LỰA CHỌN LUẬT SƯ PHÙ HỢP

Quyết định 1941/QĐ-TTg 2021 Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Hải Dương đến năm 2040

Quyết định 1941/QĐ-TTg 2021 Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP.Hải Dương đến năm 2040
Thuộc tính văn bản
Số ký hiệu:
1941/QĐ-TTg
Ngày ban hành:
18/11/2021
Loại văn bản:
Quyết định
Ngày có hiệu lực:
Đang cập nhật
Nguồn thu thập
Đang cập nhật
Ngày đăng công báo
Đang cập nhật
Cơ quan ban hành/ Chức danh / Người ký
Thủ tướng Chính phủ
Chức danh người ký: Đang cập nhật
Lê Văn Thành
Phạm vi:
Thông tin áp dụng
Tình trạng hiệu lực:

Nội dung đầy đủ

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

___________

Số: 1941/QĐ-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

________________________

Hà Nội, ngày 18 tháng 11 năm 2021

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040

____________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 72/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH14 ngày 16 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tại Tờ trình số 27/TTr-UBND ngày 11 tháng 5 năm 2021, Tờ trình số 87/TTr-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2021 và đề nghị của Bộ Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 126/BC-BXD ngày 26 tháng 10 năm 2021.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040, với những nội dung chính sau:

1. Phạm vi, ranh giới và quy mô lập điều chỉnh quy hoạch

Phạm vi khu vực lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Hải Dương theo Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH14 ngày 16 tháng 10 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm 19 phường và 06 xã với diện tích tự nhiên là 111,68 km2. Ranh giới khu vực quy hoạch được xác định cụ thể như sau:

– Phía Bắc giáp huyện Nam Sách.

– Phía Nam giáp huyện Gia Lộc và huyện Tứ Kỳ.

– Phía Đông giáp huyện Kim Thành và huyện Thanh Hà.

– Phía Tây giáp huyện Cẩm Giàng.

2. Thời hạn quy hoạch.

Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2040.

3. Mục tiêu:

Phát triển thành phố Hải Dương với những vị thế và xu hướng phát triển mới, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá; khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, di sản văn hóa, bản sắc con người xứ Đông để phát triển nhanh và bền vững.

Xây dựng thành phố Hải Dương hướng tới một đô thị văn minh, xanh, thân thiện với môi trường. Hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại.

Làm cơ sở pháp lý để triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng và các dự án đầu tư xây dựng.

4. Tính chất:

– Là đô thị tỉnh lỵ của tỉnh Hải Dương, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch, khoa học và công nghệ, giáo dục – đào tạo, dịch vụ của tỉnh Hải Dương và của vùng.

– Là đô thị xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống.

– Là trung tâm tăng trưởng kinh tế, đô thị có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hải Dương và vùng lân cận; là một trong trung tâm công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch, y tế, giáo dục và dịch vụ logistics của khu vực.

– Là đầu mối giao thông quan trọng trong vùng đồng bằng sông Hồng, đầu mối kết nối quan trọng giữa Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh; là cửa ngõ của Thủ đô hướng ra biển, đồng thời là đầu mối trung chuyển trọng yếu về giao thông đường thủy trong vùng đồng bằng Bắc Bộ.

– Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng.

5. Dự báo phát triển sơ bộ:

– Quy mô dân số: Dự kiến đến năm 2030 khoảng 595.000 người; đến năm 2040 dân số toàn thành phố Hải Dương khoảng 669.000 người.

– Quy mô đất đai phát triển đô thị:

+ Đến năm 2030 đất xây dựng khoảng 5.500 – 6.500 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 3.500 – 4.000 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 2.000 – 2.500 ha.

+ Đến năm 2040 đất xây dựng khoảng 7000 – 8.000 ha, trong đó đất dân dụng khoảng 4.200 – 4.700 ha, đất ngoài dân dụng khoảng 2.700 – 3.200 ha.

(Việc phân tích, đánh giá, dự báo cụ thể quy mô dân số và đất đai xây dựng đô thị theo từng giai đoạn sẽ được nghiên cứu, đề xuất trong quá trình nghiên cứu đồ án quy hoạch).

6. Những yêu cầu trọng tâm đối với điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Dương:

– Rà soát tổng thể về nội dung Quy hoạch chung thành phố Hải Dương đã được phê duyệt năm 2017 và đối chiếu, rà soát, đánh giá với tình hình thực tiễn phát triển đô thị. Nghiên cứu các định hướng từ các quy hoạch cấp trên và các biến động mới về phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia, vùng, xác định các yếu tố mới, những vấn đề tồn tại, bất cập cần điều chỉnh.

– Phân tích các động lực mới, dự báo nhu cầu phát triển trong các giai đoạn. Định hướng phát triển cần phải hài hòa với yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, du lịch, di tích lịch sử văn hóa theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường tại khu vực.

– Đề xuất các điều chỉnh về cấu trúc đô thị, về phân khu chức năng, về phân bố các trung tâm đô thị; đề xuất các giải pháp chiến lược để khắc phục các tồn tại bất cập trong quá trình phát triển của thành phố Hải Dương về hạ tầng kỹ thuật, về sử dụng đất đai, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội chất lượng cao, xử lý các vấn đề môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề xuất các giải pháp về thiết kế đô thị và quản lý đô thị theo quy hoạch (tạo điểm nhấn kiến trúc, văn hóa đặc trưng xứ Đông để tạo bản sắc riêng cho thành phố Hải Dương trên nguyên tắc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa lịch sử và cảnh quan thiên thiên).

– Xây dựng các chương trình và các dự án chiến lược cần ưu tiên đầu tư. Các chương trình và dự án cần có tính khả thi cao, có tính linh hoạt, đáp ứng các nhu cầu trước mắt về phát triển cũng như có tính ổn định lâu dài là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố Hải Dương.

7. Các yêu cầu chính về nội dung hồ sơ quy hoạch

a) Phân tích, đánh giá vai trò, vị thế, tiềm năng và động lực phát triển

Phân tích vai trò của thành phố Hải Dương đối với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng thủ đô và cả nước trong quá trình lịch sử phát triển trước đây, bối cảnh hiện tại và dự báo tương lai.

Phân tích đánh giá mối liên hệ của thành phố Hải Dương với trục phát triển kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long, hành lang kinh tế Côn Minh – Hà Nội – Hải Phòng và Nam Ninh – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh và trong tỉnh Hải Dương.

Xác định các tiềm năng, lợi thế phát triển, các mối quan hệ hợp tác phát triển và xác định các động lực phát triển, lựa chọn các ngành kinh tế mũi nhọn theo từng giai đoạn, tạo sức lan tỏa của thành phố.

b) Đánh giá hiện trạng

– Phân tích đánh giá các đặc điểm tự nhiên về địa hình, khí hậu, thủy văn, địa chất…, đặc điểm cảnh quan sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa du lịch thành phố Hải Dương và các khu vực phụ cận có ảnh hưởng đến định hướng phát triển thành phố Hải Dương. Đánh giá về quỹ đất xây dựng trên cơ sở phân vùng xây dựng thuận lợi, không thuận lợi và cấm xây dựng.

– Đánh giá tình hình phát triển kinh tế – xã hội: Tổng quan về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Dương, thực trạng phát triển các ngành, các lĩnh vực chủ yếu; hiện trạng dân cư, lao động.

– Đánh giá hiện trạng sử dụng đất và không gian cảnh quan: Thống kê hiện trạng sử dụng đất khu vực thành phố Hải Dương; phân tích, đánh giá hiệu quả sử dụng đất và các vấn đề tồn tại về sử dụng đất, cảnh quan không gian cần điều chỉnh để đáp ứng với thực tiễn và yêu cầu phát triển.

– Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội: Thực trạng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội trên địa bàn. Xác định những vấn đề còn tồn tại để bổ sung, đầu tư xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn đô thị loại I của thành phố.

– Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường: Bao gồm chuẩn bị kỹ thuật, giao thông, cấp nước, thoát nước thải, cấp điện, chiếu sáng, xử lý chất thải rắn, nghĩa trang… trong phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch. Xác định những vấn đề còn tồn tại về hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị cần giải quyết trong đảm bảo nâng cao chất lượng đô thị với tiêu chuẩn đô thị loại I.

– Rà soát các chương trình, dự án, đồ án quy hoạch có liên quan và tình hình thực hiện Quy hoạch chung năm 2017 đến nay.

– Đánh giá tổng hợp hiện trạng, đề xuất các nội dung trọng tâm cần điều chỉnh trong quy hoạch mới; xác định các thế mạnh cần khai thác làm cơ sở hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

c) Dự báo và đề xuất mô hình phát triển

Dự báo phát triển đến năm 2030, năm 2040 dựa trên các tiềm năng và thế mạnh về vị trí địa lý, đặc trưng, truyền thống văn hóa lịch sử. Xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật có liên quan. Phân tích đánh giá mô hình phát triển đô thị đã được đề xuất trong Quy hoạch năm 2017, đề xuất những điều chỉnh cần thiết hướng tới đô thị xanh, thông minh.

d) Định hướng phát triển không gian

Nghiên cứu, rà soát, kế thừa hợp lý các định hướng của Quy hoạch chung 2017 và các quy hoạch ngành có liên quan; trên cơ sở địa hình cảnh quan, khả năng kết nối hạ tầng kết hợp các yếu tố đặc thù, nghiên cứu, đề xuất cấu trúc phát triển không gian và cơ cấu phân khu chức năng cho thành phố Hải Dương trên nguyên tắc hài hòa về không gian, hợp lý linh hoạt trong liên kết chia sẻ chức năng và có thể kiểm soát dễ dàng, xác định các vùng phát triển.

Điều chỉnh về cấu trúc đô thị đảm bảo khai thác tối đa các lợi thế về cảnh quan tự nhiên, mặt nước (sông Thái Bình, sông Sặt,…) vào trong không gian đô thị kết hợp thoát nước và công viên đô thị để xây dựng hình ảnh “đô thị xanh, thông minh”.

Bảo tồn, tôn tạo khu vực phố cũ trong khu vực nội đô, xây dựng hình ảnh đặc trưng tạo nên không gian lõi đô thị hấp dẫn về du lịch, đảm bảo điều kiện hạ tầng đô thị. Gắn kết không gian quần thể di tích lịch sử thành Đông trong không gian bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa của tỉnh và của vùng. Nghiên cứu cải tạo cấu trúc không gian, hình ảnh đô thị cho các khu vực hiện hữu, tạo sự liên kết và có tính bản sắc riêng. Định hướng đối với các khu vực phát triển đô thị mới có sự liên kết và hài hòa trong tổng thể chung của thành phố.

Đề xuất định hướng phát triển không gian nông thôn và vùng ven đô, tổ chức phát triển các làng nghề đi đôi với bảo tồn nhằm phát huy các giá trị văn hóa, lịch sự hiện có đồng thời làm nổi bật vai trò trung tâm hợp tác liên kết phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.

đ) Định hướng quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng theo các giai đoạn quy hoạch:

– Đề xuất điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cho các khu chức năng và các hạng mục công trình chính theo cấu trúc và phân khu đã lựa chọn.

– Xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật có liên quan đến xây dựng và sử dụng đất từng khu vực nhằm phục vụ cho công tác quản lý và kiểm soát phát triển. Đề xuất điều chỉnh bổ sung thêm hoặc bố trí lại các hạng mục công trình được nghiên cứu theo quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã phê duyệt nếu cần thiết.

– Xác định quỹ đất các khu vực bảo tồn di tích văn hóa lịch sử thành Đông, các khu phố pháp cũ, các khu vực địa danh gắn với lịch sử phát triển thành phố, các khu vực bảo tồn tự nhiên, khai thác cảnh quan sông Thái Bình, sông Sặt phục vụ du lịch, đất dự trữ phát triển… trên cơ sở phân bố hài hòa, đảm bảo được cảnh quan và dễ dàng triển khai thực hiện.

– Xác định chức năng sử dụng đất cho các khu vực; xác định chỉ tiêu về mật độ dân cư, chỉ tiêu sử dụng đất; đề xuất kế hoạch sử dụng đất phù hợp với từng giai đoạn phát triển; xác định quỹ đất dự kiến xây dựng phát triển đô thị.

e) Đề xuất định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị:

– Xác định các vùng kiến trúc, cảnh quan, các khu vực trung tâm, khu vực cửa ngõ của đô thị, trục không gian chính, quảng trường lớn, không gian cây xanh – mặt nước, điểm nhấn trong đô thị và đề xuất nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc cho các khu đô thị hiện hữu và các xã, phường mới mở rộng.

– Xác định các giải pháp bảo tồn và phát huy có hiệu quả các không gian đô thị có giá trị văn hóa lịch sử như khu vực phố cũ hiện hữu, các cụm, các quần thể di tích văn hóa lịch sử có giá trị đặc biệt của thành phố, các nét văn hóa – kiến trúc thành Đông.

g) Định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội:

Định hướng quy hoạch phát triển hệ thống công trình hạ tầng kinh tế xã hội bao gồm: công nghiệp, dịch vụ, du lịch, trụ sở làm việc, nhà ở, y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao,… đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Hải Dương mới được mở rộng.

Quy hoạch phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng chất lượng cao, đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi của người dân, du khách và lao động, phù hợp với đặc điểm của thành phố Hải Dương.

h) Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

– Về chuẩn bị kỹ thuật: Rà xoát, xác định các giải pháp cao độ nền và thoát nước mặt hợp lý cho đô thị và các khu vực xây dựng khác; đảm bảo an toàn về lũ, úng; phòng tránh các hiểm họa thiên tai… nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Chọn mô hình hệ thống thoát nước mưa, xác định các lưu vực thoát nước chính, kết cấu mạng lưới cống và mương trong khu vực xây dựng tập trung của thành phố và khu vực mở rộng. Đề xuất các giải pháp kè chắn chống xói lở. Khoanh vùng các khu vực cấm hoặc hạn chế xây dựng do cấu tạo về địa chất, địa hình, thiên tai.

– Về quy hoạch giao thông: Xác định hệ thống khung hạ tầng giao thông đồng bộ, phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông vận tải của thành phố Hải Dương với mạng lưới giao thông vận tải vùng và quốc gia (đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, quốc lộ 37, đường vành đai 5 vùng thủ đô,…). Đề xuất các giải pháp quy hoạch mạng lưới giao thông bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa kết nối hợp lý trong thành phố với toàn vùng. Đề xuất và phân loại tuyến đường giao thông đô thị, quy mô và phân cấp các tuyến đường chính, hệ thống bến bãi đỗ xe cho từng khu vực. Nghiên cứu bổ sung một số cầu kết nối hai bên bờ sông Bắc Hưng Hải, sông Sặt và sông Thái Bình, đường trên cao, các nút giao thông khác cốt, hầm chui,… Đề xuất mạng lưới và các công trình hỗ trợ phát triển giao thông công cộng, ứng dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh.

– Về quy hoạch cấp nước: Phân tích đánh giá tài nguyên nước, đề xuất các giải pháp cấp nước và bảo vệ nguồn nước. Xác định tiêu chuẩn và nhu cầu dùng nước trong sản xuất, trong sinh hoạt, dự kiến nguồn cấp, công trình đầu mối, mạng lưới đường ống cấp nước, cấp nước chữa cháy và các thông số kỹ thuật.

– Về quy hoạch cấp điện, chiếu sáng: Xác định tiêu chuẩn, nhu cầu sử dụng điện; lựa chọn cân đối nguồn điện; đề xuất giải pháp thiết kế mạng lưới cấp điện, dự kiến các công trình đầu mối cho từng giai đoạn quy hoạch. Tính toán nhu cầu và đề xuất giải pháp cho chiếu sáng thông minh.

– Về quy hoạch thông tin liên lạc: Định hướng quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông thụ động, dự kiến các công trình đầu mối theo từng giai đoạn quy hoạch và mạng lưới truyền dẫn quang đồng bộ theo hướng sử dụng chung cơ sở hạ tầng, mở rộng hệ thống viễn thông công cộng đáp ứng nhu cầu sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, phát triển đô thị theo mô hình đô thị thông minh.

– Về quy hoạch thoát nước thải, thu gom xử lý chất thải rắn, nghĩa trang: Xác định tiêu chuẩn và dự báo khối lượng thoát nước thải, chất thải rắn, nhu cầu đất nghĩa trang. Định hướng hệ thống thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn; nghĩa trang và nhà tang lễ trong đô thị.

i) Đánh giá môi trường chiến lược

– Dự báo và đề xuất giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục thiên tai, trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng của vùng và các nghiên cứu cụ thể đối với thành phố Hải Dương.

– Dự báo các tác động môi trường từ các hoạt động phát triển đô thị, sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, giao thông, công nghiệp… Đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm và các yếu tố tác động môi trường trong quá trình xây dựng, chú trọng giải pháp kiểm soát ô nhiễm về môi trường nước với các giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo phát triển bền vững.

k) Đề xuất các chương trình, dự án ưu tiên và nguồn lực thực hiện:

Phân kỳ tổ chức thực hiện và xác định mục tiêu phát triển cụ thể cho từng giai đoạn quy hoạch. Đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư chủ yếu có ý nghĩa tạo động lực phát triển, đảm bảo phù hợp với dự báo nguồn lực thực hiện.

l) Đề xuất quy định quản lý theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung được duyệt.

8. Hồ sơ sản phẩm:

Thành phần hồ sơ và nội dung đồ án thực hiện theo Nghị định số 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ về lập thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, Thông tư số 12/2016/TT-BXD quy định về nội dung hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù và các quy định pháp luật hiện hành.

9. Tổ chức thực hiện:

a) Thời gian lập quy hoạch không quá 12 tháng sau khi nhiệm vụ quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Trách nhiệm các cơ quan liên quan:

– Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.

– Cơ quan thẩm định: Bộ Xây dựng.

– Cơ quan trình duyệt: Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương.

– Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương.

– Cơ quan lập quy hoạch: Đơn vị tư vấn có năng lực hoạt động phù hợp, được lựa chọn theo quy định pháp luật.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương bố trí nguồn vốn, phê duyệt tổng dự toán chi phí lập quy hoạch và phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2040 theo quy định pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Điều 4. Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo,

 Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải,

 Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công Thương,

 Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng;
– Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg,

 các Vụ: TH, NN, KTTH, KGVX, NC, PL, QHĐP;
– Lưu: VT, CN (2). Tuấn

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

Lê Văn Thành

 

 

Start typing to see posts you are looking for.
My account