LỰA CHỌN LUẬT SƯ PHÙ HỢP

Quyết định 1619/QĐ-TTg 2021 Kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử

Quyết định 1619/QĐ-TTg 2021 Kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử
Thuộc tính văn bản
Số ký hiệu:
Ngày ban hành:
Loại văn bản:
Ngày có hiệu lực:
Đang cập nhật
Nguồn thu thập
Đang cập nhật
Ngày đăng công báo
Cơ quan ban hành/ Chức danh / Người ký
Chức danh người ký: Đang cập nhật
Phạm vi:
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực:

Nội dung đầy đủ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

___________

Số: 1619/QĐ-TTg

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 24 tháng 9 năm 2021

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử

___________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2007 của    Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành;

Thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến 2025;

Thực hiện Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2019;

Thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của  Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản việt Nam về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Kiện toàn và đổi tên Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử thành Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (sau đây gọi tắt là Ủy ban), gồm các thành viên sau đây:

1. Chủ tịch Ủy ban: Thủ tướng Chính phủ.

2. Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban: Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo lĩnh vực thông tin và truyền thông.

3. Phó Chủ tịch Ủy ban: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

4. Các Ủy viên Ủy ban:

– Bộ trưởng Bộ Công an;

– Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

– Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

– Bộ trưởng Bộ Tài chính;

– Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

– Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

– Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

– Bộ trưởng Bộ Y tế;

– Bộ trưởng Bộ Công Thương;

– Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

– Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

– Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

– Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điều 2. Chức năng của Ủy ban

Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Điều 3. Nhiệm vụ của Ủy ban

1. Nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề trong thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.

Cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến chuyển đổi số; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; điều phối việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; điều phối chung việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia; theo dõi, điều phối thực hiện các nội dung liên quan của Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.

3. Giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về chuyển đổi số, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; đôn đốc việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Sơ kết, đánh giá tình hình, kết quả triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuyển đổi số; xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.

4. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điều 4. Tổ chức và hoạt động của Ủy ban

1. Các thành viên Ủy ban làm việc theo Quy chế hoạt động của Ủy ban. Chủ tịch Ủy ban, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác sử dụng con dấu của cơ quan mình.

2. Thành lập Tổ công tác giúp việc Ủy ban (sau đây gọi tắt là Tổ công tác) đặt tại Bộ Thông tin và Truyền thông do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Tổ trưởng và có Tổ phó gồm Thứ trưởng các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Xây dựng; lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tổ công tác gồm đại diện lãnh đạo cấp Vụ của các Bộ, cơ quan: Công an, Văn phòng Chính phủ, Khoa học và Công nghệ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Tư pháp, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ban Cơ yếu Chính phủ, lãnh đạo và chuyên gia Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty Cổ phần FPT và một số chuyên gia về Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh, xã hội số trong nước và quốc tế. Trong trường hợp cần thiết, Tổ công tác được huy động các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Bộ Thông tin và Truyền thông làm nhiệm vụ thường trực của Ủy ban và Tổ công tác; bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Ủy ban và Tổ công tác.

3. Tổ trưởng Tổ công tác trình Chủ tịch Ủy ban phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban, lãnh đạo Tổ công tác, Kế hoạch hoạt động và Quy chế hoạt động của Ủy ban; phê duyệt danh sách thành viên và ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác.

4. Các thành viên của Ủy ban và Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và được hưởng các chế độ theo quy định hiện hành.

5. Kinh phí hoạt động của Ủy ban và Tổ công tác được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Bộ Thông tin và Truyền thông và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Điều 5. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 701/QĐ-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.

2. Căn cứ Quyết định này, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử của bộ, ngành, địa phương thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm Trưởng ban.

3. Các thành viên Ủy ban và Tổ công tác, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:

– Như Điều 5;

– Ban Bí thư Trung ương Đảng;

– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; 

– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

– Văn phòng Tổng Bí thư;

– Văn phòng Chủ tịch nước;

– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

– Văn phòng Quốc hội;

– Tòa án nhân dân tối cao;

– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

– Kiểm toán Nhà nước;

– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;

– Ngân hàng Chính sách xã hội;

– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

– Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;

– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,  

  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

– Lưu: VT, KSTT (3b).

THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

 

Phạm Minh Chính

 

 

Start typing to see posts you are looking for.
My account