Hướng dẫn 4122/HD-BVHTTDL 2021 tạm thời Thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
Thuộc tính văn bản | |||
---|---|---|---|
Số ký hiệu: | Đang cập nhật | Ngày ban hành: |
05/11/2021
|
Loại văn bản: |
Công văn
| Ngày có hiệu lực: | Đang cập nhật |
Nguồn thu thập |
Đang cập nhật
| Ngày đăng công báo |
Đang cập nhật
|
Cơ quan ban hành |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
| ||
Người ký |
Đoàn Văn Việt
| ||
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH Số: 4122/HD-BVHTTDL |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2021 |
HƯỚNG DẪN TẠM THỜI
Thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam
____________
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8044/VPCP-KGVX ngày 02/11/2021 của Văn phòng Chính phủ về hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam với những nội dung cụ thể như sau:
I. LỘ TRÌNH THÍ ĐIỂM ĐÓN KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ
1. Giai đoạn 1 (từ tháng 11/2021):
Thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh (Danh mục khu vực và các cơ sở cung ứng dịch vụ được đón khách du lịch quốc tế do các địa phương lựa chọn và công bố công khai).
2. Giai đoạn 2 (từ tháng 01/2022):
Mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế thường lệ. Khách có thể tham gia các chương trình du lịch kết hợp các điểm đến tại 05 địa phương ở giai đoạn 1 (có thể bổ sung thêm một số địa phương khác nếu đáp ứng điều kiện và có đề xuất đón khách du lịch quốc tế) sau khi khách du lịch đã hoàn thành chương trình du lịch tại điểm đến đầu tiên trong thời gian 7 ngày.
3. Giai đoạn 3:
Mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm bắt đầu giai đoạn 3 sẽ căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.
II. KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là người nước ngoài, người Việt Nam cư trú tại nước ngoài đến từ các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng của Việt Nam, đáp ứng các điều kiện về xuất nhập cảnh và các điều kiện về y tế dưới đây:
1. Có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận (không áp dụng đối với trẻ em dưới 12 tuổi đi cùng cha mẹ hoặc người giám hộ). Thời gian tiêm mũi 2 hoặc mũi 1 (đối với loại vắc xin 1 mũi) có hiệu lực đủ 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất cảnh. Hoặc có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương xác nhận đã khỏi bệnh do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp và được Việt Nam công nhận. Thời gian từ lúc xuất viện tính đến thời điểm xuất cảnh không quá 06 tháng.
2. Có kết quả âm tính với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (tính từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm).
3. Có bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị COVID-19 với mức trách nhiệm tối thiểu 50.000 USD.
4. Tham gia chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.
III. QUY TRÌNH ĐÓN KHÁCH DU LỊCH QUỐC TẾ
1. Đăng ký chương trình du lịch
– Khách du lịch lựa chọn và đăng ký tham gia chương trình du lịch của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế cung cấp dịch vụ trong giai đoạn thí điểm (chương trình du lịch quy định rõ về thông tin chuyến bay, cơ sở lưu trú, các dịch vụ tham quan, giải trí và thời gian của chương trình). Doanh nghiệp lữ hành thông báo cho khách du lịch về các thủ tục cần thiết khi đăng ký tham gia chương trình du lịch.
– Chương trình du lịch được thiết kế trong khu vực và các cơ sở dịch vụ được địa phương cho phép, với thời gian tối đa là 90 ngày.
– Sau khi hoàn thành chương trình du lịch (tối thiểu 7 ngày), nếu có nhu cầu ở lại Việt Nam để thăm thân thì phải đăng ký trước với doanh nghiệp lữ hành để hỗ trợ thủ tục bàn giao khách về địa phương nơi thăm thân và thực hiện việc giám sát y tế theo quy định hiện hành.
2. Xét duyệt nhân sự, cấp thị thực
– Trước khi làm thủ tục cho người nước ngoài nhập cảnh, doanh nghiệp lữ hành quốc tế thông báo đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an tư cách pháp nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật số 47/2014/QH13 và văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc lựa chọn tham gia chương trình thí điểm.
– Doanh nghiệp trực tiếp gửi văn bản đề nghị xét duyệt, kiểm tra nhân sự người nước ngoài nhập cảnh (theo mẫu NA2 ban hành kèm Thông tư số 04/2015/TT-BCA ngày 05/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Công an) và nhận kết quả tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh; có thể gửi văn bản và nhận kết quả qua giao dịch điện tử tại Cổng thông điện tử về xuất nhập cảnh (hướng dẫn tại website http://immigration.gov.vn).
– Trong thời gian không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Cục Quản lý xuất nhập cảnh thông báo kết quả kiểm tra, xét duyệt nhân sự cấp thị thực nhập cảnh; văn bản trả lời sẽ có thêm mã QR code chứa đường link để tải ứng dụng IGOVN do Bộ Công an xây dựng nếu chấp thuận. Trường hợp không chấp thuận sẽ thông báo lý do cụ thể.
– Khách du lịch nhận thị thực tại cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài hoặc tại cửa khẩu quốc tế theo đề nghị của doanh nghiệp lữ hành quốc tế.
– Thị thực nhập cảnh có thời hạn phù hợp chương trình du lịch, nếu khách tiếp tục đăng ký chương trình du lịch tại các khu vực thuộc địa phương được cho phép đón khách du lịch quốc tế thì xem xét gia hạn tạm trú theo bảo lãnh của doanh nghiệp.
– Trường hợp có thân nhân tại Việt Nam, hết thời gian du lịch (tối thiểu 7 ngày), nếu có nhu cầu tiếp tục ở lại để thăm thân thì được Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cho phép chuyển đổi mục đích nhập cảnh theo quy định.
– Đối với trường hợp nhập cảnh vào Phú Quốc (được miễn thị thực nhập cảnh theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ) doanh nghiệp làm thủ tục đề nghị kiểm tra nhân sự trước khi nhập cảnh.
3. Chuẩn bị trước chuyến bay
– Trước khi nhập cảnh vào Việt Nam doanh nghiệp lữ hành cần khuyến cáo khách du lịch theo dõi sức khỏe, cân nhắc hủy/hoãn chuyến đi nếu tại thời điểm thực hiện chuyến đi có các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 hoặc được xác định có tiếp xúc gần với trường hợp nhiễm/nghi nhiễm COVID-19.
– Khách du lịch tiến hành xét nghiệm RT -PCR trong vòng 72 giờ trước thời điểm xuất cảnh (tính từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm).
– Khách du lịch cần lưu ý các biện pháp phòng dịch thích hợp trên phương tiện vận chuyển trước khi nhập cảnh.
– Khách du lịch (bao gồm cả trẻ em dưới 12 tuổi đi cùng bố mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp) cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết theo quy định, trừ các giấy tờ được cơ quan chức năng của Việt Nam chấp nhận bản điện tử, cùng với kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính được cấp không quá 72 giờ trước thời điểm xuất cảnh để xuất trình cho hãng hàng không và các cơ quan xuất nhập cảnh khi được yêu cầu.
4. Thực hiện quy trình nhập xuất cảnh
– Khách du lịch tiến hành sàng lọc sức khỏe tại Cảng hàng không quốc tế nhập cảnh, bao gồm đo nhiệt độ và cài đặt ứng dụng IGOVN và ứng dụng PC- COVID. Yêu cầu khách du lịch sử dụng các ứng dụng trên trong suốt quá trình tham gia chương trình du lịch tại Việt Nam.
– Khách du lịch thực hiện các thủ tục để nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế theo quy định. Cơ quan y tế tại sân bay kiểm tra các điều kiện về y tế, công an cửa khẩu thực hiện kiểm soát nhập cảnh, cấp chứng nhận tạm trú, cấp thị thực (nếu có) đối với người nước ngoài nhập cảnh sân bay quốc tế sau khi khách hoàn tất thủ tục về y tế.
– Doanh nghiệp lữ hành hỗ trợ và hướng dẫn khách du lịch trong quá trình chuẩn bị giấy tờ nhập cảnh và tổ chức đón tiếp khách sau khi nhập cảnh đúng quy định.
– Khách du lịch tự theo dõi sức khoẻ và đảm bảo tuân thủ “Thông điệp 5K” và các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm theo quy định.
– Trường hợp có các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người – mệt mỏi – ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác thì thông báo ngay cho cơ quan y tế tại sân bay để theo dõi và triển khai quy trình xử lý dịch bệnh theo quy định.
5. Quá trình tham gia chương trình du lịch tại Việt Nam
a) Ngày 0-1
– Doanh nghiệp lữ hành tiếp nhận khách ra phương tiện vận chuyển và đưa khách về cơ sở lưu trú.
– Tại cơ sở lưu trú, khách du lịch tự xét nghiệm COVID-19 dưới sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ y tế của cơ sở lưu trú hoặc nhân viên đã được tập huấn về an toàn, xét nghiệm COVID-19 hoặc được xét nghiệm COVID-19 bởi cơ quan y tế địa phương.
+ Nếu kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19, khách du lịch tiếp tục tham gia chương trình du lịch.
+ Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, khách du lịch sẽ được đưa đến cơ sở chữa bệnh đáp ứng điều kiện để điều trị y tế theo quy định. Chi phí điều trị được chi trả bởi bảo hiểm hoặc doanh nghiệp lữ hành.
– Cơ sở lưu trú lưu giữ kết quả xét nghiệm của khách du lịch theo quy định.
b) Ngày 1-7
– Khách du lịch chỉ được tham gia các hoạt động du lịch theo lịch trình đã được đăng ký trước theo kế hoạch do doanh nghiệp du lịch tổ chức. Tuyệt đối không được tách đoàn hoặc rời khỏi khu vực đón khách đã được bố trí. Hạn chế tiếp xúc gần với các thành viên của đoàn khách du lịch khác.
– Khách du lịch tự theo dõi sức khỏe, nếu có các biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người – mệt mỏi – ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác hoặc có kết quả dương tính với COVID-19 trong quá trình tự xét nghiệm phải báo ngay cho nhân viên y tế để được xét nghiệm sàng lọc và quản lý kịp thời.
– Đảm bảo tuân thủ “Thông điệp 5K” và các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm theo quy định của cơ quan y tế có thẩm quyền trong mọi hoạt động của khách du lịch và của cơ sở cung ứng dịch vụ cho khách du lịch.
– Cơ sở lưu trú bố trí các kit xét nghiệm nhanh tại phòng khách sạn hoặc cung cấp theo yêu cầu, khuyến cáo khách du lịch tự xét nghiệm 2-3 ngày/lần và thông báo kết quả cho cơ sở lưu trú để theo dõi theo quy định.
– Cơ quan chức năng tại địa phương tiến hành kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc tuân thủ lịch trình du lịch và đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh của doanh nghiệp lữ hành, cơ sở cung ứng dịch vụ và khách du lịch.
– Với khách du lịch đăng ký chương trình du lịch dưới 7 ngày tại các địa phương: khách du lịch trở về nước theo các hướng dẫn và quy trình được công bố bởi quốc gia tương ứng.
c) Ngày 7+
– Với khách du lịch đăng ký chương trình du lịch trên 7 ngày: khách du lịch được xét nghiệm RT-PCR bởi nhân viên y tế hoặc cơ quan y tế địa phương vào ngày thứ 7 của chương trình du lịch.
– Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19, khách du lịch có thể đến các địa phương khác được phép đón khách du lịch quốc tế theo chương trình du lịch trọn gói (danh mục các khu vực và địa phương đón khách được công bố theo từng giai đoạn của lộ trình đón khách quốc tế). Nếu khách du lịch có nhu cầu thăm thân tại các địa điểm khác ngoài các địa điểm đã được đón khách du lịch quốc tế, phải có văn bản đăng ký với đơn vị tổ chức để thông báo với chính quyền địa phương nơi đến phối hợp theo dõi sức khỏe, quản lý theo quy định. Khách có thể xuất cảnh về nước trên các chuyến bay thương mại đang khai thác hoặc các chuyến bay thuê chuyến được cấp phép.
– Khách du lịch cần tuân thủ đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch như quy định tại mục III.5.b và theo quy định của từng địa phương.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
a) Chủ trì, phối hợp với các địa phương lựa chọn doanh nghiệp lữ hành quốc tế tham gia chương trình và thông báo danh sách đến Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
b) Chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá trong giai đoạn thí điểm đón khách du lịch quốc tế.
c) Hỗ trợ địa phương triển khai lựa chọn các đơn vị cung ứng dịch vụ và xây dựng phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế.
d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả, sơ kết, tổng kết chương trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền.
2. Bộ Y tế
a) Bố trí vắc xin đảm bảo theo quy định cho các địa phương du lịch trọng điểm tham gia chương trình.
b) Cập nhật các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về giám sát, điều tra, xử lý các ổ dịch phát sinh phù hợp với tình hình mới, đảm bảo tổ chức thí điểm an toàn, hiệu quả.
c) Công bố danh sách các loại vắc xin phòng COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận.
3. Bộ Ngoại giao
a) Cập nhật, công bố mẫu Chứng nhận tiêm chủng hoặc “hộ chiếu vắc xin” các quốc gia, vùng lãnh thổ được Việt Nam công nhận.
b) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương trong việc truyền thông, xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
c) Chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tạo điều kiện cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh theo quy định khi có thông báo duyệt nhân sự của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.
4. Bộ Công an tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, doanh nghiệp dịch vụ lữ hành quốc tế triển khai các thủ tục cấp thị thực, nhập xuất cảnh theo quy định; đảm bảo an toàn, an ninh, trật tự cho khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại Việt Nam theo chương trình thí điểm.
5. Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn sử dụng ứng dụng số về an toàn dịch bệnh sử dụng trong quá trình nhập xuất cảnh và di chuyển tại Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế.
6. Bộ Giao thông vận tải
a) Cấp phép các chuyến bay quốc tế đón khách du lịch.
b) Thống nhất quy định đảm bảo an toàn phòng chống dịch trên chuyến bay, các thủ tục, quy trình khi bay để thông báo cho khách du lịch.
c) Bố trí vị trí, địa điểm nhập xuất cảnh và thực hiện thủ tục kiểm soát dịch tễ; sàng lọc, phân luồng hành khách tại cảng hàng không quốc tế đón khách du lịch quốc tế nhập xuất cảnh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
7. UBND các địa phương: Kiên Giang, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh
a) Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn khu vực và các đơn vị cung ứng dịch vụ đón khách du lịch quốc tế trên cơ sở đủ điều kiện đón riêng đối với các khách du lịch quốc tế hoặc có thể phân khu vực riêng dành cho khách quốc tế, không ở chung khu vực cùng với khách nội địa. Công bố công khai danh sách các đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch để các công ty lữ hành quốc tế lựa chọn ký hợp đồng xây dựng chương trình du lịch bán cho khách.
b) Tổ chức tiêm chủng cho người dân và người lao động trong ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
c) Ban hành hướng dẫn chi tiết đón khách du lịch quốc tế tại địa phương, trong đó quy định cụ thể về các phương án an toàn phòng chống dịch bệnh, an ninh, an toàn cho khách du lịch và xử lý sự cố y tế phát sinh.
d) Bố trí đường dây nóng và cán bộ đầu mối để tiếp nhận thông tin, xử lý các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại các điểm du lịch khi cần thiết. Đảm bảo năng lực y tế, sẵn sàng về nhân lực, vật lực, tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai đón khách du lịch quốc tế theo quy định.
đ) Tổ chức tập huấn, hướng dẫn người lao động tại các cơ sở kinh doanh du lịch tham gia chương trình thí điểm về các điều kiện an toàn phòng chống dịch, lấy mẫu, hỗ trợ xét nghiệm nhanh COVID-19 cho khách du lịch quốc tế.
e) Định kỳ báo cáo kết quả đón khách quốc tế về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh.
8. UBND các địa phương khác
a) Tổ chức tiêm chủng cho người dân và người lao động trong ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.
b) Khi có nhu cầu và đảm bảo các điều kiện đón khách du lịch quốc tế cần xây dựng kế hoạch, đề xuất thời gian, phương án đón khách du lịch quốc tế gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung, mở rộng danh sách các địa phương đón khách.
c) Hỗ trợ tiếp nhận, giám sát y tế đối với du khách có nhu cầu ở lại thăm thân tại địa phương theo đăng ký.
9. Các doanh nghiệp du lịch tham gia chương trình thí điểm
a) Doanh nghiệp lữ hành quốc tế
– Xây dựng kế hoạch đón khách (gồm: thị trường khách, số lượng khách dự kiến đề xuất, địa điểm đến, thời gian thực hiện và thời gian lưu trú, hãng hàng không vận chuyển, chương trình tham quan du lịch), phương án tổ chức đoàn đảm bảo an toàn chống dịch và các phương án xử lý sự cố, cam kết thực hiện đầy đủ các quy định khi tham gia chương trình thí điểm gửi về Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở quản lý du lịch địa phương thí điểm đón khách du lịch để tổng hợp thông báo tới các cơ quan chức năng.
– Có hợp đồng trực tiếp với các cơ sở cung ứng dịch vụ (trong danh sách do các địa phương đề xuất), trong đó phân định rõ trách nhiệm cung cấp các dịch vụ an toàn cho khách du lịch, các phương án phối hợp xử lý sự cố phát sinh.
– Tuân thủ các quy định về an toàn dịch tễ, tất cả người tham gia trực tiếp vào quy trình đón và phục vụ du khách đều được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 và tập huấn cho người lao động về an toàn COVID-19.
– Hỗ trợ khách (về thủ tục, hoãn hủy dịch vụ…) trong trường hợp khách là F0, F1 hoặc nguyên nhân khác chưa thể về nước. Trường hợp khách không tự thanh toán các chi phí phát sinh liên quan thì doanh nghiệp chịu trách nhiệm thanh toán với đơn vị liên quan.
– Thiết lập đường dây nóng, bố trí cán bộ, người lao động làm đầu mối thông tin hỗ trợ khách du lịch.
– Doanh nghiệp đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 hàng ngày tại địa chỉ http://safe.tourism.com.vn để kết nối với hệ thống an toàn COVID quốc gia.
b) Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, tham gia đón khách du lịch trên địa bàn
– Đăng ký, cam kết với chính quyền địa phương về việc đảm bảo các phương án phục vụ khách du lịch an toàn, phương án xử lý sự cố phát sinh.
– Tuân thủ các quy định về an toàn dịch tễ, tất cả người tham gia trực tiếp vào quy trình đón và phục vụ du khách đều được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 và tập huấn cho người lao động về an toàn COVID-19, nhất là hỗ trợ khách du lịch xét nghiệm nhanh, lưu giữ kết quả.
– Doanh nghiệp đăng ký mã QR địa điểm trên ứng dụng hoặc website www.qr.tokhaiyte.vn, yêu cầu khách du lịch vào, ra các địa điểm phải quét đầy đủ mã QR của khách du lịch.
– Các cơ sở lưu trú bố trí các phòng “Đệm” để cách ly tạm thời các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19.
– Bố trí nhân viên y tế đã được tập huấn để theo dõi sức khỏe khách du lịch, hướng dẫn việc lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, tổng hợp kết quả và phối hợp tổ chức các hoạt động phòng chống dịch khi cần thiết. Nhân viên y tế luôn thực hiện “thông điệp 5K” trong quá trình làm việc; chỉ sử dụng trang phục phòng hộ (PPE) khi thực hiện các thủ thuật đối với các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19.
– Có kế hoạch và tự thực hiện tổ chức xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ cho nhân viên và người có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao.
– Thông báo, hướng dẫn cho khách du lịch về các quy định phòng chống dịch COVID-19 trước và trong quá trình du lịch tại Việt Nam.
– Thiết lập đường dây nóng, bố trí cán bộ, người lao động làm đầu mối thông tin hỗ trợ khách du lịch.
– Doanh nghiệp đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19 hàng ngày tại địa chỉ http://safe.tourism.com.vn để kết nối với hệ thống an toàn COVID quốc gia.
– Có hợp đồng đầy đủ với các doanh nghiệp lữ hành gửi khách, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bên trong việc đảm bảo an toàn dịch bệnh cho khách du lịch, phương án xử lý sự cố.
Hướng dẫn này sẽ được cập nhật, điều chỉnh theo các chính sách, quy định về thủ tục nhập, xuất cảnh, về phòng, chống dịch COVID-19 và các quy định khác của các Bộ, ngành theo thực tế triển khai qua các giai đoạn cụ thể. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch) để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoàn thiện./.
Nơi nhận: – Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo); – Các Phó TTgCP (để báo cáo); – Bộ trưởng (để báo cáo); – Các Thứ trưởng; – Văn phòng Chính phủ; – Các Bộ: NG, YT, CA, GTVT, TT&TT (để phối hợp); – UBND các tỉnh/thành (để thực hiện); – Lưu: VT, TCDL. 100. |
KT. BỘ TRƯỞNG
Đoàn Văn Việt |
Văn bản mới
Văn bản xem nhiều