Dịch vụ luật sư - Tư vấn pháp luật

Đặt câu hỏi

Dịch vụ luật sư, tư vấn pháp luật

Quyết định 43/QĐ-TTg 2022 Đề án Bồi dưỡng nghiệp vụ đối với CBCC làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn 2022-2026

Quyết định 43/QĐ-TTg 2022 Đề án Bồi dưỡng nghiệp vụ đối với CBCC làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn 2022-2026
Thuộc tính văn bản
Số ký hiệu:
Đang cập nhật
Ngày ban hành:
11/01/2022
Loại văn bản:
Quyết định
Ngày có hiệu lực:
Đang cập nhật
Nguồn thu thập
Đang cập nhật
Ngày đăng công báo
Đang cập nhật
Cơ quan ban hành
Thủ tướng Chính phủ
Người ký
Phạm Bình Minh

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————

Số: 43/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2022

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC LÀM CÔNG TÁC TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO GIAI ĐOẠN 2022 – 2026″

____________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn 2022 – 2026″ (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:

I. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI

1. Đối tượng làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo gồm:

a) Công chức làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ; cơ quan chuyên môn làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan chuyên môn làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo thuộc Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

b) Cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của các tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam; cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của Ban Dân vận Trung ương, Ban Dân vận cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo thuộc các Bộ: Ngoại giao, Công an, Quân đội.

c) Cán bộ, công chức kiêm nhiệm công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở cấp xã.

2. Phạm vi

Đề án được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong đó chú trọng vùng trọng điểm về tín ngưỡng, tôn giáo.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và hiệu quả xử lý các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên sâu về tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

b) Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thực tế xử lý các vụ việc tín ngưỡng, tôn giáo cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

c) Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo theo yêu cầu vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

d) Thực hiện bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể:

– 100% công chức làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương;

– 80% công chức làm công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng ở cấp tỉnh, cấp huyện;

– 80% cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện;

– 80% cán bộ, công chức kiêm nhiệm công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở cấp xã.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tín ngưỡng, tôn giáo

– Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo về tầm quan trọng của việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về tín ngưỡng, tôn giáo trong điều kiện đổi mới và hội nhập quốc tế.

– Đổi mới công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về tín ngưỡng, tôn giáo gồm; nội dung chương trình; tài liệu tập huấn, bồi dưỡng; phương pháp giảng dạy để phù hợp với từng loại đối tượng và cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

2. Xây dựng, hoàn thiện chương trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng

– Tổ chức các cuộc hội thảo, khảo sát tình hình thực tế để có cơ sở xây dựng tài liệu tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt vùng trọng điểm về tín ngưỡng, tôn giáo.

– Xây dựng 03 khung chương trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng, gồm: cơ bản, chuyên sâu và kỹ năng, nghiệp vụ về tín ngưỡng, tôn giáo theo vị trí việc làm.

– Thực hiện rà soát, điều chỉnh, cập nhật, hoàn thiện các khung chương trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm đối tượng, cấp quản lý, địa bàn quản lý, đặc thù tín ngưỡng, tôn giáo theo vùng miền, đảm bảo tính ứng dụng cao trong thực tiễn và xử lý các vấn đề phức tạp trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng

a) Xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm và cả giai đoạn:

– Bộ Nội vụ chủ trì tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tín ngưỡng, tôn giáo đối với: cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tín ngưỡng, tôn giáo đối với: cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo của cơ quan, tổ chức chính trị – xã hội ở cấp huyện, cấp xã.

b) Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng:

– Đối với công tác tín ngưỡng:

+ Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ quản lý nhà nước về tín ngưỡng, gồm: đăng ký hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng; bầu, cử người đại diện hoặc thành viên Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; tổ chức lễ hội tín ngưỡng; quyên góp, quản lý và sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng; cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, di dời công trình tín ngưỡng…

+ Cập nhật kiến thức, kinh nghiệm giải quyết đối với các hành vi lợi dụng tín ngưỡng để hoạt động vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội.

+ Tập huấn, bồi dưỡng công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những vụ việc phức tạp, điểm nóng về tín ngưỡng.

+ Tập huấn, bồi dưỡng công tác vận động quần chúng, xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và đầu mối Ban quản lý, người đứng đầu cơ sở tín ngưỡng, đặc biệt trong vùng có nhiều loại hình tín ngưỡng.

– Đối với công tác tôn giáo:

+ Cập nhật thông tin về tình hình tôn giáo, trao đổi kinh nghiệm xử lý các vụ việc phức tạp, điểm nóng liên quan đến lĩnh vực tôn giáo.

+ Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác tôn giáo, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

+ Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về công tác tôn giáo nói chung và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo nói riêng.

c) Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác tập huấn, bồi dưỡng; bảo đảm cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng.

d) Đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm kết quả tổ chức tập huấn, bồi dưỡng hàng năm và giai đoạn 2022 – 2026.

4. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên

– Xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn phù hợp, có kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn, quản lý; có năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm.

– Nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giảng viên cơ hữu.

– Xây dựng đội ngũ báo cáo viên có kinh nghiệm thực tiễn trong xử lý hiệu quả các vụ việc liên quan đến vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề án thực hiện từ năm 2022 đến hết năm 2026.

2. Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành.

3. Bộ Nội vụ

a) Chỉ đạo Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của Đề án.

b) Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tiến độ.

c) Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện.

d) Tổ chức đánh giá, sơ kết, tổng kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Bộ Tài chính

Cân đi, bố trí kinh phí bồi dưỡng, tập huấn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

a) Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng công tác tín ngưỡng, tôn giáo, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch hàng năm; định kỳ báo cáo theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

b) Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn theo nhiệm vụ được giao.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán nhà nước;
– Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: NC, QHĐP;
– Lưu: VT, TCCV (2b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

Phạm Bình Minh

 

 

Văn bản mới

Văn bản xem nhiều