Đăng ký thành lập hộ kinh doanh
Quán nhậu là một dạng kinh doanh ăn uống nhỏ lẻ. Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg, ngành nghề kinh doanh phù hợp cho các quán nhậu là: Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động
Tuỳ thuộc vào quy mô và định hướng kinh doanh, các cơ sở quán nhậu có thể lựa chọn đăng ký thành lập hộ kinh doanh cá thể hoặc doanh nghiệp. Tuy nhiên, đa phần các quán nhậu đều có quy mô vừa và nhỏ, hoạt động kinh doanh và cơ cấu tổ chức không quá phức tạp nên sẽ chủ yếu sẽ thành lập Hộ kinh doanh.
Hồ sơ đăng ký thành lập Hộ kinh doanh
Theo khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:
– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;
– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
– Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
– Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh
Bước 1: Nộp hồ sơ
Có 02 cách thức để nộp hồ sơ, cụ thể:
– Nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa UBND cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt địa điểm kinh doanh hoặc nộp trực tiếp tại Phòng Tài chính – Kế hoạch.
– Nộp hồ sơ qua Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh/thành phố nơi hộ kinh doanh đặt địa điểm kinh doanh.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ
Bước 3: Nhận kết quả
– Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho người thành lập hộ kinh doanh.
– Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng Tài chính – Kế hoạch phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
* Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc.
* Lệ phí giải quyết: Do HĐND cấp tỉnh quyết định (theo Thông tư 85/2019/TT-BTC). Thông thường, lệ phí giải quyết là 100.000 đồng/lần.
Xin Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)
Theo Điều 11, 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều phải có Giấy phép VSATTP khi hoạt động, trừ một số trường hợp sau:
– Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;
– Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;
– Sơ chế nhỏ lẻ;
– Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
– Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;
Như vậy, quán nhậu không thuộc các trường hợp được miễn xin Giấy phép VSATTP. Sau khi đã thực hiện thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, để được chính thức hoạt động kinh doanh hợp pháp, chủ quán nhậu phải nộp hồ sơ thực hiện thủ tục xin Giấy phép VSATTP.
Mở quán nhậu phải nộp những thuế gì?
Khi phát sinh hoạt động kinh doanh, cơ sở kinh doanh là quán nhậu phải nộp thuế, lệ phí theo quy định bao gồm các loại như sau:
Lệ phí môn bài
Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định lệ phí môn bài mà hộ kinh doanh phải nộp trong năm 2020 như sau:
TT |
Doanh thu (triệu đồng/năm) |
Mức lệ phí |
1 |
> 500 |
01 triệu đồng |
2 |
Từ 300 – 500 |
500.000 đồng |
3 |
Từ 100 – 300 |
300.000 đồng |
Thuế TNCN và thuế GTGT
Hộ, cá nhân kinh doanh nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Tiền thuế TNCN và tiền thuế GTGT sẽ được căn cứ vào doanh thu tính thuế GTGT, TNCN và tỷ lệ thuế GTGT, TNCN tương ứng với nghành, nghề, lĩnh vực kinh doanh của cơ sở kinh doanh đó.
Như vậy, thủ tục mở quán nhậu khá đơn giản mà các chủ cơ sở kinh doanh cũng có thể tự thực hiện được. Sau khi đã xin các loại giấy phép kinh doanh, chủ cơ sở đó phải ra cơ quan thuế tại quận/huyện nơi đặt địa điểm quán nhậu để làm hồ sơ khai thuế ban đầu.