội thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy với lỗi cố ý. Cụ thể, người phạm tội khi thực hiện hành vi có nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (lỗi cố ý quy định tại Điều 10 của Bộ Luật Hình sự 2015).

Do đó, trong trường hợp này, nếu các tài liệu, chứng cứ cho thấy 04 nữ tiếp viên hàng không của hãng Vietnam Airlines không có biết mình đang vận chuyển chất ma túy, không có mục đích vận chuyển ma túy từ nước ngoài về Việt Nam hay cơ quan tiến hành tố tụng không có đủ bằng chứng để chứng minh yếu tố chủ quan của 04 nữ tiếp viên thì không thỏa mãn cấu thành tội phạm.

Tuy nhiên, dưới góc độ khoa học pháp lý, cần nhìn nhận sâu sắc hơn về các tài liệu, văn bản, nội dung tin nhắn được tất cả tiếp viên cung cấp trong hồ sơ vụ án. Liệu những tin nhắn trao đổi đó có thực sự là căn cứ phản ánh đầy đủ được mặt chủ quan của hành vi?

Các tin nhắn trao đổi của tất cả tiếp viên đều có thể được thể hiện bằng chữ, số, âm thanh và hình ảnh, được truyền tải giữa các thiết bị di động. Căn cứ theo quy định tại Điều 99 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015, dữ liệu điện tử là ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự được tạo ra, lưu trữ, truyền đi hoặc nhận được bởi phương tiện điện tử. Do đó, các tin nhắn trao đổi của tất cả tiếp viên là một dạng dữ liệu điện tử được quy định trong Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay, pháp luật về tố tụng hình sự ghi nhận dữ liệu điện tử là một nguồn chứng cứ, chưa phải là chứng cứ của vụ án, theo quy định tại Điều 86, 87 Bộ Luật Tố tụng Hình sự 2015.

Các dữ liệu điện tử nêu trên chỉ có giá trị chứng minh và đảm bảo tính khách quan khi được thu thập, bảo quản đúng theo trình tự tố tụng. Song, hoạt động thu thập, bảo quản các dữ liệu điện tử làm nguồn chứng cứ trong vụ án hình sự còn gặp nhiều khó khăn.

Dù Luật Tố tụng đã quy định về trình tự thu giữ, bảo quản dữ liệu điện tử tại Điều 88, 107, 113, 199 của Bộ Luật, nhưng với những đặc tính hiện đại, thay đổi liên tục của dữ liệu điện tử thì hiện nay chưa có những quy định cụ thể về quy trình cần thiết để xử lý nguồn chứng cứ/ chứng cứ điện tử. Quy định pháp luật chưa mô tả rõ quy trình thu giữ, bảo quản, phục hồi dữ liệu điện tử nhằm bảo vệ tính an toàn, toàn vẹn của dữ liệu.

Thực tế, các dữ liệu điện tử dễ bị tác động, thay đổi. Đối với các nội dung được thể hiện trên tin nhắn giữa các thiết bị điện tử, để đảm bảo toàn bộ tính khách quan về nội dung, có lẽ cơ quan tiến hành tố tụng bắt buộc phải đối chiếu nội dung được thể hiện trên tất cả các thiết bị để xác định tính thống nhất và toàn vẹn của ý chí giữa các chủ thể trao đổi, hoặc bắt buộc phải thực hiện việc giám định các dấu vết dữ liệu điện tử trong các cuộc hội thoại đó.

Việc đối chiếu, định vị, xác thực thông tin của những người trao đổi thông qua thiết bị điện tử bị ràng buộc bởi cơ chế bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền bảo mật thông tin khách hàng, quyền khác của nhà mạng cung cấp dịch vụ trong nước và quốc tế. 

Vậy, trong vụ việc cụ thể này, việc thu giữ tin nhắn trao đổi của tất cả tiếp viên là chưa đủ để xác định toàn bộ, thống nhất và toàn vẹn ý chí giữa các tiếp viên và đối tượng trao đổi. Cơ quan tố tụng vẫn có thể cần xác minh cụ thể đối tượng trao đổi với các tiếp viên hàng không qua tin nhắn, xác minh thông tin người dùng của đối tượng đó với nhà cung cấp dịch vụ.

Nguyên nhân được trả tự do

Có thể, quá trình nhắn tin trao đổi của 04 nữ tiếp viên hàng không với đối tượng được thực hiện tại Pháp. Do đó, việc xác minh, thu thập, bảo quản và đối chiếu nêu trên cần phải thực hiện thông qua hoạt động ủy thác tư pháp tới cơ quan có thẩm quyền tại Pháp. Vậy, có thể nhận định, cơ quan tiến hành tố tụng chưa đầy đủ căn cứ để buộc tội “vận chuyển trái phép chất ma túy” và buộc phải trả tự do cho 04 nữ tiếp viên hàng không theo đúng quy định pháp luật do chưa có đầy đủ căn cứ để khởi tố bị can. Theo đó, căn cứ tại khoản 3 Điều 118, khi hết thời hạn tạm giữ, hoặc trong khi tạm giữ, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì Cơ quan Điều tra phải trả tự do cho người bị tạm giữ.

Thêm vào đó, việc khám xét nơi ở không phát hiện không phát hiện thêm ma túy. 

Tác giả: Lê Minh

Thông tin mới:

Cơ quan điều tra sẽ xác minh thêm các đối tượng liên quan và mở rộng điều tra nhằm chứng minh mặt chủ quan của tội phạm. Vụ án sẽ còn tiếp tục.

Nguồn: 

Chia sẻ:
{{ reviewsTotal }}{{ options.labels.singularReviewCountLabel }}
{{ reviewsTotal }}{{ options.labels.pluralReviewCountLabel }}
{{ options.labels.newReviewButton }}
{{ userData.canReview.message }}
Danh mục