Tìm kiếm luật sư Việt Nam

Thành lập doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp 2020 

Thành lập doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp 2020 

them-doi-tuong-bi-cam-thanh-lap-doanh-nghiep_2020

Thành lập công ty hay thủ tục thành lập công ty đang là mối quan tâm của rất nhiều cá nhân, tổ chức khi có ý định xây dựng một cơ ngơi của riêng mình. Đặc biệt hơn khi từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, Luật doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu một chặng đường mới cho mỗi cá nhân, tổ chức. Thông qua những nội dung mà chúng tôi chia sẻ tron bài viết Thành lập doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp 2020  dưới đây thì cá nhân, tổ chức không chỉ biết cách thành lập doanh nghiệp mà còn lựa chọn được dịch vụ ưng ý khi có nhu cầu.

Thành lập Công ty là gì?

Thành lập Công ty là thủ tục hành chính được thực hiện tại sở kế hoạch đầu tư bao gồm các bước

(i) chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty

(ii) nộp hồ sơ thành lập công ty

(iii) nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (iv) khắc dấu, công bố mẫu dấu và công ty chính thức đi vào hoạt động.

Thủ tục thành lập công ty đang được rất nhiều người quan tâm, nó là quá trình đầu tiên khi khởi nghiệp. Do đó, thành lập công ty là việc làm cần thiết để hoạt động kinh doanh được hợp pháp, được pháp luật công nhận và bảo vệ, qua đó tạo niềm tin với khách hàng và đối tác.

Vì sao phải thành lập Công ty?

Vì sao phải thành lập Công ty?

>>> Tham khảo bài viết: Tổng hợp những thay đổi quan trọng của luật doanh nghiệp 2020

– Thành lập công ty sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh của chúng ta diễn ra 1 cách hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam;

– Công ty sẽ có tư cách pháp nhân ngay sau khi được thành lập. Do đó, sẽ rất dễ dàng trong các hoạt động kinh doanh với đối tác, khách hàng và trước pháp luật Việt Nam;

– Thành lập công ty sẽ giúp chúng ta có thể mở rộng được quy mô kinh doanh, sử dụng được nhiều người lao động, huy động được các nguồn vốn dễ dàng và qua đó sẽ thúc đẩy được lợi nhuận từ việc kinh doanh hơn là các hình thức kinh doanh nhỏ lẻ

– Thành lập công ty sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế qua các hoạt động kinh doanh, đóng góp lợi ích cho xã hội từ việc nộp thuế, tạo công ăn việc làm cho người lao động…vv;

– Khi thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp có thể được hưởng những ưu đãi về thuế, quyền sử dụng đất….vv doanh nghiệp đó hoạt động trong những lĩnh vực kinh doanh được ưu đãi theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thủ tục Thành lập Công ty 2021 như thế nào?

Bước 1: Xác định loại hình doanh nghiệp để tiến hành thành lập doanh nghiệp

Thủ tục thành lập công ty đầu tiên mà mọi cá nhân, tổ chức cần thực hiện chính là xác định loại hình công ty. Việc làm này đóng vai trò vô cùng quan trọng và có ảnh hưởng xuyên suốt đến quá trình thành lập và phát triển của doanh nghiệp. Do đó, mọi người nên cân nhắc và xác định cho mình một loại hình phù hợp.

Theo quy định tại Luật doanh nghiệp 2020 thì hiện nay có 4 loại hình công ty chính gồm:

(i) Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH)

Đây là một trong những loại hình công ty phổ biến nhất Việt Nam hiện nay. Trong đó được chia thành hai loại hình nhỏ là:

– Công ty TNHH một thành viên

– Công ty TNHH hai thành viên trở lên

(ii) Công ty cổ phần

Loại hình doanh nghiệp này được thành lập bởi vốn của nhiều cá nhân/tổ chức. Số vốn góp sẽ được quy đổi bằng cổ phần và người góp vốn sẽ được gọi là cổ đông. Công ty cổ phần bắt buộc có số cổ đông tối thiểu là 3 người. Thủ tục thành lập công ty cổ phần cũng tương tư như các loại hình công ty khác, chỉ khác một số hồ sơ chuẩn bị.

(iii) Doanh nghiệp tư nhân

Theo quy định tại điều 188 Luật doanh nghiệp 2020 thì:

1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.

3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.

(iv) Công ty hợp danh

Tại Việt Nam, loại hình công ty hợp danh ít được nhắc đến. Loại hình công ty này phải có ít nhất 2 hai chủ sở (thành viên hợp danh) cùng kinh doanh bằng một tên gọi. Sau khi hoàn tất thành lập doanh nghiệp, loại hình này sẽ có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, điểm bất cập của loại hình này là không được phát hành chứng khoán.

Đối với mỗi loại hình công ty, chủ sở hữu là cá nhân, tổ chức sẽ có những quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau. Do đó, quý khách hàng hãy xem xét dựa trên định hướng phát triển của công ty để lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp.

Bước 2: Chọn tên công ty khi thành lập công ty hoặc thành lập doanh nghiệp

Mọi người dành rất nhiều tâm huyết, công sức khi đặt tên cho công ty. Có người lựa chọn theo sở thích, có người lựa chọn theo phong thủy, lại có người lựa chọn theo một ý nghĩa ẩn dụ nào đó. Tuy nhiên dù lựa chọn theo bất kỳ ý đồ nào thì điều kiện bắt buộc vẫn phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Đặt tên công ty nghe có vẻ đơn giản, vậy nhưng đây lại là thủ tục thành lập công ty khiến không ít cá nhân, tổ chức đau đầu.

Lưu ý khi đặt tên công ty

Theo quy định tại Điều 37, Điều 39 Luật doanh nghiệp 2020 về Tên doanh nghiệp thì:

Tên tiếng Việt của doanh nghiệp: bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:

a) Loại hình doanh nghiệp;

b) Tên riêng.

 Loại hình doanh nghiệp

Loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn. Được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần. Được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh. Được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân.

Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

 Tên doanh nghiệp bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.

Trường hợp doanh nghiệp có tên bằng tiếng nước ngoài

Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.

Tên viết tắt của doanh nghiệp

 Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.

>>> Tham khảo bài viết: Luật doanh nghiệp 2020 có hiệu lực doanh nghiệp có phải tiến hành sửa đổi điều lệ không?

Lưu ý cách  đặt tên cho chi nhánh, văn phòng đại diện

Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.

Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh” đối với chi nhánh, cụm từ “Văn phòng đại diện” đối với văn phòng đại diện, cụm từ “Địa điểm kinh doanh” đối với địa điểm kinh doanh.

Tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh. Tên chi nhánh, văn phòng đại diện được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh, văn phòng đại diện phát hành.

Những điều cấm khi đặt tên doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp 2020

Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 của Luật doanh nghiệp về tên trùng và nhầm lẫn, cụ thể:

Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.

 Các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bao gồm:

a) Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống tên doanh nghiệp đã đăng ký;

b) Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;

c) Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;

d) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, một số thứ tự hoặc một chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, chữ F, J, Z, W được viết liền hoặc cách ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;

đ) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một ký hiệu “&” hoặc “và”, “.”, “,”, “+”, “-”, “_”;

e) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc từ “mới” được viết liền hoặc cách ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;

g) Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một cụm từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông”;

h) Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.

Trường hợp cấm đặt tên

 – Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

– Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Bước 3. Chọn địa chỉ trụ sở chính khi thành lập doanh nghiệp, công ty

Quy định tại điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020, Trụ sở chính của doanh nghiệp đặt trên lãnh thổ Việt Nam, là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có).

Bước 4: Chọn vốn điều lệ khi thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp

Theo quy định tại khoản 34 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020 thì:

Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Hồ sơ thành lập công ty, thành lập doanh nghiệp

File search concept: folders and magnifying glass

Thủ tục thành lập công ty không thể thiếu việc chuẩn bị hồ sơ. Đối với mỗi loại hình công ty, quý khách hàng sẽ phải chuẩn bị một bộ hồ sơ riêng. Do đó, trước khi chuẩn bị hồ sơ thành lập công ty TNHH hoặc Công ty Cổ phần…vv, quý khách hàng nhớ xác định rõ loại hình doanh nghiệp.

Hồ sơ đăng ký thành lập công ty TNHH

Theo quy định tại Điều 21 Luật doanh nghiệp 2020 thì hồ sơ thành lập công ty TNHH bao gồm:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

b) Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

 5.Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Hồ sơ đăng ký thành lập công ty cổ phần

Theo quy định tại điều 22 Luật DN 2020, hồ sơ thành lập công ty cổ phần bao gồm:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân, người đại diện theo pháp luật;

b) Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.

Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Hồ sơ đăng ký thành lập công ty hợp danh

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên.

4. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên.

5. Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân

Hồ sơ thành lập doanh nghiệp tư nhân được quy định tại Điều 20 Luật Doanh nghiệp 2020:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

>>> Tham khảo bài viết: Phân biệt tên doanh nghiệp và tên thương mại của doanh nghiệp

Trình tự đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại luật doanh nghiệp 2020

Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh 

a) Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;

b) Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;

c) Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử

là việc người thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử bao gồm các dữ liệu theo quy định của Luật này và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy.

 Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

 Tài khoản đăng ký kinh doanh là tài khoản được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho cá nhân để thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Cá nhân được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký để được cấp và việc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.

Thời hạn giải quyết

 Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.

Trên đây là bài viết tổng hợp tham khảo về thủ tục, hồ sơ, trình tự Thành lập doanh nghiệp theo luật doanh nghiệp 2020 của Legalzone. Hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ đầy đủ, chi tiết nhất.

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ

LEGALZONE COMPANY

Hotline tư vấn:  0989.919.161

Email: [email protected]

Website: https://legalzone.vn/

https://thutucphapluat.vn/

Địa chỉ: Phòng 1603, Sảnh A3, Toà nhà Ecolife, 58 Tố Hữu, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội

———————————-

Tư vấn đầu tư nước ngoài/ Foreign investment consultantcy

Tư vấn doanh nghiệp/ Enterprises consultantcy

Tư vấn pháp lý/ Legal consultantcy

Fb Legalzone: https://www.facebook.com/luatlegalzone.ltd

Tìm kiếm

VD: đơn ly hôn, ly hôn đơn phương, tư vấn luật, tư vấn pháp luật, đơn khởi kiện, luật sư tư vấn…

tu-van-phap-luat-theo-gio.png

ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN

Chọn vai trò người dùng để bắt đầu đăng ký