Khi nào phải thực hiện thủ tục thay đổi tên công ty?
Trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, một nội dung không thể thiếu đó là tên doanh nghiệp (khoản 1 Điều 29 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13).
Theo Điều 38 Luật này, tên doanh nghiệp được hiểu là tên tiếng Việt của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có tên tiếng nước ngoài (thường là tiếng Anh) và tên viết tắt.
Trong đó, tên tiếng Việt là bắt buộc, còn tên tiếng nước ngoài và tên viết tắt có thể có hoặc không.
– Tên tiếng Việt của doanh nghiệp gồm 02 thành tố theo thứ tự: Loại hình doanh nghiệp + Tên riêng. Khi thay đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tên riêng, công ty đều phải thực hiện thủ tục thay đổi tên.
Do nội dung con dấu có tên doanh nghiệp (tên tiếng Việt) và mã số doanh nghiệp, nên khi đổi tên công ty đồng thời phải khắc lại con dấu theo tên mới.
– Tên doanh nghiệp bằng tiếng ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt thì được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên tiếng nước ngoài.
Trên con dấu không thể hiện tên tiếng nước ngoài, tên viết tắt của doanh nghiệp nên khi thay đổi tên, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện thay đổi tên công ty mà không cần đổi con dấu.
Trình tự thủ tục thay đổi tên công ty mới nhất
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi có Quyết định hoặc Nghị quyết thay đổi tên, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Điều 31 Luật Doanh nghiệp, Điều 41 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP).
Bước 1: Kiểm tra khả năng sử dụng của tên công ty mới dự kiến
Tra cứu tên công ty mới trên Hệ thống đăng ký doanh nghiệp quốc gia xem có thể sử dụng tên công ty mới hay không.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ thay đổi tên công ty
Stt |
Thành phần hồ sơ |
1 |
Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp do người đại diện theo pháp luật ký (Phụ lục II-1 Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT) |
2 |
Biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần/của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên/các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh/của chủ sở hữu đối với công ty TNHH 1 thành viên (có chữ ký của chủ tọa và người ghi biên bản) Biên bản phải ghi rõ những nội dung được thay đổi trong Điều lệ công ty |
3 |
Quyết định của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần/của Hội đồng thành viên đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên/của chủ sở hữu đối với công ty TNHH 1 thành viên (do Chủ tịch Hội đồng quản trị/Chủ tịch hội đồng thành viên/chủ sở hữu ký). Quyết định phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty |
4 |
Giấy ủy quyền nộp hồ sơ và nhận kết quả thay đổi tên công ty (nếu có) |
Bước 3: Nộp hồ sơ và lệ phí thay đổi tên công ty tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính.
Riêng tại Hà Nội thì thực hiện nộp hồ sơ qua mạng. Sau khi có tiếp nhận của cơ quan đăng ký kinh doanh doanh nghiệp nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
>>> Tham khảo bài viết: Cách đặt tên doanh nghiệp
Cơ quan đăng ký ra kết quả chấp thuận hồ sơ hoặc yêu cầu sửa đổi hồ sơ (nếu có) trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ.
Lệ phí: 50.000 đồng/lần (Thông tư số 47/2019/TT-BTC, áp dụng từ ngày 20/9/2019).
Bước 4: Khắc lại con dấu nếu thay đổi tên tiếng Việt
Sau khi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với tên mới, doanh nghiệp tiến hành thủ tục khắc con dấu pháp nhân mới và đăng thông báo con dấu mới trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 5: Công bố thông tin thay đổi doanh nghiệp
Sau khi thay đổi đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải công bố thông tin thay đổi trên cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia trong vòng 30 ngày kể từ ngày thay đổi. Lệ phí công bố thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng/lần.
Trên đây là bài viết về chủ đề Những điều cần biết khi thực hiện thủ tục đổi tên doanh nghiệp. Hãy liên hệ với Legalzone để được tư vấn và hỗ trợ.