Quyết định 313/QĐ-TTg 2022 Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội
Thuộc tính văn bản | |||
---|---|---|---|
Số ký hiệu: | Đang cập nhật | Ngày ban hành: |
07/03/2022
|
Loại văn bản: |
Quyết định
| Ngày có hiệu lực: | Đang cập nhật |
Nguồn thu thập |
Đang cập nhật
| Ngày đăng công báo |
Đang cập nhật
|
Cơ quan ban hành |
Thủ tướng Chính phủ
| ||
Người ký |
Lê Văn Thành
| ||
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ _________ Số: 313/QĐ-TTg |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM _______________________ Hà Nội, ngày 07 tháng 3 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
____________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của 04 Pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch ngày 22 tháng 12 năm 2018;
Căn cứ Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch;
Căn cứ Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về việc ban hành Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch Thủ đô theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch;
Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tại Tờ trình số 31/TTr-UBND ngày 01 tháng 03 năm 2022 về việc phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Báo cáo thẩm định số 7872/HĐTĐ ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh và Báo cáo số 29/BC-UBND ngày 27 tháng 01 năm 2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc tiếp thu, giải trình các ý kiến của Hội đồng thẩm định.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với một số nội dung chủ yếu như sau:
I. TÊN, PHẠM VI, THỜI KỲ QUY HOẠCH
1. Tên Quy hoạch: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
2. Phạm vi quy hoạch: Phần lãnh thổ Thủ đô Hà Nội với tổng diện tích tự nhiên là 3.358,6 km2.
– Tọa độ địa lý: Hà Nội hiện nay có vị trí từ 20°53′ đến 21°23′ vĩ độ Bắc và 105°44′ đến 106°02′ kinh độ Đông.
– về ranh giới hành chính:
Phía Bắc tiếp giáp với các tỉnh Thái Nguyên – Vĩnh Phúc;
Phía Nam và Tây Nam giáp với các tỉnh Hà Nam – Hòa Bình;
Phía Đông giáp với tỉnh Bắc Giang- Bắc Ninh – Hưng Yên;
Phía Tây – Tây Bắc giáp với tỉnh Hòa Bình – Phú Thọ.
3. Thời kỳ quy hoạch:
a) Thời kỳ quy hoạch: 2021 – 2030.
b) Tầm nhìn dài hạn: Đến năm 2050.
II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NGUYÊN TẮC LẬP QUY HOẠCH
1. Quan điểm lập quy hoạch:
– Việc lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước thời kỳ 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 của cả nước, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch;
– Quy hoạch Thủ đô Hà Nội phải thể hiện được quan điểm đối mới mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành trên địa bàn; thống nhất đồng bộ với Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát triển hài hòa các địa phương, vùng lãnh thổ trên địa bàn thành phố; phù hợp với khả năng cân đối, huy động về nguồn lực triển khai của Thủ đô Hà Nội. Đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thu hút và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.
– Tận dụng tối đa lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực về giao thông, du lịch, dịch vụ đã có và đang nghiên cứu đầu tư. Tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin.
– Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người; bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nâng cao mức sống của người dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử – văn hóa, di sản văn hóa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
– Phát triển Thủ đô gắn liền với liên kết phát triển vùng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ đối với một số lĩnh vực quan trọng: về quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, bảo vệ môi trường, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
2. Mục tiêu lập quy hoạch:
– Là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền các cấp của Thủ đô Hà Nội sử dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách, kiến tạo động lực phát triển; là cơ sở để xây dựng và triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đầu tư trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, đảm bảo tính khách quan, khoa học; tổ chức không gian phát triển kinh tế – xã hội đảm bảo tính kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch Thủ đô nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
– Đề xuất được phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn; lựa chọn được các phương án tổ chức, phát triển hoạt động kinh tế – xã hội có hiệu quả, là cơ sở cho việc đề xuất: phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng có vai trò động lực; phương án tổ chức phát triển mạng lưới và không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu… và giải pháp bố trí không gian phát triển hợp lý nhằm giải quyết các xung đột về không gian trên địa bàn Thủ đô cho các nhu cầu phát triển trong tương lai trên cơ sở huy động hiệu quả các điều kiện bên trong và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, làm căn cứ và định hướng để lập quy hoạch đô thị, nông thôn nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch. Xây dựng được phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện đáp ứng cao nhất nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa của từng khu vực và khả năng kết nối đồng bộ, tổng thể trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng, cũng như vị thế là trung tâm đầu não của cả nước.
– Xây dựng được hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quy hoạch thống nhất hệ thống thông tin quốc gia về quy hoạch đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển của thành phố, vùng và quốc gia. Là căn cứ để các doanh nghiệp, cộng đồng và người dân đầu tư, kinh doanh, sinh sống và làm việc có thể kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện quy hoạch của Thành phố.
3. Nguyên tắc lập quy hoạch:
– Đảm bảo sự tuân thủ, bám sát các quy trình, nội dung, nguyên tắc theo Luật Quy hoạch, Nghị định, các Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch.
– Đảm bảo tính thống nhất, tổng thể, đồng bộ và hệ thống giữa quy hoạch Thủ đô với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và đảm bảo sự kết hợp hiệu quả giữa quản lý ngành/lĩnh vực với quản lý lãnh thổ, bảo vệ môi trường và quốc phòng – an ninh; các phân tích, đánh giá và định hướng phát triển được dựa trên mối quan hệ tổng thể, có tính hệ thống, tính kết nối liên ngành, liên tỉnh và liên vùng, đảm bảo tính liên kết không gian, thời gian trong quá trình lựa chọn các công cụ.
– Đảm bảo tính khả thi trong triển khai, phù hợp với khả năng thực tế và nguồn lực thực hiện của Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030 và khả năng huy động nguồn lực trong tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng các phương án, định hướng phát triển phù hợp với xu thế phát triển và vận động của bối cảnh trong và ngoài nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
– Đảm bảo phát huy được vai trò vị thế và tiềm năng của Hà Nội là Thủ đô của cả nước, trung tâm kinh tế chính trị hàng đầu của quốc gia và khu vực.
– Đảm bảo tính khoa học, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Có không gian, nguồn lực và các chính sách phản ứng nhanh khi có sự cố (thiên tai, dịch bệnh, sự cố có tính thảm họa,…) xảy ra;
– Bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.
III. NỘI DUNG LẬP QUY HOẠCH
1. Yêu cầu về nội dung lập quy hoạch
a) Định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế – xã hội phải đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng được cấp có thẩm quyền quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế, các cam kết trong các điều ước quốc tế đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên.
b) Đảm bảo tính liên kết, thống nhất đồng bộ với điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành, các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn Thủ đô và tăng cường liên kết vùng; xác định cụ thể các khu vực sử dụng cho mục đích quân sự, quốc phòng, an ninh ở cấp thành phố, liên huyện và định hướng bố trí trên địa bàn cấp huyện.
c) Xây dựng và cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm sự phát triển cân bằng giữa kinh tế, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia.
d) ứng dụng công nghệ hiện đại, số hóa, thông tin, cơ sở dữ liệu trong quá trình lập quy hoạch; đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật và phù hợp với yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế và liên kết vùng.
2. Xác định nội dung Quy hoạch
Nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện theo các quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
(1) Phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của Thủ đô:
– Các điều kiện tự nhiên, xã hội.
– Tổng hợp các cơ hội, thách thức.
(2) Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế – xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn.
– Thực trạng phát triển kinh tế, khả năng huy động nguồn lực.
– Thực trạng phát triển các lĩnh vực xã hội.
– Thực trạng công tác đảm bảo quốc phòng – an ninh
– Thực trạng tổ chức không gian và phát triển hạ tầng.
– Thực trạng sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi truờng.
– Tổng hợp, phân tích, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức.
(3) Yêu cầu về quan điểm, mục tiêu và phương án phát triển:
– Xây dựng quan điểm phát triển.
– Xây dựng kịch bản và phương án phát triển.
– Xây dựng mục tiêu phát triển.
– Các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá.
(4) Yêu cầu về phương án phát triển các ngành quan trọng
– Ngành công nghiệp.
– Ngành dịch vụ.
– Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản
– Lĩnh vực văn hóa, xã hội
– Lĩnh vực quốc phòng – an ninh.
(5) Yêu cầu về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế – xã hội:
(6) Yêu cầu về phát triển trong điều kiện kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng nhằm phát huy vai trò động lực phát triển của Thủ đô trong thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
(7) Yêu cầu về phương án tổ chức hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn và phát triển kết cấu hạ tầng:
– Phương án tổ chức hệ thống đô thị và nông thôn (thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch).
– Phương án tổ chức các phân khu chức năng khác.
(8) Yêu cầu về phương án phát triển hạ tầng đô thị:
– Phương án bố trí không gian phát triển;
– Phương án tổ chức không gian phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (thực hiện theo quy định tại các điểm đ, e, g, h, i, k khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch)
(9) Yêu cầu về Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện.
(10) Yêu cầu về Phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện.
(11) Yêu cầu về Phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng hóa sinh học trên địa bàn Thủ đô.
(12) Yêu cầu về Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn Thủ đô.
(13) Yêu cầu về Phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra.
(14) Yêu cầu Phương án phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn.
(15) Yêu cầu về xây dựng Danh mục dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện.
(16) Yêu cầu về xây dựng Giải pháp, nguồn lực thực hiện Quy hoạch.
(17) Yêu cầu về Xây dựng báo cáo quy hoạch gồm: báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt, báo cáo nội dung dung đề xuất, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
3. Xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) và xử lý, tích hợp báo cáo ĐMC vào báo cáo Quy hoạch Thủ đô.
4. Các nội dung đề xuất nghiên cứu tích hợp vào quy hoạch: Các nội dung được đề xuất vào quy hoạch Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu đảm bảo Quy hoạch được thực hiện theo hướng tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan trong việc lập quy hoạch trên phạm vi lãnh thổ của Thủ đô nhằm đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
IV. PHƯƠNG PHÁP LẬP QUY HOẠCH
1. Yêu cầu về phương pháp lập Quy hoạch
Hệ thống các phương pháp lập Quy hoạch phải đảm bảo tính tiếp cận tổng hợp, khoa học, phù hợp với thực tiễn, đa chiều, đa lĩnh vực và ứng dụng công nghệ hiện đại.
2. Các phương pháp lập Quy hoạch
Các phương pháp cơ bản sau được sử dụng trong quá trình lập Quy hoạch:
– Phương pháp nghiên cứu tại địa bàn;
– Phương pháp khảo sát thực địa;
– Phương pháp thông tin địa lý, bản đồ (GIS);
– Phương pháp tích hợp quy hoạch;
– Phương pháp phân tích hệ thống, phương pháp so sánh, phương pháp chuyên gia và các phương pháp phân tích chuyên ngành;
– Phương pháp điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, phân loại, thống kê, xử lý thông tin;
– Phương pháp dự báo, xây dựng phương án phát triển;
– Phương pháp mô hình;
– Phương pháp tham vấn (cùng tham gia);
– Bộ công cụ hỗ trợ lập quy hoạch;
– Xây dựng giao diện web;
– Các phương pháp khác phù hợp với quy trình kỹ thuật lập quy hoạch Thủ đô.
V. THÀNH PHẦN, CHI PHÍ VÀ TIẾN ĐỘ LẬP QUY HOẠCH
1. Thành phần hồ sơ
a) Phần văn bản:
– Tờ trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch Thủ đô.
– Dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch Thủ đô.
– Báo cáo Quy hoạch Thủ đô gồm Báo cáo tổng hợp, Báo cáo tóm tắt và các báo cáo liên quan; các phụ lục, sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về Quy hoạch.
– Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường).
– Các tài liệu, văn bản pháp lý có liên quan khác.
b) Hệ thống bản đồ và sơ đồ:
Danh mục và tỷ lệ bản đồ Quy hoạch Thủ đô quy định tại mục IX, Phụ lục I, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ, gồm:
– Bản đồ in tỷ lệ 1:250.000 – 1:1.000.000: Bản đồ vị trí địa lý và mối quan hệ của Thủ đô trong vùng và cả nước.
– Bản đồ số và bản đồ in tỷ lệ 1:25.000 – 1:100.000: Các bản đồ về hiện trạng điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, phân bố dân cư, hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của thành phố:
(1) Bản đồ hiện trạng điều kiện tự nhiên;
(2) Bản đồ hiện trạng kinh tế – xã hội;
(3) Bản đồ hiện trạng phân bố dân cư, hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn;
(4) Bản đồ hiện trạng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội;
(5) Bản đồ hiện trạng sử dụng đất;
(6) Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật;
(7) Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội;
(8) Bản đồ phương án phát triển hệ thống đô thị, điểm dân cư nông thôn;
(9) Bản đồ phân vùng và tổ chức không gian phát triển;
(10) Bản đồ xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện;
(11) Bản đồ phương án quy hoạch sử dụng đất cấp thành phố;
(12) Bản đồ quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên;
(13) Bản đồ định hướng bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học;
(14) Bản đồ định hướng phòng, chống thiên tai và úng phó biến đổi khí hậu;
(15) Bản đồ quy hoạch thành phố;
(16) Bản đồ vị trí các dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện;
(17) Bản đồ chuyên đề khác (nếu có).
– Bản đồ số và bản đồ in tỷ lệ 1:10.000 – 1:25.000: Bản đồ hiện trạng và định hướng phát triển các khu vực trọng điểm của Thủ đô tỷ lệ 1:10.000 – 1:25.000.
2. Chi phí lập quy hoạch: Thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Thời hạn lập quy hoạch: Phấn đấu cơ bản hoàn thành việc lập Quy hoạch trước ngày 31 tháng 12 năm 2022 theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 và theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tại Điều 1 của Quyết định này, tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình lập Quy hoạch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ động phối hợp, cập nhật thông tin với quy hoạch cấp cao hơn để điều chỉnh, bổ sung đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch và quy định pháp luật liên quan.
2. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành hướng dẫn, phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội triển khai thực hiện lập Quy hoạch bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./
Nơi nhận: – Như Điều 4; – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, – VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý, Thư ký các PTTg; TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục; – Lưu: VT, QHĐP (2) |
KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Văn Thành |
Văn bản mới
Văn bản xem nhiều