Dịch vụ luật sư - Tư vấn pháp luật

Đặt câu hỏi

Dịch vụ luật sư, tư vấn pháp luật

Công văn 1504/BYT-ATTP 2022 phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Công văn 1504/BYT-ATTP 2022 phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Lĩnh vực luật: Thực phẩm - Dược phẩm
Thuộc tính văn bản
Số ký hiệu:
Đang cập nhật
Ngày ban hành:
25/03/2022
Loại văn bản:
Công văn
Ngày có hiệu lực:
Đang cập nhật
Nguồn thu thập
Đang cập nhật
Ngày đăng công báo
Đang cập nhật
Cơ quan ban hành
Bộ Y tế
Người ký
Đỗ Xuân Tuyên

BỘ Y TẾ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————

Số: 1504/BYT-ATTP
V/v: Tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo TPBVSK

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2022

 

 

 

Kính gửi:

– Bộ Thông tin và Truyền thông;
– Bộ Công thương;
– Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch;
– Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
– Bộ Công An;
– Uỷ ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương;

 

 

Thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 09/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, trong thời gian vừa qua các Bộ ngành, UBND các cấp đã chủ động và nỗ lực đưa hoạt động quảng cáo trong đó có quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) theo quy định của pháp luật.

Hiện nay, các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động quảng cáo đã tương đối đầy đủ như Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm, Nghị định hướng dẫn Luật Quảng cáo, Nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Theo các quy định này, ngoài các hành vi cấm thì “Tổ chức, cá nhân có sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo TPBVSK chỉ tiến hành quảng cáo khi đã được thẩm định nội dung và quảng cáo đúng nội dung đã được thẩm định”. Để thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện thủ tục hành chính, toàn bộ thủ tục đăng ký nội dung quảng cáo TPBVSK đã được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thực hiện trên môi trường mạng (Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).

Bên cạnh những tổ chức, cá nhân chấp hành tốt các quy định của pháp luật về quảng cáo TPBVSK vẫn còn tồn tại rất nhiều những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo, chủ yếu tập trung vào các hành vi như quảng cáo không đúng bản chất của sản phẩm, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung và quảng cáo không đúng nội dung đã được thẩm định.

Ngày 10 tháng 3 năm 2022, Bộ Y tế – Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã phối hợp với các bộ ngành tại Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe”.

Với vai trò là Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế trân trọng đề nghị các bộ, ban ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan phối hợp triển khai các hoạt động như sau:

1. Bộ Thông tin và Truyền thông: Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định. Có biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như facebook, tiktok, twitter,…các nền tảng quảng cáo trên google ads như youtube, coccoc, chrome,…và yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo.

Rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm. Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.

2. Bộ Công thương: Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo TPBVSK trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh các sản phẩm TPBVSK. Có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các Công ty để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Có biện pháp, chế tài xử lý mạnh các sàn giao dịch thương mại điện tử.

3. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch: Tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, đặc biệt các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo TPBVSK có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chuyên môn thẩm định gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng.

4. Bộ Công An: Chỉ đạo kiểm tra xử lý nghiêm để làm gương các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo. Chủ trì phối hợp với các cơ quan của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

5. Bộ Kế hoạch và đầu tư: Quy định, quản lý chặt chẽ hơn về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

6. UBND các tỉnh/thành phố: Chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương (Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Y tế; Sở Công thương; Sở Văn hóa, thể thao & Du lịch; Ban Quản lý An toàn thực phẩm; Thanh tra tỉnh/thành phố) tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm quảng cáo TPBVSK trên địa bàn. Chỉ đạo các báo, đài Truyền hình và phát thanh địa phương, các cơ quan phát hành quảng cáo trên địa bàn chỉ được tiến hành quảng cáo các sản phẩm TPBVSK khi đã được thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận.

Tuyên truyền để người dân không tham gia vào các clip, video quảng cáo sai tác dụng, công dụng của TPBVSK, quảng cáo TPBVSK như thuốc chữa bệnh.

7. Các cơ quan chủ quản các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo: Yêu cầu các đơn vị phát hành quảng cáo cần chủ động, có trách nhiệm kiểm tra mẫu quảng cáo so với với nội dung đã được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền xác nhận và chỉ phát hành quảng cáo đúng nội dung đã được xác nhận. Kiên quyết không nhận những mẫu quảng cáo chưa có dấu xác nhận của cơ quan chuyên môn đã thẩm định nội dung. Các đơn vị chủ quản thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, xử lý quyết liệt những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo TPBVSK của các đơn vị kinh doanh dịch vụ phát hành quảng cáo thuộc lĩnh vực mình quản lý.

8. Các cơ quan truyền thông: Đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân chỉ mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe khi có nhu cầu, không mua qua phương thức truyền miệng. Khi mua thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có nguồn gốc rõ ràng, có hóa đơn, chứng từ để có căn cứ, bằng chứng để các cơ quan chức năng xử lý khi có yêu cầu.

Trân trọng./.

 

Nơi nhận:
– Như trên;
– Thủ tướng Phạm Minh Chính (để b/c);
– Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (để b/c);
– Văn phòng Chính phủ (để b/c);
– Đ/c Bộ trưởng BYT (để b/c);
– Đài Truyền hình Việt Nam (để p/h);
– Đài Tiếng nói Việt Nam (để p/h);
– Các đ/c Thứ trưởng BYT (để biết);
– Lưu: VT, ATTP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Đỗ Xuân Tuyên

 

 

Văn bản mới

Văn bản xem nhiều