Dịch vụ luật sư - Tư vấn pháp luật

Đặt câu hỏi

Dịch vụ luật sư, tư vấn pháp luật

Nghị quyết 141/NQ-CP 2021 phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11/2021

Nghị quyết 141/NQ-CP 2021 phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11/2021
Lĩnh vực luật: Chính sách
Thuộc tính văn bản
Số ký hiệu:
Đang cập nhật
Ngày ban hành:
14/11/2021
Loại văn bản:
Nghị quyết
Ngày có hiệu lực:
Đang cập nhật
Nguồn thu thập
Đang cập nhật
Ngày đăng công báo
Đang cập nhật
Cơ quan ban hành
Chính phủ
Người ký
Lê Minh Khái

CHÍNH PHỦ
______

Số: 141/NQ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2021

 

 

 

NGHỊ QUYẾT

Phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11 năm 2021

___________

CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ, ý kiến các đại biểu dự họp và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề tháng 11 năm 2021, tổ chức vào ngày 13 tháng 11 năm 2021,

 

QUYẾT NGHỊ:

 

I. Về dự thảo Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2021 – 2023 (dự thảo Chiến lược)

1. Chính phủ cơ bản thống nhất những nội dung chủ yếu của dự thảo Chiến lược do Bộ Y tế trình tại văn bản số 1805/BC-BYT ngày 13 tháng 11 năm 2021. Giao Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại cuộc họp, rà soát kỹ, hoàn thiện hồ sơ và nội dung dự thảo Chiến lược để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trước ngày 15 tháng 11 năm 2021; bảo đảm tính tổng thể, hệ thống, rõ ràng, cụ thể, ngắn gọn, sắc sảo, dễ hiểu, khả thi, dễ thực hiện; trong đó, lưu ý:

Phân tích, đánh giá tình hình phòng, chống dịch trong thời gian gần 02 năm qua, nêu rõ kết quả đạt được, hạn chế, vướng mắc, bất cập; làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan và bài học kinh nghiệm; trên cơ sở đó, đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện Chiến lược và xác định rõ nội dung xin ý kiến các cấp có thẩm quyền.

Rà soát, bổ sung quan điểm về cách tiếp cận toàn dân trong phòng, chống COVID-19, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm; lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch.

Rà soát kỹ, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới, bảo đảm khả thi, dễ thực hiện, thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu; trong đó nhấn mạnh: (i) các biện pháp y tế với 3 trụ cột: cách ly chặt, nhanh, hẹp và giải tỏa cách ly nhanh nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, khoa học, hiệu quả và nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh; điều trị từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, bảo đảm người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế gần nhất, sớm nhất có thể; (ii) các biện pháp hành chính, bảo đảm an sinh xã hội và việc đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân, người lao động, lưu thông hàng hóa phù hợp áp dụng tương ứng với cấp độ dịch của từng vùng, từng địa bàn theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.

Việc thực hiện phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 phải dựa trên nguyên tắc: 5K + vắc-xin + thuốc điều trị + Các biện pháp điều trị + Công nghệ + Đề cao ý thức của người dân và các biện pháp khác. Đẩy nhanh tiêm phòng, tăng độ bao phủ của vắc-xin và bảo đảm thuốc điều trị; nâng cao năng lực của hệ thống y tế; giảm thiểu tỷ lệ tử vong.

Tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện các phương án, kế hoạch, kịch bản ứng phó, phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro và chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực cần thiết cho phòng, chống dịch. Sớm có kế hoạch mở cửa lại trường học gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh.

Tăng cường y tế dự phòng và y tế cơ sở; trong đó khẩn trương rà soát, đánh giá thực trạng, năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở để đề xuất nhu cầu, cơ chế đầu tư bổ sung, kiện toàn, cân nhắc tập trung ở quy mô khu vực; đặc biệt cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ, phân bổ nguồn nhân lực hợp lý, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nhân lực hiện có.

Làm rõ nhu cầu vắc-xin, thuốc, sinh phẩm, kit, test xét nghiệm và trang thiết bị y tế trong thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022, dự kiến nguồn lực thực hiện và kế hoạch mua sắm rõ ràng, cụ thể. Có cơ chế hỗ trợ sản xuất trong nước vắc-xin, sinh phẩm, trang thiết bị, thuốc điều trị COVID-19.

Nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc thành lập Quỹ phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở Quỹ vắc-xin phòng COVID-19. Tăng cường hợp tác công tư, phát huy vai trò của y tế tư nhân và tăng cường sự phối kết hợp giữa y tế tư nhân và y tế nhà nước trong phòng, chống dịch.

Tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan; trong đó phân tích, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp trong trường hợp cần thiết; khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền trong năm 2022 các Luật về dược, khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

2. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo hoàn thiện các dự thảo Tờ trình, Báo cáo, Chiến lược, Kết luận của Bộ Chính trị và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chiến lược; trên cơ sở đó giao Bộ trưởng Bộ Y tế thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định; báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ trước ngày 20 tháng 11 năm 2021 trước khi trình Bộ Chính trị theo quy định.

II. Về Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 và một số cơ chế, chính sách đặc thù

Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương đầu tư Dự án và kết luận đây là dự án đặc biệt quan trọng của đất nước, cần phải tập trung nguồn lực đầu tư để sớm hoàn thành; bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật (Kết luận số 18-KL/TW ngày 08 tháng 10 năm 2021 của Bộ Chính trị).

Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả của Dự án, Chính phủ thống nhất triển khai toàn bộ 12 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, cơ bản hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2025.

Về nguồn vốn: ngoài phần vốn đã bố trí từ kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội, phần còn thiếu sẽ được bổ sung từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án và các thủ tục đầu tư theo đúng quy định; trên cơ sở đó, giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trước ngày 15 tháng 11 năm 2021.

III. Về Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập

Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 7892/TTr-BKHĐT ngày 13 tháng 11 năm 2021. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, rà soát kỹ, hoàn thiện hồ sơ Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư; giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ ký trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội trước ngày 15 tháng 11 năm 2021.

IV. Về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam

Chính phủ cơ bản thống nhất các chính sách và thông qua đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam tại Tờ trình số 783/TTr-BCA-C10 ngày 10 tháng 11 năm 2021 của Bộ Công an.

Giao Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội bổ sung dự thảo Nghị quyết vào Chương trình kỳ họp chuyên đề tháng 12 năm 2021 theo trình tự, thủ tục rút gọn, thông qua tại một kỳ họp.

Giao Bộ Công an xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp Quốc hội nêu trên./.

 

Nơi nhận:

Ban Bí thư Trung ương Đảng;

Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

Văn phòng Tổng Bí thư;

Văn phòng Chủ tịch nước;

Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

Văn phòng Quốc hội;

Tòa án nhân dân tối cao;

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

Kiểm toán Nhà nước;

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;

Ngân hàng Chính sách xã hội;

Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký TTg, PTTg, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo, TGĐ Cổng TTĐTCP;

Lưu: Văn thư, TH (2b).

TM. CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

 

Lê Minh Khái

 

 

Văn bản mới

Văn bản xem nhiều