Dịch vụ luật sư - Tư vấn pháp luật

Đặt câu hỏi

Dịch vụ luật sư, tư vấn pháp luật

Luật doanh nghiệp 2020 có những điểm mới và nổi bật

Luật doanh nghiệp 2020 có những điểm mới và nổi bật
Chuyên mục: Tin tức

Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14 đã được Quốc hội thông qua ngày 17/06/2020 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 (“Luật Doanh nghiệp 2020”). Công ty Luật Legalzone tổng hợp những thay đổi quan trọng của Luật Doanh nghiệp số 59/2020 so với Luật doanh nghiệp hiện hành (Luật số 68/2014).

Bỏ nghĩa vụ thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng

Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 bãi bỏ nội dung “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”.

Bổ sung đối tượng không được thành lập doanh nghiệp

Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm nhiều đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp, gồm:

– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;

– Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);

– Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật hình sự.

Thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh được rút ngắn

Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Trong khi theo Luật Doanh nghiệp 2014 là thời hạn này là 15 ngày.

Bổ sung hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần

Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung yêu cầu đối với hồ sơ đăng ký công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) (Điều 21), công ty cổ phần (CP) (Điều 22) phải có thêm bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật, tương tự như thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ đông sáng lập công ty cổ phần.

Bổ sung quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết

Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết. Theo đó, cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết.

Quy định thêm về loại trừ trường hợp giải thể do bị thu hồi GCN đăng ký doanh nghiệp

Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 ghi nhận: “Doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.”

Thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước

Theo Khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020. Trong khi đó, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Doanh nghiệp nhà nước phải thành lập Ban Kiểm soát

Khoản 1 Điều 103 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban kiểm soát. Trong khi đó, theo Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp nhà nước có thể bổ nhiệm 01 Kiểm soát viên hoặc thành lập Ban kiểm soát gồm 03 đến 05 Kiểm soát viên (Điều 102).

Sửa đổi quy định xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt

Cụ thể, so với quy định hiện hành, việc xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt được sửa đổi, bổ sung tại Điều 53 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau:

– Trường hợp thành viên bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của thành viên đó trong công ty được thực hiện thông qua người đại diện không phải thông qua người giám hộ như Luật Doanh nghiệp 2014.

– Trường hợp thành viên tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác thì người được tặng cho trở thành thành viên công ty theo quy định sau đây:

+ Người được tặng cho thuộc đối tượng thừa kế theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự thì người này đương nhiên là thành viên công ty trong khi đó Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ xét đến hàng thừa kế thứ ba.

+ Người được tặng không thuộc trường hợp trên chỉ trở thành thành viên công ty khi được Hội đồng thành viên chấp thuận.

Điều 53 còn bổ sung thêm một số nội dung:

+ Thứ nhất, trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì thành viên đó ủy quyền cho người khác thực hiện một số hoặc tất cả quyền và nghĩa vụ của mình tại công ty.

– Thứ hai, trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị Tòa án cấm hành nghề, làm công việc nhất định hoặc thành viên công ty là pháp nhân thương mại bị Tòa án cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của công ty thì thành viên đó không được hành nghề, làm công việc đã bị cấm tại công ty đó hoặc công ty tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án.

Mở rộng thẩm quyền cho cổ đông

Theo Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền của cổ đông phổ thông quy định tại khoản 2 Điều 115. 

Trong khi theo Luật Doanh nghiệp 2014 các quyền này được áp dụng đối với cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty quy định.

Mọi cổ đông của công ty, không nhất thiết là cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục ít nhất trong 01 năm, sẽ có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng quản trị mà trái pháp luật, Điều lệ hoặc nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

Điều 153 Luật Doanh nghiệp 2020 ghi nhận mọi cổ đông của công ty, (không cần phải sở hữu cổ phần trong ít nhất trong 01 năm) có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng quản trị mà trái pháp luật, Điều lệ hoặc nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

Doanh nghiệp tư nhân được phép chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh

Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty TNHH, công ty CP hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Trong khi Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH.

Bãi bỏ nghĩa vụ báo cáo khi thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ các quy định về nghĩa vụ báo cáo với Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có thay đổi thông tin về họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của: (1) Thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; (2) Thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên; (3) Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Bổ sung thêm nghĩa vụ của cổ đông

Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm nghĩa vụ cổ đông phải bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.

Bổ sung trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần

Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2020, bổ sung thêm trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần, theo đó: Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2020 chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba.

Bổ sung thêm trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh

Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020, bổ sung thêm trường hợp thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách trong trường hợp “có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” và “chấp hành hình phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật”.

Bổ sung thêm quy định về “thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt”

Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:

– Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

– Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa những người thừa kế. Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì đăng ký chuyển đổi thành công ty hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân đó.

– Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.

– Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân được thực hiện thông qua người đại diện.

– Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp tư nhân cho cá nhân, tổ chức khác.

Bổ sung thêm thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông:

Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định thêm Đại hội đồng cổ đông sẽ có quyền (i) quyết định ngân sách hoặc tổng mức thù lao, thưởng và lợi ích khác cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; (ii) phê duyệt quy chế quản trị nội bộ; quy chế hoạt động Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát; và (iii) phê duyệt danh sách công ty kiểm toán độc lập; quyết định công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm tra hoạt động của công ty, bãi miễn kiểm toán viên độc lập khi xét thấy cần thiết.

Mọi cổ đông của công ty, không nhất thiết là cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục ít nhất trong 01 năm, sẽ có quyền yêu cầu Tòa án đình chỉ thực hiện hoặc hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng quản trị mà trái pháp luật, Điều lệ hoặc nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

Trên đây là bài viết của Công ty Luật Legalzone. Liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 0888889366 hoặc Fanpage để được tư vấn và hỗ trợ. Bạn có thể tham khảo thêm trang Thủ tục pháp luật của chúng tôi hoàn toàn miễn phí.

Chia sẻ:
{{ reviewsTotal }}{{ options.labels.singularReviewCountLabel }}
{{ reviewsTotal }}{{ options.labels.pluralReviewCountLabel }}
{{ options.labels.newReviewButton }}
{{ userData.canReview.message }}
Danh mục