Quyết định 08/2022/QĐ-UBND Thanh Hóa phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức
Thuộc tính văn bản | |||
---|---|---|---|
Số ký hiệu: | Đang cập nhật | Ngày ban hành: |
22/02/2022
|
Loại văn bản: |
Quyết định
| Ngày có hiệu lực: | Đang cập nhật |
Nguồn thu thập |
Đang cập nhật
| Ngày đăng công báo |
Đang cập nhật
|
Cơ quan ban hành |
Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa
| ||
Người ký |
Đỗ Minh Tuấn
| ||
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA _______ Số: 08/2022/QĐ-UBND |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ________________________ Thanh Hóa, ngày 22 tháng 02 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý
_________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13/11/2008; Luật Viên chức ngày 15/11/2010; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25/11/2019;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 17/6/2020;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 22/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18/6/2020;
Căn cứ Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính;
Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/04/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/04/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/05/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Căn cứ Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 158/2018/NĐ-CP ngày 22/11/2018 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể tổ chức hành chính;
Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện;
Căn cứ Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01/06/2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức; Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ quy định vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 13/TTr-SNV ngày 06/01/2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/3/2022; thay thế Quyết định số 1100/2017/QĐ-UBND ngày 12/4/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy định về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý; Điều 1 Quyết định số 29/2020/QĐ-UBND ngày 03/7/2020 của UBND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1100/2017/QĐ-UBND ngày 12/4/2017; Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 2235/2017/QĐ-UBND ngày 28/6/2017; Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 1941/2017/QĐ-UBND ngày 07/6/2017 và Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1942/2017/QĐ-UBND ngày 07/6/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các cơ quan ngang sở, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: – Như Điều 3 QĐ; – Bộ Nội vụ (để b/c); – Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ (để b/c); – Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp (để b/c); – TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND tỉnh (để b/c); – Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh; – Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; – Cổng TTĐT tỉnh; Công báo tỉnh; – Lưu: VT, THKH. |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN CHỦ TỊCH
Đỗ Minh Tuấn
|
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA ________
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM ______________________ |
QUY ĐỊNH
Phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa quản lý
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 08/2022/QĐ-UBND ngày 22/02/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)
Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh.
Quy định này quy định nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý tổ chức bộ máy trong cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước; vị trí việc làm và biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; vị trí việc làm và số lượng người làm việc (biên chế viên chức) trong đơn vị sự nghiệp công lập; hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh Thanh Hóa.
2. Đối tượng áp dụng.
2.1. Đối với tổ chức:
a) Đơn vị, tổ chức hành chính:
– Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh (sau đây gọi tắt là sở).
– Văn phòng, thanh tra, phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở (sau đây gọi tắt là phòng cấp sở); chi cục và tổ chức tương đương thuộc cơ cấu tổ chức của sở (sau đây gọi tắt là chi cục).
– Phòng cấp chi cục thuộc sở.
– UBND huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện); cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện (sau đây gọi tắt là phòng cấp huyện); các tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp huyện.
– UBND xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là UBND cấp xã).
b) Đơn vị sự nghiệp công lập:
– Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh.
– Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở.
– Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc chi cục thuộc sở.
– Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện.
– Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh.
c) Hội, Quỹ:
– Các Hội hoạt động trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
– Quỹ tài chính nhà nước, Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện được thành lập và hoạt động trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
d) Doanh nghiệp: Công ty TNHH một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước thuộc UBND tỉnh quản lý.
2.2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức; người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp Nhà nước; hợp đồng lao động.
a) Cán bộ, công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước.
b) Cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
c) Cán bộ, công chức cấp xã.
d) Người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là Công ty TNHH một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; người đại diện phần vốn Nhà nước giữ các chức danh quản lý tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thuộc UBND tỉnh quản lý.
đ) Người được bầu, tuyển dụng trong biên chế của các Hội đặc thù được giao biên chế.
e) Hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ (sau đây gọi tắt là lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP) làm việc tại các cơ quan, đơn vị nêu tại tiết a, b, c điểm 2.1 khoản 2 Điều này.
Điều 2. Nguyên tắc phân công, phân cấp quản lý
1. Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất và đồng bộ của Đảng trong công tác quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức.
2. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành trong quyết định các vấn đề về quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức.
3. Phân công, phân cấp phải cụ thể, rõ việc, rõ địa chỉ, không bỏ sót, không chồng chéo nhiệm vụ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế của mỗi cấp, mỗi ngành; bảo đảm quyền chủ động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành và người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
4. Giám đốc các sở, Chủ tịch UBND cấp huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP theo phân công, phân cấp của UBND tỉnh phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn; đồng thời phải thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
5. Phân công, phân cấp phải gắn với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Quy định này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật đã sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
Điều 3. Nội dung quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, biên chế viên chức và cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng
1. Về tổ chức bộ máy.
a) Thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, đổi tên, phân loại, xếp hạng, chuyển đổi hình thức sở hữu, phê duyệt điều lệ, quy chế và cơ chế hoạt động.
b) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khác thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh.
c) Quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính theo quy định của pháp luật.
2. Về vị trí việc làm, biên chế công chức, biên chế viên chức và lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ; số lượng cán bộ, công chức cấp xã.
a) Quản lý biên chế công chức, biên chế viên chức, số lượng lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.
b) Quản lý vị trí việc làm.
3. Về cán bộ, công chức (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã), viên chức, lao động hợp đồng, người quản lý doanh nghiệp.
a) Tuyển dụng công chức, viên chức, công chức cấp xã.
b) Tiếp nhận, điều động, thuyên chuyển, biệt phái, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác.
c) Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, thôi giữ chức vụ lãnh đạo quản lý.
d) Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng.
đ) Chuyển ngạch, nâng ngạch, thay đổi chức danh nghề nghiệp.
e) Đánh giá, nhận xét, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chế độ, chính sách.
g) Kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
h) Quản lý, sử dụng lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.
Chương II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh
1. Tổ chức bộ máy.
a) Xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và tổ chức thực hiện sau khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
b) Xây dựng đề án thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh theo quy định của Chính phủ, trình HĐND tỉnh quyết định.
c) Quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh; quyết định thành lập, giải thể, sáp nhập, chia, tách các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khác trực thuộc sở, thuộc UBND cấp huyện theo quy định.
d) Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các sở, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh; quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu các sở, cơ quan ngang sở thuộc UBND tỉnh; phê duyệt đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; quyết định thành lập Hội đồng quản lý và phê duyệt Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý; hướng dẫn UBND cấp huyện quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
đ) Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chi cục thuộc sở phù hợp với hướng dẫn của bộ quản lý ngành, lĩnh vực; quyết định việc thành lập chi cục thuộc sở và cơ cấu tổ chức của chi cục thuộc sở theo quy định của Chính phủ.
e) Quy định cụ thể tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, chi cục thuộc sở, phòng và tương đương thuộc sở, phòng thuộc chi cục thuộc sở và phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
g) Trình HĐND tỉnh quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật.
h) Phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch mạng lưới tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
i) Xây dựng hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Quản lý biên chế công chức, biên chế viên chức, số lượng cán bộ, công chức cấp xã.
a) Trình HĐND tỉnh: Giao biên chế công chức cho các cơ quan của HĐND các cấp và các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý; số lượng và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, bản, tổ dân phố; tổng số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khác thuộc phạm vi quản lý của tỉnh theo quy định của Chính phủ.
b) Giao chỉ tiêu biên chế công chức cho các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước; số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, UBND cấp huyện, hội, quỹ và tổ chức khác (nếu có) sau khi được HĐND tỉnh phê duyệt (trừ đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư); giao, điều chỉnh số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã và số lượng từng chức danh công chức cấp xã theo quy định.
3. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
a) Ban hành quy chế quản lý, tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh.
b) Ban hành quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, thôi giữ chức vụ lãnh đạo quản lý; quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
c) Ban hành quy chế quản lý, tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức cấp xã.
Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh
1. Tổ chức bộ máy.
a) Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, thuộc chi cục, thuộc UBND cấp huyện theo quy định của pháp luật.
b) Xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thuộc sở, thuộc UBND cấp huyện (trừ các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở và Trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó không có cấp học Trung học phổ thông).
c) Công nhận Hội đồng trường đại học, thành lập Hội đồng trường cao đẳng công lập thuộc tỉnh quản lý; công nhận xếp hạng trường cao đẳng, trường trung cấp và trung tâm giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh; công nhận trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận.
d) Quyết định, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ đối với hội, quỹ có phạm vi hoạt động trong tỉnh, trong huyện và hội, quỹ có phạm vi hoạt động trong xã có yếu tố nước ngoài.
đ) Cho phép các cơ quan, tổ chức ngoài tỉnh đặt trụ sở văn phòng đại diện và chi nhánh trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
e) Quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu, phê duyệt điều lệ, sửa đổi, bổ sung điều lệ, xếp hạng, xếp loại công ty nhà nước, Công ty TNHH một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
g) Quyết định, cho phép thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức, đơn vị tư thục trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
h) Phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phân loại thôn, tổ dân phố.
2. Vị trí việc làm.
Phê duyệt đề án xác định vị trí việc làm trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập (trừ đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư).
3. Cán bộ, công chức, viên chức, người quản lý doanh nghiệp.
a) Quản lý cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và người quản lý doanh nghiệp.
– Phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện. Quyết định điều động, đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện và giao quyền Chủ tịch UBND cấp huyện sau khi có ý kiến bằng văn bản của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
– Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ, điều động, luân chuyển, thuyên chuyển, biệt phái, cử đi đào tạo, bồi dưỡng, công tác ở nước ngoài, thôi việc, nghỉ hưu, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; các chức danh thuộc diện Ban Cán sự đảng UBND tỉnh quản lý, gồm: Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch – Kiến trúc Thanh Hóa; Phó Giám đốc Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực; Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh; Phó Viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa; Phó Giám đốc các đơn vị: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản; Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Lam Sơn; Hiệu trưởng trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh; Chủ tịch hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch công ty), trưởng ban kiểm soát (hoặc kiểm soát viên) công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên và công ty cổ phần do UBND tỉnh làm đại diện chủ sở hữu; Giám đốc, Phó Giám đốc các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh và các chức danh khác theo quy định.
– Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm chức danh kế toán trưởng theo quy định.
– Chuyển ngạch, nâng ngạch, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh quản lý.
– Nhận xét, đánh giá đối với các chức danh thuộc diện Ban Cán sự đảng UBND tỉnh quản lý.
– Công nhận Chủ tịch Hội đồng trường đại học, công nhận Hiệu trưởng trường đại học công lập; bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường cao đẳng, Hiệu trưởng trường cao đẳng công lập trực thuộc tỉnh quản lý.
– Bổ nhiệm Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và các đơn vị sự nghiệp công lập khác do UBND tỉnh quyết định theo quy định của pháp luật.
b) Quản lý công chức:
– Ban hành kế hoạch thi tuyển, xét tuyển công chức; phê duyệt kế hoạch tiếp nhận vào làm công chức tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện. Quyết định phê duyệt kết quả thi tuyển, xét tuyển công chức.
– Tiếp nhận vào làm công chức đối với các đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 18, Nghị định số 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.
– Tổ chức thi nâng ngạch lên cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính hoặc tương đương theo quy định; phê duyệt kết quả kỳ thi nâng ngạch và danh sách công chức trúng tuyển; cử cán bộ, công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương trở lên theo quy định của các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngạch công chức chuyên ngành.
– Quyết định xét nâng ngạch lên cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc tương đương theo quy định; bổ nhiệm ngạch, xếp lương lần đầu đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.
– Phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hàng năm; điều động, biệt phái công chức giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh; cử công chức đi đào tạo, bồi dưỡng, công tác ở nước ngoài, cho phép công chức đi nước ngoài theo quy định; thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với công chức giữ ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương.
– Quyết định chuyển công tác đến cơ quan Trung ương và ngoài tỉnh đối với công chức có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, có học vị Tiến sĩ.
– Bổ nhiệm, miễn nhiệm ngạch Thanh tra viên, Thanh tra viên chính; quyết định mức phụ cấp thâm niên nghề lần đầu đối với các ngạch thanh tra và các ngạch kiểm lâm.
c) Quản lý viên chức:
– Phê duyệt Kế hoạch tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, thuộc sở và UBND cấp huyện.
– Cử viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I (tương đương chuyên viên cao cấp); chủ trì tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng II (tương đương chuyên viên chính) sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.
– Bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức trúng tuyển kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng I sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ; quyết định bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức trúng tuyển kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II.
– Phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng viên chức; điều động, biệt phái viên chức giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh; cử viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng, công tác ở nước ngoài, cho phép viên chức đi nước ngoài theo quy định; thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng I.
– Quyết định chuyển công tác đến cơ quan Trung ương và ngoài tỉnh đối với viên chức có chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, có học vị Tiến sĩ.
d) Quản lý cán bộ, công chức cấp xã: Chấp thuận để Chủ tịch UBND cấp huyện tuyển dụng công chức cấp xã không qua thi tuyển, xét tuyển đối với các trường hợp đặc biệt.
đ) Quản lý lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: Phê duyệt số lượng lao động hợp đồng làm công việc thừa hành, phục vụ theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Sở Nội vụ
1. Tổ chức bộ máy.
a) Tham mưu xây dựng đề án thành lập mới, bãi bỏ cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh; đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới, đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; lập hồ sơ phân loại đơn vị hành chính tỉnh; hướng dẫn lập hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp huyện; thẩm định hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp xã và thôn, tổ dân phố, hồ sơ sáp nhập, giải thể, thành lập, đổi tên thôn, tổ dân phố.
b) Thẩm định, trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh hồ sơ, đề án, phương án về thành lập, tổ chức lại, đổi tên, giải thể, xếp hạng, phân loại, quy định, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức khác và hồ sơ thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ đối các tổ chức hội; quỹ xã hội, quỹ từ thiện, thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
c) Tham gia, phối hợp với các sở, ngành có liên quan thẩm định đề án thành lập, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, điều lệ tổ chức và hoạt động, hồ sơ xếp loại, xếp hạng doanh nghiệp nhà nước, Công ty TNHH một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
d) Thẩm định, trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quy định tại khoản 1 Điều 4 và khoản 1, Điều 5 Quy định này.
2. Vị trí việc làm và biên chế.
a) Thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt: Đề án, đề án điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của các cơ quan, tổ chức hành chính; đề án, đề án điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh.
b) Tổng hợp, xây dựng kế hoạch biên chế công chức, số lượng người làm việc hàng năm trong các cơ quan hành chính, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh, trình UBND tỉnh.
c) Hướng dẫn việc xác định vị trí việc làm, quản lý, sử dụng số lượng người làm việc đối với các đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ.
d) Cho ý kiến về vị trí việc làm, số lượng người làm việc của các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên thuộc UBND tỉnh, thuộc sở, thuộc UBND cấp huyện.
đ) Thẩm định, trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quy định tại khoản 1 Điều 4 và khoản 2, Điều 5 Quy định này.
3. Cán bộ, công chức, viên chức, người quản lý doanh nghiệp.
a) Quản lý cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và người quản lý doanh nghiệp:
– Phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thực hiện quy trình về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, thuyên chuyển, biệt phái, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ, từ chức, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
– Thẩm định, tổng hợp quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch UBND tỉnh, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và hướng dẫn triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.
– Chủ trì, phối hợp với Giám đốc các sở, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, thuyên chuyển, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ, từ chức, khen thưởng, kỷ luật, nhận xét, đánh giá đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quản lý.
– Quản lý hồ sơ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quản lý.
b) Quản lý công chức:
– Chuyển ngạch cho công chức giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương (trừ các chức danh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Cán sự đảng UBND tỉnh quản lý).
– Nâng ngạch chuyên viên chính và tương đương không qua thi đối với công chức (trừ các chức danh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh quản lý) khi có thông báo nghỉ hưu theo quy định.
– Có ý kiến bằng văn bản để Giám đốc các sở, Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp nhận cán bộ, công chức ngoài tỉnh và các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh về công tác tại sở, các đơn vị trực thuộc sở, UBND cấp huyện.
– Thực hiện thống kê, báo cáo về đội ngũ cán bộ, công chức theo quy định.
c) Quản lý viên chức:
– Thẩm tra kết quả trúng tuyển viên chức, kết quả tiếp nhận vào làm viên chức của các cơ quan, đơn vị trước khi các cơ quan, đơn vị quyết định tuyển dụng, tiếp nhận.
– Chấp thuận để Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tiếp nhận viên chức từ các cơ quan Trung ương, ngoài tỉnh về công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
– Thẩm định, có ý kiến bằng văn bản về nội dung đề án và chỉ tiêu thăng hạng chức danh nghề nghiệp tương đương chuyên viên trở xuống.
– Thực hiện thống kê, báo cáo về đội ngũ viên chức theo quy định.
d) Quản lý cán bộ, công chức cấp xã:
– Có ý kiến bằng văn bản về việc tiếp nhận cán bộ cấp xã vào công chức cấp xã; tiếp nhận công chức cấp xã từ tỉnh khác đến; xếp lương lần đầu và xếp lương do thay đổi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức cấp xã.
– Thực hiện thống kê, báo cáo về đội ngũ công chức cấp xã theo quy định.
đ) Thẩm định, trình UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh quy định tại khoản 3, Điều 4 và khoản 3, Điều 5 Quy định này.
Điều 7. Nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc sở, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh
1. Tổ chức bộ máy.
a) Xây dựng phương án và dự thảo quyết định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở trình UBND tỉnh; phương án và dự thảo quyết định thành lập, tổ chức lại, đổi tên, giải thể các chi cục và tổ chức tương đương, đơn vị sự nghiệp, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở, trình UBND tỉnh.
b) Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tổ chức tương đương; quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng và tương đương thuộc chi cục, tổ chức quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp trực thuộc theo cơ cấu tổ chức được cấp có thẩm quyền quy định; công nhận Ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong tỉnh thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của sở.
c) Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các phòng, khoa và tương đương, đơn vị trực thuộc theo cơ cấu tổ chức được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
d) Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng phương án quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức để quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định; kiểm tra việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc theo quy định của pháp luật.
2. Vị trí việc làm và biên chế.
a) Xây dựng đề án vị trí việc làm, hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng đề án vị trí việc làm; kế hoạch biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, trình UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ). Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư phê duyệt đề án xác định vị trí việc làm và số lượng người làm việc sau khi có ý kiến bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ.
b) Phân bổ biên chế công chức, số lượng người làm việc cho tổ chức, đơn vị trực thuộc và quản lý, sử dụng có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
3. Công chức, viên chức, lao động hợp đồng.
a) Quản lý công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý:
– Đề xuất hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện các quy trình, thủ tục liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện cấp trên trực tiếp quản lý đang công tác tại cơ quan, đơn vị. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị.
– Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, thuyên chuyển, luân chuyển, biệt phái, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức, thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương, nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu theo quy định đối với: Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng; Trưởng, phó các tổ chức tương đương chi cục; Trưởng, phó phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tổ chức tương đương; Trưởng, Phó khoa; Trưởng, Phó các đơn vị sự nghiệp trực thuộc (trừ các chức danh thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh); bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm chức danh kế toán trưởng cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo quy định.
– Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận Hội đồng quản trị, chủ tịch Hội đồng quản trị, phó chủ tịch Hội đồng quản trị, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường trung học phổ thông tư thục, trường phổ thông tư thục có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.
– Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội công nhận Hiệu trưởng trường trung cấp tư thục và Giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục.
b) Quản lý công chức, lao động hợp đồng:
– Tuyển dụng, tiếp nhận, phân công công tác đối với công chức sau khi có quyết định phê duyệt kết quả trúng tuyển, quyết định tiếp nhận vào làm công chức của Chủ tịch UBND tỉnh; bổ nhiệm ngạch, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự theo quy định.
– Tổng hợp số lượng cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét nâng ngạch lên cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và tương đương gửi Sở Nội vụ thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.
– Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với công chức giữ ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương; đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ chuyển ngạch cho công chức giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương, nâng ngạch không qua thi đối với công chức khi có thông báo nghỉ hưu theo quy định (trừ các chức danh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh quản lý); chuyển ngạch công chức giữ ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống.
– Thành lập Hội đồng kiểm tra sát hạch để tiếp nhận các trường hợp vào làm công chức theo quy định.
– Quyết định tiếp nhận cán bộ, công chức ngoài tỉnh và các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh về công tác tại cơ quan, đơn vị sau khi có ý kiến của Giám đốc Sở Nội vụ; tiếp nhận công chức của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh về công tác tại cơ quan, đơn vị.
– Cử công chức đi đào tạo, bồi dưỡng, điều động, biệt phái, nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật công chức theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền theo quy định; thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương và chế độ thôi việc, nghỉ hưu đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý.
– Ký hợp đồng lao động đối với người làm công việc theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP tại cơ quan sở
– Quản lý hồ sơ công chức và thực hiện báo cáo, thống kê theo quy định về đội ngũ cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý.
c) Quản lý viên chức, lao động hợp đồng:
– Tổng hợp, xây dựng kế hoạch tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
– Quyết định tiếp nhận viên chức từ cơ quan Trung ương, ngoài tỉnh về công tác tại đơn vị sau khi có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ; tiếp nhận đối với cán bộ, công chức, viên chức từ các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh quản lý về làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
– Xây dựng đề án thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II (tương đương chuyên viên chính) trình Chủ tịch UBND tỉnh; xây dựng đề án thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng III, hạng IV gửi Sở Nội vụ thẩm định; tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng III, hạng IV theo quy định.
– Xây dựng đề án thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II (tương đương chuyên viên chính) trình Chủ tịch UBND tỉnh; xây dựng đề án thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng III, hạng IV gửi Sở Nội vụ thẩm định; tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng III, hạng IV; bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trúng tuyển theo quy định tại đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
– Chuyển chức danh nghề nghiệp, thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng II trở xuống; cử viên chức thuộc thẩm quyền quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đã được phê duyệt; điều động, biệt phái, nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với viên chức theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.
– Chỉ đạo các đơn vị được giao biên chế sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tự bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên thực hiện việc tuyển dụng viên chức theo quy định.
– Giám đốc Sở thực hiện việc tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và các trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học (trong đó có cấp học trung học phổ thông); phê duyệt kết quả trúng tuyển, quyết định tuyển dụng viên chức sau khi có ý kiến thẩm tra bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ.
– Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh thực hiện việc tuyển dụng viên chức; quyết định tuyển dụng viên chức, ký hợp đồng làm việc đối với người trúng tuyển hoặc tiếp nhận vào làm viên chức sau khi có ý kiến thẩm tra bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ. Ký hợp đồng lao động đối với người làm công việc theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.
– Thực hiện thống kê, báo cáo về đội ngũ viên chức theo quy định.
Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp huyện
1. Xây dựng đề án, trình HĐND cùng cấp quyết định thành lập, bãi bỏ cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện; xây dựng đề án thành lập, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể các đơn vị sự nghiệp trực thuộc (trừ các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở) trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới, đổi tên đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; lập hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp huyện; chỉ đạo, hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ phân loại đơn vị hành chính cấp xã và thôn, tổ dân phố, hồ sơ sáp nhập, giải thể, thành lập, đổi tên thôn, tổ dân phố trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo hướng dẫn của UBND tỉnh.
Điều 9. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp huyện
1. Tổ chức bộ máy.
a) Quyết định thành lập, tổ chức lại, đổi tên, giải thể, quy định nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, xếp hạng các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học (trong đó không có cấp học THPT), trường trung học cơ sở dân tộc nội trú công lập trên cơ sở quy hoạch mạng lưới đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; quyết định thành lập Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc UBND cấp huyện sau khi có ý kiến chấp thuận của Chủ tịch UBND tỉnh.
b) Quyết định cho phép thành lập, tổ chức lại, giải thể các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trường phổ thông có nhiều cấp học (trong đó không có cấp học THPT) ngoài công lập trên địa bàn huyện, trên cơ sở quy hoạch mạng lưới đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
c) Công nhận Ban vận động thành lập hội có phạm vi hoạt động trong huyện; quyết định, cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ đối với hội, quỹ có phạm vi hoạt động trong xã (trừ hội, quỹ có phạm vi hoạt động trong xã có yếu tố nước ngoài).
2. Vị trí việc làm và biên chế.
a) Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc UBND huyện xây dựng đề án vị trí việc làm; tổng hợp, xây dựng đề án vị trí việc làm, kế hoạch biên chế công chức, số lượng người làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc, trình UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ).
b) Phân bổ biên chế công chức, số lượng người làm việc cho tổ chức, đơn vị trực thuộc và quản lý, sử dụng có hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
3. Cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng.
a) Quản lý cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo quản lý:
– Đề xuất hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện các quy trình, thủ tục liên quan đến các nội dung quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện cấp trên trực tiếp quản lý đang công tác tại cơ quan, đơn vị. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị.
– Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giao quyền hoặc giao phụ trách điều hành, điều động, thuyên chuyển, luân chuyển, biệt phái, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức, thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương, nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu theo quy định đối với: Trưởng, phó phòng chuyên môn, nghiệp vụ và tổ chức tương đương; Trưởng, Phó các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
b) Quản lý công chức, lao động hợp đồng:
– Quyết định tuyển dụng, tiếp nhận, phân công công tác đối với công chức sau khi có quyết định phê duyệt kết quả trúng tuyển, quyết định tiếp nhận vào làm công chức của Chủ tịch UBND tỉnh; bổ nhiệm ngạch, xếp lương đối với người hoàn thành chế độ tập sự theo quy định.
– Tổng hợp số lượng cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét nâng ngạch lên cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và tương đương gửi Sở Nội vụ thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.
– Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh thực hiện chế độ tiền lương và phụ cấp lương đối với công chức giữ ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương; đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ chuyển ngạch cho công chức giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương, nâng ngạch không qua thi đối với công chức khi có thông báo nghỉ hưu theo quy định (trừ các chức danh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh quản lý); chuyển ngạch công chức giữ ngạch chuyên viên và tương đương trở xuống.
– Thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch để tiếp nhận các trường hợp vào làm công chức theo quy định.
– Quyết định tiếp nhận cán bộ, công chức ngoài tỉnh và các cơ quan trung ương trên địa bàn tỉnh về công tác tại cơ quan, đơn vị sau khi có ý kiến bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ; quyết định tiếp nhận công chức của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh về công tác tại cơ quan, đơn vị.
– Cử công chức đi đào tạo, bồi dưỡng, điều động, biệt phái, nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật công chức theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền theo quy định; thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương và chế độ thôi việc, nghỉ hưu đối với công chức thuộc thẩm quyền quản lý.
– Ký hợp đồng lao động đối với người làm công việc theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.
– Quản lý hồ sơ công chức và thực hiện thống kê, báo cáo về đội ngũ công chức theo quy định.
c) Quản lý viên chức:
– Xây dựng kế hoạch tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
– Thực hiện việc tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên; quyết định phê duyệt kết quả trúng tuyển, quyết định tuyển dụng viên chức sau khi có ý kiến thẩm tra bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ; chỉ đạo đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tự bảo đảm chi thường xuyên thực hiện việc tuyển dụng viên chức theo quy định.
– Tổng hợp, báo cáo danh sách viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tương đương chuyên viên chính trở lên. Xây dựng đề án thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tương đương chuyên viên trở xuống gửi Sở Nội vụ thẩm định; tổ chức thi hoặc xét thăng hạng, bổ nhiệm, xếp lương đối với viên chức trúng tuyển theo quy định.
– Tổng hợp, báo cáo danh sách viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tương đương chuyên viên chính trở lên. Xây dựng đề án thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp tương đương chuyên viên trở xuống gửi Sở Nội vụ thẩm định; tổ chức thi hoặc xét thăng hạng, bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trúng tuyển theo quy định.
– Chuyển chức danh nghề nghiệp, thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp tương đương chuyên viên chính trở xuống; cử viên chức thuộc thẩm quyền quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đã được phê duyệt; điều động, biệt phái, nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với viên chức theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.
– Quyết định tiếp nhận viên chức từ cơ quan Trung ương, ngoài tỉnh về công tác tại đơn vị sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ; tiếp nhận đối với cán bộ, công chức, viên chức từ các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh quản lý về làm việc tại đơn vị.
– Thực hiện thống kê, báo cáo về đội ngũ viên chức theo quy định.
d) Quản lý cán bộ, công chức cấp xã:
– Lập kế hoạch, quy hoạch; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng; khen thưởng, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ, công chức cấp xã theo thẩm quyền; quyết định kỷ luật đối với công chức cấp xã; hướng dẫn, kiểm tra UBND cấp xã trong việc nhận xét, đánh giá công chức cấp xã hàng năm.
– Tổ chức thực hiện việc thi tuyển, xét tuyển công chức cấp xã theo quy định.
– Quyết định điều động, biệt phái, bố trí, sử dụng công chức cấp xã trong phạm vi huyện; thuyên chuyển công chức cấp xã ra ngoài huyện trong tỉnh và tiếp nhận công chức cấp xã từ huyện khác trong tỉnh đến. Tiếp nhận công chức cấp xã từ tỉnh khác đến sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ.
– Xếp lương đối với cán bộ, công chức cấp xã sau khi có ý kiến thẩm định của Giám đốc Sở Nội vụ; thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương và chế độ, chính sách khác theo thẩm quyền.
– Thực hiện thống kê, báo cáo về đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo quy định.
Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của UBND, Chủ tịch UBND cấp xã
1. Quản lý, sử dụng, nhận xét, đánh giá, xếp loại đối với công chức cấp xã; thực hiện chế độ, chính sách, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức cấp xã; đề nghị cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định khen thưởng, kỷ luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định.
2. Quản lý hồ sơ công chức cấp xã và thực hiện thống kê, báo cáo về đội ngũ cán bộ, công chức theo quy định.
Điều 11. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng đơn vị quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc sở, thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, thuộc UBND cấp huyện
1. Tổ chức bộ máy.
Xây dựng phương án, quy định, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị; phương án thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức trực thuộc trình Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định.
2. Vị trí việc làm và biên chế.
a) Xây dựng đề án vị trí việc làm, kế hoạch biên chế công chức, số lượng người làm việc, báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp.
b) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư được quyết định số lượng người làm việc trên cơ sở đề án vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp đã được phê duyệt.
3. Công chức, viên chức, lao động hợp đồng.
a) Quản lý công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
– Đề xuất hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan thực hiện các quy trình, thủ tục về quản lý cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện cấp trên trực tiếp quản lý đang công tác tại cơ quan, đơn vị. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị.
– Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, thuyên chuyển, luân chuyển, biệt phái, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức, thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương, nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu theo quy định đối với: Trưởng, Phó phòng và tương đương (trừ các chức danh thuộc thẩm quyền cấp trên quản lý).
b) Quản lý công chức, lao động hợp đồng:
– Quyết định điều động, biệt phái, nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương và chế độ thôi việc, nghỉ hưu đối với công chức theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định.
– Ký hợp đồng lao động đối với người làm công việc theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.
– Quản lý hồ sơ công chức và thực hiện thống kê, báo cáo về đội ngũ công chức theo quy định.
c) Quản lý viên chức, lao động hợp đồng:
– Đối với Thủ trưởng đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên thuộc sở, thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh:
+ Xây dựng kế hoạch tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp trình Chủ tịch UBND tỉnh; thực hiện việc tuyển dụng viên chức; quyết định phê duyệt kết quả trúng tuyển, quyết định tuyển dụng viên chức và ký hợp đồng làm việc sau khi có ý kiến thẩm tra bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ.
+ Chuyển chức danh nghề nghiệp, thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp tương đương chuyên viên chính trở xuống, cử viên chức thuộc thẩm quyền quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đã được phê duyệt, điều động, biệt phái, nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với viên chức theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.
+ Quyết định tiếp nhận viên chức từ cơ quan Trung ương, ngoài tỉnh về công tác tại đơn vị sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ; quyết định tiếp nhận, thuyên chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức giữa các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh quản lý.
– Đối với Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên thuộc sở, trực thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, thuộc UBND cấp huyện:
+ Xây dựng kế hoạch tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp trình Chủ tịch UBND tỉnh; thực hiện việc tuyển dụng viên chức; quyết định phê duyệt kết quả trúng tuyển, quyết định tuyển dụng viên chức và ký hợp đồng làm việc sau khi có ý kiến thẩm tra bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ.
+ Chuyển chức danh nghề nghiệp, thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp tương đương chuyên viên chính trở xuống, cử viên chức thuộc thẩm quyền quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đã được phê duyệt, điều động, biệt phái, nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với viên chức theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.
+ Quyết định tiếp nhận viên chức từ cơ quan Trung ương, ngoài tỉnh về công tác tại đơn vị sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ; quyết định tiếp nhận, thuyên chuyển đối với cán bộ, công chức, viên chức giữa các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh quản lý theo quy định.
+ Quyết định bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức hạng III, hạng IV trúng tuyển trong kỳ thi hoặc xét thăng hạng theo quy định.
– Đối với Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, trực thuộc đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, thuộc UBND cấp huyện do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên thuộc UBND cấp huyện:
+ Ký hợp đồng làm việc đối với người trúng tuyển hoặc tiếp nhận vào viên chức sau khi có quyết định tuyển dụng, tiếp nhận của Giám đốc sở, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện.
+ Quyết định điều động, biệt phái, nhận xét, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương và chế độ thôi việc, nghỉ hưu đối với viên chức theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định theo quy định hiện hành của pháp luật.
– Ký hợp đồng lao động đối với người làm công việc theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP.
– Thực hiện thống kê, báo cáo về đội ngũ viên chức theo quy định.
Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty, Tổng Giám đốc, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc tỉnh quản lý
1. Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty.
a) Quyết định phương án tổ chức bộ máy quản lý, kinh doanh của công ty; quy chế hoạt động của công ty; phê duyệt quy hoạch, kế hoạch đào tạo, sử dụng lao động; quyết định thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt chủ trương; phê duyệt điều lệ của Công ty TNHH một thành viên do công ty làm chủ sở hữu.
b) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của công ty, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
c) Đề xuất hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất thực hiện các quy trình, thủ tục về quản lý cán bộ thuộc diện Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp quản lý đang công tác tại công ty.
d) Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức, cử đi đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với Phó Tổng Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng công ty.
2. Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc công ty.
a) Xây dựng phương án sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, đổi tên, chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản, điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty; phương án thành lập, sáp nhập, chia, tách, đổi tên, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện trực thuộc công ty, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng công ty, tự đánh giá, báo cáo xếp loại công ty trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt hoặc quyết định.
b) Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, cho thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức (sau khi được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phê duyệt), cử đi đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp lương, khen thưởng, kỷ luật, thôi việc, nghỉ hưu đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Giám đốc, Phó Giám đốc các chi nhánh, đơn vị trực thuộc.
Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch các Hội đặc thù
1. Chủ tịch các Hội đặc thù được giao biên chế xây dựng kế hoạch tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt; tổ chức thực hiện tuyển dụng theo kế hoạch đã được phê duyệt; quyết định phê duyệt kết quả trúng tuyển, quyết định tuyển dụng viên chức và ký hợp đồng làm việc sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Giám đốc Sở Nội vụ.
2. Thực hiện các nội dung quản lý đối với viên chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định (trừ các nội dung quản lý thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ).
Chương III. THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM TRONG QUẢN LÝ TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ VÀ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND tỉnh
1. Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật về các nội dung quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Điều 3 và việc chấp hành Quy định này đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Quyết định hủy bỏ các quyết định của Giám đốc sở, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trái với quy định hiện hành của pháp luật và Quy định này.
3. Xử lý trách nhiệm, quyết định kỷ luật theo quy định đối với Giám đốc sở, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện và người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm pháp luật trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện và quyết định các nội dung liên quan đến công tác quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trái với quy định hiện hành của pháp luật và Quy định này.
Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Sở Nội vụ, Chánh Thanh tra tỉnh
1. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng về các nội dung quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan và Quy định này đối với các sở, UBND cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh (bao gồm cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc).
2. Giám đốc Sở Nội vụ xem xét, quyết định đình chỉ việc thực hiện các quyết định của Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trái với quy định của pháp luật hiện hành và Quy định này, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết, xử lý theo quy định.
Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc sở, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện
1. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng về các nội dung quản lý theo quy định của pháp luật có liên quan và Quy định này đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc.
2. Xử lý trách nhiệm theo quy định đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng thuộc phạm vi quản lý có vi phạm pháp luật trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện và quyết định các nội dung liên quan đến công tác quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trái với quy định hiện hành của pháp luật và Quy định này.
Chương IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 17. Trách nhiệm thi hành
1. Chủ tịch UBND tỉnh đôn đốc, chỉ đạo Giám đốc các sở, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định này.
2. Giám đốc sở, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định này; nếu để xảy ra sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành của pháp luật.
3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị sau khi quyết định theo thẩm quyền các nội dung quản lý về tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức được phân công, phân cấp, có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo về Sở Nội vụ (định kỳ trước 15 tháng 12 hàng năm) để theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
4. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, giám sát việc thực hiện và chấp hành Quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức của UBND tỉnh, báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xem xét hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý đối với tổ chức, cá nhân thực hiện các nội dung quản lý về tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức trái Quy định này.
5. Đối với các nội dung liên quan đến quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức không được quy định tại Quy định này thì thực hiện theo các văn bản của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
6. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Quy định này, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc hoặc không phù hợp với thực tế cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về Sở Nội vụ để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Văn bản mới
Văn bản xem nhiều