Dịch vụ luật sư - Tư vấn pháp luật

Đặt câu hỏi

Dịch vụ luật sư, tư vấn pháp luật

Quyết định 4922/QĐ-BYT 2021 ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét

Quyết định 4922/QĐ-BYT 2021 ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét
Lĩnh vực luật: Y tế - Sức khỏe
Thuộc tính văn bản
Số ký hiệu:
Đang cập nhật
Ngày ban hành:
25/10/2021
Loại văn bản:
Quyết định
Ngày có hiệu lực:
Đang cập nhật
Nguồn thu thập
Đang cập nhật
Ngày đăng công báo
Đang cập nhật
Cơ quan ban hành
Bộ Y tế
Người ký
Đỗ Xuân Tuyên

BỘ Y TẾ
______

Số: 4922/QĐ-BYT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

_______________________

Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 2021

 

 

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét”

___________

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

 

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 1920/QĐ-TTg ngày 27 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 và định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét”.

Điều 2. “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét” là tài liệu hướng dẫn được áp dụng tại các cơ sở y tế dự phòng và khám, chữa bệnh trên toàn quốc.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành và thay thế Quyết định số 741/QĐ-BYT ngày 02/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét”.

Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng thuộc Bộ Y tế; Viện trưởng các Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng; Giám đốc các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
– Như Điều 4;
– Đ/c Bộ trưởng (để báo cáo);
– Các Đ/c Thứ trưởng;
– Cổng TTĐT Bộ Y tế;
– Lưu: VT, DP.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Đỗ Xuân Tuyên

 

 

 

HƯỚNG DẪN

GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT RÉT
(Kèm theo Quyết định số 4922/QĐ-BYT ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. ĐẶC ĐIỂM CHỦ YẾU CỦA BỆNH SỐT RÉT

Bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium gây nên. Bệnh lây theo đường máu, chủ yếu là do muỗi Anopheles truyền, biểu hiện lâm sàng điển hình: rét run, sốt, vã mồ hôi. Bệnh lưu hành địa phương có thể gây thành dịch. Ở Việt Nam, bệnh sốt rét lây truyền quanh năm nhưng thường có 1 đến 2 đỉnh cao của mùa truyền bệnh.

Tác nhân gây bệnh: Có 5 loài ký sinh trùng sốt rét gây bệnh sốt rét ở người, trong đó có 4 loài phổ biến là P. falciparum, P. vivax, P. malariae P. ovale và loài P. knowlesi trước đây được phát hiện trên khỉ, nay cũng đã được phát hiện trên người. Chu kỳ phát triển ký sinh trùng sốt rét gồm hai giai đoạn: Giai đoạn sinh sản vô tính ở cơ thể người và giai đoạn sinh sản hữu tính trong cơ thể muỗi.

Muỗi truyền bệnh và mùa truyền bệnh: Muỗi truyền bệnh sốt rét chính ở Việt Nam bao gồm An. minimus, An. dirus An. epiroticus. Muỗi An. minimus phát triển mạnh vào đầu và cuối mùa mưa, do vậy vùng có muỗi An. minimus truyền thì bệnh sốt rét có hai đỉnh vào đầu và cuối mùa mưa. Vùng có muỗi An. dirus thì bệnh sốt rét lan truyền trong suốt mùa mưa. Vùng có muỗi An. epiroticus truyền bệnh sốt rét quanh năm. Thời điểm hiện nay, mùa truyền bệnh có thể thay đổi do biến đổi khí hậu, hoạt động theo thời vụ của con người, bởi những hoạt động làm tăng giảm sự tiếp xúc với muỗi truyền bệnh.

Thời kỳ ủ bệnh và lây truyền: Thời gian ủ bệnh trung bình từ 7 đến 14 ngày. Giai đoạn trong máu có giao bào ký sinh trùng sốt rét là nguồn lây bệnh thường xuất hiện sau cơn sốt đầu tiên đối với P. falciparum là 7 ngày đến 10 ngày, đối với P. vivax, P. malariae P. ovale từ 2 ngày đến 3 ngày. Nếu không được điều trị triệt để ký sinh trùng sốt rét có thể tồn tại và lây truyền từ 1 đến 3 năm. Muỗi truyền sốt rét nhiễm ký sinh trùng sốt rét sau khi hút máu người có giao bào khoảng 10 ngày có thể truyền bệnh và truyền bệnh suốt đời.

Chẩn đoán xác định ký sinh trùng sốt rét: Bằng xét nghiệm lam máu nhuộm Giemsa hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên, hoặc kỹ thuật sinh học phân tử.

Điều trị bệnh sốt rét: Bệnh sốt rét có thuốc điều trị đặc hiệu bao gồm điều trị cắt cơn sốt, điều trị diệt giao bào chống lây lan; điều trị tiệt căn đối với P. vivax P. ovale.

Tính cảm nhiễm và sức đề kháng: Mọi người đều có thể mắc bệnh sốt rét, đồng thời có thể nhiễm một vài loài ký sinh trùng sốt rét. Miễn dịch đối với sốt rét là không bền vững với loài ký sinh trùng sốt rét mắc phải, không có miễn dịch chéo.

Phòng bệnh: Chưa có vắc xin phòng bệnh. Các biện pháp hiện nay tập trung vào tiêu diệt, ngăn cản muỗi đốt bằng: Phun hóa chất tồn lưu trong nhà; ngủ màn hoặc võng màn tẩm hóa chất; sử dụng các biện pháp xua muỗi. Ngoài ra, kết hợp vệ sinh môi trường, biện pháp sinh học để diệt muỗi và bọ gậy. Phát hiện sớm, điều trị diệt giao bào, tiệt căn trường hợp bệnh sốt rét bằng primaquin để giảm nguồn lây.

II. MỘT SỐ KHÁI NIỆM VÀ THUẬT NGỮ

1. Giám sát thường quy sốt rét: Là quá trình thường xuyên thu thập, phân tích có hệ thống các thông tin, các số liệu đặc trưng của bệnh sốt rét để đánh giá thực trạng tình hình lưu hành bệnh sốt rét và xây dựng kế hoạch, triển khai phòng chống và loại trừ sốt rét.

2. Giám sát trọng điểm sốt rét: Là hoạt động giám sát ký sinh trùng sốt rét, muỗi truyền bệnh sốt rét và các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh sốt rét ở một địa điểm và thời gian nhất định.

3. Phát hiện trường hợp bệnh thụ động: Do nhân viên y tế phát hiện tại cơ sở y tế khi người bệnh đến khám, chữa bệnh.

4. Phát hiện trường hợp bệnh chủ động: Do nhân viên y tế phát hiện tại cộng đồng.

5. Vùng sốt rét lưu hành: Là các xã/phường/thị trấn có ký sinh trùng sốt rét lan truyền tại chỗ. Vùng sốt rét lưu hành bao gồm lưu hành nhẹ, lưu hành vừa và lưu hành nặng theo Quyết định phân vùng dịch tễ sốt rét của Bộ Y tế.

6. Vùng không có sốt rét lưu hành: Là vùng không có sốt rét lây truyền tại chỗ.

7. Dân số chung: Là tổng số dân sống thường xuyên trên một đơn vị hành chính (xã, huyện, tỉnh) ở thời điểm báo cáo.

8. Dân số vùng sốt rét lưu hành: Là tổng số dân sống thường xuyên tại các xã có sốt rét lưu hành ở thời điểm báo cáo.

9. Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc: Là khả năng ký sinh trùng sốt rét sống sót và hoặc phát triển sau khi đã được điều trị và hấp thu đủ một liều thuốc theo quy định về điều trị của Bộ Y tế.

10. Muỗi truyền sốt rét kháng hóa chất: Là khả năng sống sót của muỗi truyền sốt rét sau khi tiếp xúc với nồng độ nào đó của một hóa chất mà nồng độ đó làm đa số muỗi truyền sốt rét trong một quần thể bình thường của loài muỗi đó sẽ bị chết.

11. Hiệu lực tồn lưu của biện pháp sử dụng đối với muỗi:

– Tỷ lệ muỗi chết ≥ 50% sau 24 giờ đối với tường vách.

– Tỷ lệ muỗi chết ≥ 70% sau 24 giờ đối với màn.

12. Giai đoạn phòng chống bệnh sốt rét: Là một giai đoạn hoạt động của Chương trình sốt rét triển khai tại một tỉnh, một huyện, một xã có tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét ở vùng sốt rét lưu hành hàng năm ≥ 1/1.000 dân số vùng sốt rét lưu hành

a) Xã thuộc giai đoạn phòng chống sốt rét: Một xã ở vùng sốt rét lưu hành có tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét trung bình 5 năm liên tục ≥ 1/1.000 dân số sốt rét lưu hành hoặc có ít nhất 1 năm trong vòng 5 năm có tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét ≥ 1/1.000 dân số sốt rét lưu hành.

b) Huyện thuộc giai đoạn phòng chống sốt rét: Một huyện có ít nhất một xã thuộc giai đoạn phòng chống sốt rét.

c) Tỉnh thuộc giai đoạn phòng chống sốt rét: Một tỉnh có ít nhất một huyện thuộc giai đoạn phòng chống sốt rét.

13. Giai đoạn loại trừ bệnh sốt rét: Là một giai đoạn hoạt động của Chương trình sốt rét triển khai tại một tỉnh, một huyện, một xã có tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét ở vùng sốt rét lưu hành < 1/1.000 dân số vùng sốt rét lưu hành.

a) Xã thuộc giai đoạn loại trừ sốt rét: Một xã ở vùng sốt rét lưu hành có tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét trung bình 5 năm liên tục < 1/1.000 dân số sốt rét lưu hành và không có năm nào có tỷ lệ ký sinh trùng sốt rét ≥ 1/1.000 dân số sốt rét lưu hành.

b) Huyện thuộc giai đoạn loại trừ sốt rét: Một huyện có tất cả các xã thuộc giai đoạn loại trừ sốt rét.

c) Tỉnh thuộc giai đoạn loại trừ sốt rét: Một tỉnh có tất cả các huyện thuộc giai đoạn loại trừ sốt rét.

14. Giai đoạn phòng ngừa sốt rét quay trở lại sau loại trừ: Là một giai đoạn hoạt động của chiến lược phòng chống và loại trừ sốt rét triển khai tại một tỉnh, một huyện đã loại trừ sốt rét, tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm phòng ngừa sốt rét xâm nhập, quay trở lại và duy trì bền vững kết quả loại trừ sốt rét ở những năm tiếp theo.

15. Trường hợp nghi ngờ mắc sốt rét: Là những trường hợp đang sốt hoặc có sốt trong 3 ngày gần đây và đang ở hoặc đã đến vùng sốt rét lưu hành trong thời gian ít nhất 7 ngày trước khi có sốt, hoặc có tiền sử mắc sốt rét.

16. Trường hợp bệnh sốt rét xác định: Là trường hợp có ký sinh trùng sốt rét trong máu được xác định bằng xét nghiệm lam máu nhuộm Giêm-sa hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh phát hiện kháng nguyên hoặc kỹ thuật sinh học phân tử.

17. Trường hợp bệnh sốt rét ác tính: Là trường hợp bệnh sốt rét xác định có biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh. Sốt rét ác tính thường xảy ra trên những người bệnh nhiễm P. falciparum hoặc nhiễm phối hợp có P. falciparum. Các trường hợp nhiễm P. vivax P. knowlesi cũng có thể gây sốt rét ác tính, đặc biệt ở các vùng kháng với chloroquin.

18. Trường hợp bệnh sốt rét nội địa: Là trường hợp sốt rét xác định, lây nhiễm tại chỗ (xã/phường), không có bằng chứng nào của ngoại lai và không liên quan trực tiếp đến lây nhiễm từ trường hợp sốt rét ngoại lai.

19. Trường hợp bệnh sốt rét ngoại lai: Là trường hợp sốt rét xác định, lây nhiễm từ nơi khác về xã/phường.

20. Trường hợp bệnh sốt rét thứ truyền: Là trường hợp sốt rét xác định, lây nhiễm tại chỗ từ trường hợp sốt rét ngoại lai.

21. Trường hợp bệnh sốt rét tái phát xa: Là trường hợp sốt rét xác định, có tiền sử nhiễm sốt rét P. vivax hoặc P. ovale trong vòng 3 năm, không có tiền sử dịch tễ liên quan với lây truyền ký sinh trùng sốt rét từ bên ngoài.

22. Trường hợp tử vong do sốt rét: Là trường hợp tử vong xác định có ký sinh trùng sốt rét.

23. Dịch sốt rét: Dịch là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm với số người mắc bệnh vượt quá số người mắc bệnh dự tính bình thường trong một khoảng thời gian xác định ở một khu vực nhất định. Vùng có dịch là khu vực được cơ quan có thẩm quyền xác định có dịch. Vùng có nguy cơ dịch là khu vực lân cận với vùng có dịch hoặc xuất hiện các yếu tố gây dịch.

24. Ổ bệnh sốt rét hoạt động: Khu vực (thôn, bản, ấp…) có ít nhất 01 trường hợp sốt rét xác định là lây truyền tại chỗ trong năm hiện tại.

25. Ổ bệnh sốt rét tiềm tàng: Khu vực (thôn, bản, ấp…) không có trường hợp sốt rét nội địa nào trong năm hiện tại và có ít nhất 01 trường hợp sốt rét xác định là lây truyền tại chỗ được phát hiện trong vòng 03 năm trước.

26. Ổ bệnh sốt rét đã được kiểm soát: Là khu vực (thôn, bản, ấp…) không có trường hợp sốt rét nội địa nào trong năm hiện tại và không phát hiện trường hợp sốt rét xác định là lây truyền tại chỗ trong 3 năm trước.

III. HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG TRONG GIAI ĐOẠN PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT RÉT

1. Giám sát bệnh sốt rét

1.1. Giám sát thường xuyên bệnh sốt rét

1.1.1. Nội dung giám sát

a) Giám sát trường hợp bệnh sốt rét

– Giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ sốt rét, trường hợp bệnh sốt rét xác định, trường hợp bệnh sốt rét ác tính, trường hợp tử vong do sốt rét ghi nhận trong ngày, trong tuần, trong tháng, trong năm.

– Phân tích các số liệu dịch tễ ghi nhận được theo thời gian, theo địa điểm, con người (chú ý trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai…), phương pháp và kết quả xét nghiệm. So sánh với tuần, tháng và cùng kỳ năm trước.

– Giám sát tiền sử dịch tễ, xác định trường hợp mắc tại chỗ hoặc mắc từ nơi khác về đặc biệt là đối tượng đi rừng, ngủ rẫy và giao lưu qua biên giới.

b) Giám sát ký sinh trùng sốt rét

– Tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc sốt rét phải được xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét bằng xét nghiệm lam máu nhuộm Giemsa so bằng kính hiển vi, test chẩn đoán nhanh hoặc kỹ thuật sinh học phân tử (nếu có). Phân tích tỷ lệ ký sinh trùng P. falciparum, P. vivax, P. malariae, P. ovale, P. knowlesi và nhiễm phối hợp.

– Giám sát đáp ứng của ký sinh trùng sốt rét với thuốc điều trị hàng ngày tại cơ sở điều trị cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính và theo dõi ở các ngày D28 và 42 bằng soi lam máu.

– Giám sát tính nhạy cảm của ký sinh trùng sốt rét đối với thuốc điều trị (TES).

– Giám sát chất lượng xét nghiệm kính hiển vi: Hàng tháng các điểm kính hiển vi gửi 100% lam dương tính và lam nghi ngờ, chọn ngẫu nhiên 10% lam âm tính gửi lên tuyến trên để kiểm tra.

c) Giám sát muỗi truyền bệnh sốt rét

– Giám sát muỗi truyền bệnh sốt rét được thực hiện định kỳ và đột xuất ở những vùng sốt rét lưu hành, nơi xuất hiện trường hợp bệnh sốt rét, ổ bệnh, dịch sốt rét.

– Giám sát mật độ muỗi theo phương pháp bẫy màn kép sử dụng mồi người; mồi người trong nhà, ngoài nhà vào ban đêm; soi trong nhà vào ban ngày; bẫy đèn trong nhà vào ban đêm (Phụ lục 4).

– Giám sát thành phần loài, mật độ muỗi Anopheles và phân bố theo các vùng sốt rét khác nhau.

– Giám sát độ nhạy cảm của muỗi truyền sốt rét với hóa chất diệt muỗi.

– Giám sát tỷ lệ muỗi nhiễm ký sinh trùng, thoa trùng.

– Giám sát ổ bọ gậy của muỗi sốt rét.

– Số lần giám sát:

+ Tại các điểm cố định thực hiện ít nhất 2 lần 1 năm.

+ Tại các điểm khác theo kế hoạch giám sát hàng năm hoặc giám sát đột xuất.

d) Giám sát biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét

– Giám sát tính phù hợp của các biện pháp phòng chống véc tơ ở địa phương theo phân vùng dịch tễ sốt rét được Bộ Y tế ban hành.

– Giám sát kỹ thuật phòng chống véc tơ: Hoạt động phun hóa chất, hoạt động tẩm màn, công tác tổ chức.

– Giám sát độ bao phủ của biện pháp trong cộng đồng: Tỷ lệ hộ, người được bảo vệ.

– Giám sát hiệu lực của biện pháp sử dụng đối với muỗi tại địa phương.

đ) Giám sát các yếu tố liên quan đến lan truyền sốt rét

– Thống kê những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sốt rét: Dân di biến động, chú ý dân di cư tự do, dân giao lưu qua biên giới, dân thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy.

– Thu thập các yếu tố sinh thái: Khí hậu, thời tiết, biến đổi các thảm thực vật.

– Thói quen ngủ màn của người dân địa phương.

– Thu thập các yếu tố kinh tế – xã hội.

– Hoạt động của mạng lưới y tế.

– Hoạt động thu thập các số liệu trên được thông qua các đợt điều tra, giám sát và theo các mẫu, biểu theo quy định.

e) Giám sát các hoạt động phòng chống bệnh sốt rét

– Giám sát chất lượng xét nghiệm kính hiển vi: Giám sát hoạt động của các phòng xét nghiệm, điểm kính hiển vi các tuyến và cơ sở y tế có nhiệm vụ phòng chống sốt rét bao gồm hoạt động lấy lam xét nghiệm, gửi lam kiểm tra, kỹ thuật nhuộm tiêu bản, kỹ thuật soi phát hiện ký sinh trùng sốt rét, đếm ký sinh trùng sốt rét, trang thiết bị vật tư xét nghiệm.

– Giám sát việc sử dụng test chẩn đoán nhanh sốt rét tại tuyến y tế thôn, bản, cơ sở y tế không có điểm kính hiển vi. Giám sát việc sử dụng xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) hoặc giải trình tự gien.

– Công tác chẩn đoán và điều trị sốt rét.

– Công tác phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét.

– Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh sốt rét.

– Công tác quản lý, phân phối, sử dụng kinh phí và vật tư phòng chống sốt rét: Kinh phí trung ương, kinh phí địa phương, kính hiển vi, test chẩn đoán nhanh, bình bơm, hóa chất diệt muỗi, thuốc sốt rét.

– Công tác đào tạo và xây dựng mạng lưới.

– Công tác hệ thống thông tin báo cáo: Tất cả các trường hợp bệnh, báo cáo tháng, quý, năm phải được báo cáo vào hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm.

1.1.2. Các chỉ số giám sát

– Tỷ lệ mắc sốt rét/1.000 dân số chung

=

Số KST được phát hiện trong quần thể dân số chung x 1.000

Tổng dân số chung tại thời điểm giữa năm báo cáo

– Tỷ lệ mắc sốt rét/1.000 dân số vùng sốt rét lưu hành.

=

Số KST được phát hiện trong quần thể dân số vùng sốt rét lưu hành x1.000

Tổng dân số vùng sốt rét lưu hành tại thời điểm giữa năm báo cáo

– Tỷ lệ tử vong do sốt rét/100.000 dân số chung.

=

Số trường hợp tử vong do sốt rét trong quần thể dân số chung x 100.000

Tổng dân số chung tại thời điểm giữa năm báo cáo

– Tỷ lệ tử vong do sốt rét/100.000 dân số vùng sốt rét lưu hành.

=

Số trường hợp tử vong do sốt rét trong quần thể dân số vùng SRLH x 100.000

Tổng dân số vùng sốt rét lưu hành tại thời điểm giữa năm báo cáo

– Tỷ lệ người nghi ngờ sốt rét được xét nghiệm (%).

=

Tổng số người nghi mắc sốt rét được xét nghiệm chẩn đoán sốt rét x 100

Tổng số người nghi mắc sốt rét

– Tỷ lệ loài ký sinh trùng sốt rét (%).

=

Số ký sinh trùng sốt rét của từng loài x 100

Tổng số ký sinh trùng sốt rét của tất cả các loài

– Độ nhạy cảm của ký sinh trùng sốt rét với thuốc điều trị (%).

=

Số bệnh nhân ngày thứ 28 (hoặc 42 tuỳ theo thử nghiệm)
không có các biểu hiện của thất bại điều trị x 100

Tổng số bệnh nhân tham gia thử nghiệm

– Tỷ lệ trường hợp nhiễm P. falciparum được điều trị đúng theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét (%).

=

Số trường hợp bệnh P. falciparum được điều trị đúng theo Hướng dẫn điều trị x 100

Tổng số trường hợp nhiễm P. falciparum được điều trị trong cùng giai đoạn báo cáo

– Tỷ lệ trường hợp nhiễm P. vivax được điều trị đúng theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét (%).

=

Số trường hợp bệnh P. vivax được điều trị đúng theo Hướng dẫn điều trị x 100

Tổng số trường hợp nhiễm P. vivax được điều trị trong cùng giai đoạn báo cáo

– Tỷ lệ trường hợp bệnh sốt rét P. vivax được xét nghiệm G6PD (%)

=

Số trường hợp bệnh P. vivax được xét nghiệm men G6PD x 100

Tổng số trường hợp bệnh P. vivax

– Tỷ lệ trường hợp bệnh ghi nhận tác dụng phụ của Primaquin (%)

=

Số trường hợp bệnh ghi nhận tác dụng phụ của Primaquin x 100

Tổng số trường hợp bệnh được điều trị bằng Primaquin

– Tỷ lệ bệnh nhân sốt rét được giám sát điều trị đầy đủ theo phác đồ của Bộ Y tế (%).

=

Số trường hợp bệnh sốt rét được giám sát điều trị x 100

Tổng số trường hợp bệnh sốt rét được điều trị đủ liệu trình

– Tỷ lệ trường hợp bệnh sốt rét được điều tra và phân loại (%)

=

Số trường hợp bệnh sốt rét được điều tra và phân loại x 100

Tổng số trường hợp bệnh sốt rét được báo cáo

– Tỷ lệ ổ bệnh được điều tra (%)

=

Số ổ bệnh được điều tra x 100

Tổng số ổ bệnh

– Tỷ lệ ổ bệnh được phân loại (%)

=

Số ổ bệnh được phân loại x 100

Tổng số ổ bệnh

– Thành phần loài muỗi: Danh sách tổng số các loài muỗi Anopheles thu thập được bằng tất cả các phương pháp.

– Mật độ muỗi:

+ Mật độ muỗi bằng các phương pháp bẫy màn kép sử dụng mồi người trong nhà, ngoài nhà vào ban đêm (con/giờ/người).

=

Tổng số muỗi thu thập được của từng loài

Số giờ thu thập muỗi/số người thu thập muỗi

+ Mật độ muỗi bằng phương pháp soi chuồng gia súc ban đêm (con/giờ/người).

=

Tổng số muỗi thu thập được của từng loài

Số giờ thu thập muỗi/số người thu thập muỗi

+ Mật độ muỗi bằng phương pháp bẫy đèn trong nhà ban đêm (con/đèn/đêm).

=

Tổng số muỗi thu thập được của từng loài

Tổng số đèn bẫy/tổng số đêm treo bẫy

+ Mật độ muỗi bằng phương pháp soi trong nhà vào ban ngày (con/nhà).

=

Tổng số muỗi thu thập được của từng loài

Tổng số nhà được điều tra

+ Tỷ lệ muỗi nhiễm ký sinh trùng (%).

=

Số lượng muỗi nhiễm ký sinh trùng x 100

Tổng số muỗi được xét nghiệm

– Đánh giá độ nhạy cảm của muỗi truyền bệnh với hóa chất diệt côn trùng theo quy trình chuẩn

+ Trường hợp số muỗi lô đối chứng chết dưới 5%

=

Số lượng muỗi chết x 100

Tổng số muỗi thử nghiệm

+ Trường hợp số muỗi lô đối chứng chết 5 – 20%

=

(Tỷ lệ % muỗi chết thử nghiệm – tỷ lệ % muỗi chết đối chứng) x 100

100 − tỷ lệ % muỗi chết đối chứng

+ Trường hợp số muỗi lô đối chứng chết trên 20%: Huỷ bỏ kết quả.

+ Đánh giá kết quả:

o Tỷ lệ muỗi chết 98 – 100%: Muỗi còn nhạy cảm với hoá chất diệt côn trùng.

o Tỷ lệ muỗi chết 90 – 97% : Muỗi có thể kháng với hoá chất diệt côn trùng.

o Tỷ lệ muỗi chết dưới 90% : Muỗi kháng với hoá chất diệt côn trùng.

– Tỷ lệ dân số được bảo vệ bằng phun tồn lưu hóa chất diệt côn trùng trong vùng được chỉ định.

=

Số dân vùng SRLH được bảo vệ bằng phun tồn lưu hóa chất diệt côn trùng trong 12 tháng qua x 100

Tổng dân số vùng SRLH có chỉ định phun tồn lưu hóa chất diệt côn trùng

– Tỷ lệ dân số được bảo vệ bằng màn tẩm hóa chất diệt côn trùng trong vùng được chỉ định.

=

Số dân vùng SRLH được cấp màn tẩm + tẩm màn bằng hóa chất diệt côn trùng

Tổng dân số vùng SRLH có chỉ định cấp màn tẩm hóa chất diệt côn trùng

– Tỷ lệ cán bộ được tập huấn về giám sát, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị sốt rét trong năm.

=

Tổng số cán bộ được tập huấn về các nội dung trong chương trình phòng chống và loại trừ sốt rét trong năm x 100

Tổng số cán bộ tham gia công tác phòng chống và loại trừ sốt rét trong năm đó

– Tỷ lệ cơ sở y tế được trang bị đủ thuốc sốt rét và phương tiện chẩn đoán bệnh sốt rét.

=

Số tháng các cơ sở y tế được trang bị đủ thuốc sốt rét và phương tiện chẩn đoán bệnh sốt rét x 100

Tổng số tháng các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ chẩn đoán điều trị sốt rét

– Tỷ lệ người/màn đôi (nếu màn đơn, quy đổi 2 màn đơn = 1 màn đôi) có trong cộng đồng (người/màn).

=

Tổng dân số vùng sốt rét lưu hành

Tổng số màn hiện có trong vùng sốt rét lưu hành

– Tỷ lệ dân số vùng sốt rét lưu hành ngủ màn (%).

=

Số người ngủ màn đêm qua x 100

Tổng số người được điều tra

– Tỷ lệ mang màn, võng tẩm hóa chất đi rẫy, đi rừng (%).

=

Số người ngủ lại ở rẫy, ở rừng có mang màn , võng màn tẩm hóa chất diệt côn trùng x 100

Tổng số người ngủ lại ở rẫy, ở rừng được điều tra

– Tỷ lệ hộ gia đình được phun hoá chất diệt muỗi ở vùng được chỉ định phun (%).

=

Số hộ được phun hóa chất diệt côn trùng x 100

Tổng số hộ được chỉ định phun hóa chất diệt côn trùng

– Tỷ lệ màn được tẩm hoá chất diệt côn trùng ở vùng được chỉ định (%).

=

Số màn được tẩm hóa chất diệt côn trùng x 100

Tổng số màn được chỉ định tẩm hóa chất diệt côn trùng

Tổng số lượt dân được tham dự truyền thông giáo dục phòng chống sốt rét.

– Hiệu lực tồn lưu của biện pháp sử dụng đối với muỗi tại địa phương:

+ Trường hợp số muỗi lô đối chứng chết dưới 5%

=

Số lượng muỗi chết x 100

Tổng số muỗi thử nghiệm

+ Trường hợp số muỗi lô đối chứng chết 5 – 20%

=

(Tỷ lệ % muỗi chết thử nghiệm – tỷ lệ % muỗi chết đối chứng) x 100

100 − tỷ lệ % muỗi chết đối chứng

+ Trường hợp số muỗi lô đối chứng chết trên 20%: Huỷ bỏ kết quả.

+ Đánh giá kết quả: Hoá chất còn tác dụng tồn lưu.

o Tỷ lệ muỗi chết ≥ 50% sau 24 giờ đối với tường vách.

o Tỷ lệ muỗi chết ≥ 70% sau 24 giờ đối với màn.

1.1.3. Biểu mẫu báo cáo

Nội dung báo cáo được thực hiện theo quy định tại Biểu mẫu giám sát và phòng chống bệnh sốt rét, Phụ lục 1 ban hành kèm theo Hướng dẫn này:

Biểu mẫu 1: Báo cáo trường hợp bệnh và điều tra trường hợp bệnh sốt rét

(thực hiện trong vòng 48h).

Biểu mẫu 3: Báo cáo tháng công tác hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tuyến xã.

Biểu mẫu 4: Báo cáo tháng công tác hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tuyến huyện.

– Biểu mẫu 5: Báo cáo tháng công tác hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tuyến tỉnh.

1.2. Giám sát trọng điểm quốc gia bệnh sốt rét

– Được triển khai theo hướng dẫn của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương.

– Địa điểm triển khai: Được thiết lập tại xã của huyện được chọn cố định ở các tỉnh đại diện cho các vùng dịch tễ sốt rét.

1.2.1. Nội dung giám sát

– Các nội dung giám sát thường xuyên thực hiện theo quy định tại mục 1.1.1, Phần III trong Hướng dẫn này.

– Đặc điểm ký sinh trùng sốt rét và muỗi truyền bệnh sốt rét tại khu vực giám sát trọng điểm được xác định bằng kỹ thuật sinh học phân tử.

1.2.2. Chỉ số giám sát

– Chỉ số giám sát thường xuyên theo quy định tại mục 1.1.2, Phần III trong Hướng dẫn này.

– Chỉ số khác:

+ Tỷ lệ các loài ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc.

+ Tỷ lệ của các gen đột biến kháng thuốc.

+ Số lượng và mật độ muỗi truyền sốt rét.

1.2.3. Biểu mẫu báo cáo

– Theo hướng dẫn của Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương.

1.3. Giám sát can thiệp điểm nóng sốt rét

– Được triển khai theo hướng dẫn của các Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng.

– Địa điểm triển khai: Tại vùng sốt rét lưu hành có tình hình sốt rét diễn biến phức tạp trong năm, ký sinh trùng sốt rét tồn tại dai dẳng, có sự gia tăng về số lượng ký sinh trùng sốt rét, nguy cơ xẩy dịch.

1.3.1. Nội dung giám sát, can thiệp

– Điều tra phát hiện ca bệnh chủ động: Tại khu vực điểm nóng sốt rét, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao như người đi rừng, ngủ rẫy, kiểm lâm, giao lưu qua biên giới…

– Điều trị triệt để các trường hợp bệnh mới phát hiện.

– Điều tra muỗi truyền bệnh sốt rét.

– Tổ chức tẩm màn hóa chất

– Phun tồn lưu hóa chất diệt muỗi cho các hộ tại ổ bệnh, các hộ gia đình khu vực gần rừng, rẫy và phun nhà rẫy.

– Truyền thông thay đổi hành vi và truyền thông nguy cơ.

1.3.2. Các chỉ số giám sát, can thiệp

– Chỉ số giám sát thường xuyên theo quy định tại mục 1.1.2, Phần III trong Hướng dẫn này.

1.3.3. Biểu mẫu báo cáo

– Theo hướng dẫn của các Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng.

2. Phát hiện quản lý trường hợp bệnh

– Tất cả các trường hợp nghi ngờ sốt rét phải được xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng sốt rét.

– Phát hiện trường hợp bệnh thụ động tại tất cả các cơ sở y tế nhà nước và y tế tư nhân.

– Tổ chức sàng lọc và phát hiện trường hợp bệnh chủ động ít nhất 1 lần/1 năm đối với các nhóm dân nguy cơ: dân thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, dân làm ăn theo thời vụ, giao lưu qua biên giới, công nhân làm việc tại các dự án phát triển trên địa bàn…

– Quản lý trường hợp bệnh sốt rét:

+ Theo dõi, ghi chép đầy đủ theo quy định.

+ Nhập và xác nhận báo cáo từng trường hợp bệnh lên hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm.

3. Chẩn đoán và điều trị

Thực hiện theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét được Bộ Y tế ban hành.

4. Phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét

– Thực hiện ngủ màn thường xuyên. Phát màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu, tẩm màn 1-2 lần/năm ở thời điểm trước mùa truyền bệnh cho tất cả các hộ gia đình trong vùng sốt rét lưu hành. Quy trình kỹ thuật tẩm màn được quy định tại Phụ lục 5.

– Đảm bảo phun tồn lưu hóa chất diệt côn trùng cho tất cả các hộ gia đình (bao gồm phun trong nhà, nhà rẫy) vùng sốt rét lưu hành nặng 1 lần/năm, ở thời điểm trước mùa truyền bệnh,

– Ở vùng tỷ lệ ngủ màn của người dân dưới 80%. Trường hợp tình hình sốt rét diễn biến phức tạp có thể phun bổ sung theo hướng dẫn xử lý ổ bệnh. Quy trình kỹ thuật phun hóa chất được quy định tại Phụ lục 5.

– Sử dụng màn, võng màn tẩm hóa chất diệt côn trùng, hương xua, kem xua đối với người đi rừng, ngủ rẫy; Mũ trùm tẩm hóa chất đối với người làm cao su.

– Vệ sinh môi trường, sử dụng vợt điện diệt côn trùng, bình xịt diệt muỗi, bẫy đèn và các biện pháp dân gian để xua và diệt muỗi.

5. Đảm bảo chất lượng chẩn đoán xét nghiệm

– Đảm bảo chất lượng chẩn đoán xét nghiệm bằng kính hiển vi ở tất cả các tuyến bao gồm củng cố và duy trì các điểm kính hiển vi, phòng xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét, tập huấn lại cho cán bộ xét nghiệm ít nhất 2 năm 1 lần, mỗi lần ít nhất

3 ngày; gửi lam kiểm tra, giám sát và đánh giá ngoại kiểm; đánh giá chất lượng và đảm bảo trang bị, vật tư, hóa chất cho hoạt động xét nghiệm.

6. Xử lý dịch sốt rét

6.1. Công tác tổ chức, chỉ đạo

– Các đơn vị y tế phải phân tích, đánh giá tình hình và đề xuất các biện pháp xử lý dịch. Báo cáo Sở Y tế để xem xét các điều kiện trình cấp có thẩm quyền công bố dịch.

– Thành lập Ban chỉ đạo chống dịch các cấp tùy theo quy mô dịch.

– Thành lập đội chống dịch: Quy mô và số lượng đội chống dịch tuỳ thuộc vào quy mô vụ dịch. Nếu dịch lớn cần thành lập nhiều đội với sự kết hợp cán bộ các tuyến Trung ương, tỉnh, huyện, xã, thôn bản. Thành phần mỗi đội chống dịch phải có cán bộ chuyên khoa về điều trị, xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét, côn trùng.

– Chỉ đạo các cơ sở y tế chuẩn bị sẵn sàng tham gia vào xử lý dịch sốt rét.

6.2. Công tác chuyên môn, kỹ thuật

6.2.1. Công tác giám sát

– Xây dựng kế hoạch xử lý dịch để trình Ban chỉ đạo chống dịch và chính quyền địa phương.

– Tổ chức giám sát phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ, trường hợp bệnh, tập trung vào các đối tượng nguy cơ cao, yếu tố nguy cơ lây lan dịch.

– Tổ chức xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng sốt rét cho toàn dân trong vùng dịch.

– Tổ chức điều tra côn trùng xác định thành phần, mật độ loài và chỉ số muỗi nhiễm ký sinh trùng sốt rét.

– Tập huấn cho đội chống dịch trước khi vào vùng dịch.

6.2.2. Công tác chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân

– Chẩn đoán phân loại trường hợp sốt rét thường, sốt rét ác tính.

– Tổ chức điều trị trường hợp bệnh sốt rét theo Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sốt rét của Bộ Y tế. Căn cứ mức độ nhạy, kháng của các chủng ký sinh trùng sốt rét để chỉ định sử dụng thuốc sốt rét cho phù hợp.

– Điều trị mở rộng, điều trị toàn dân được thực hiện khi có dịch sốt rét xảy ra nhằm mục đích giảm nguồn bệnh, hạn chế sốt rét thể nặng, hạn chế lây lan. Phạm vi điều trị mở rộng, điều trị toàn dân sẽ do Ban chỉ đạo quyết định.

– Các biện pháp dự phòng cho người tham gia công tác chống dịch sốt rét:

+ Sử dụng các biện pháp phòng chống muỗi sốt rét: Nằm màn, kem xua…

+ Sử dụng các loại thuốc phòng bệnh sốt rét: Có thể sử dụng Doxycycline, liều 100mg/ngày, uống trước khi vào vùng dịch 2 ngày, uống hàng ngày trong thời gian ở vùng dịch và duy trì 14 ngày sau khi ra khỏi vùng dịch. Thực hiện theo Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hoá dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú.

6.2.3. Phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét

– Phun hoá chất diệt côn trùng (Phụ lục 5):

+ Phun toàn bộ các hộ gia đình trong vùng dịch, phun trong nhà, nhà rẫy và chuồng gia súc.

+ Sử dụng hóa chất diệt côn trùng, liều lượng hoá chất phun trong vùng dịch giống như liều lượng phun thường quy.

+ Tập huấn cho đội phun trước khi phun.

+ Giám sát kiểm tra chất lượng và kỹ thuật phun.

– Tẩm màn bằng hoá chất diệt côn trùng (Phụ lục 5):

+ Tẩm màn cho dân vùng dịch và tuyên truyền ngủ màn phòng chống muỗi đốt.

+ Sử dụng hóa chất diệt côn trùng, liều lượng hoá chất tẩm màn trong vùng dịch giống như liều lượng tẩm thường quy.

6.3. Phối hợp với ban, ngành, đoàn thể

– Triển khai hoạt động phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan của ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để triển khai các hoạt động trong phòng chống dịch sốt rét.

– Tổ chức khoanh vùng dịch, triển khai các biện pháp quản lý người ra vào vùng dịch, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với người dân trong vùng dịch.

6.4. Công tác truyền thông nguy cơ phòng chống dịch sốt rét

– Thực hiện truyền thông cho chính quyền và các ban, ngành đoàn thể về nguy cơ của bệnh sốt rét.

– Tổ chức truyền thông rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại xã, thôn bản các thông điệp, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phòng chống sốt rét.

6.5. Công tác hậu cần

– Chính quyền các cấp bố trí nhân lực, vật tư, kinh phí đảm bảo cho công tác phòng chống dịch.

– Trang thiết bị, phương tiện và vật tư chống dịch: Bình bơm, hóa chất diệt muỗi, kính hiển vi, hoá chất xét nghiệm, thuốc sốt rét, các thuốc cấp cứu và thuốc bổ trợ.

6.6. Công tác báo cáo

Thực hiện chế độ khai báo, thông tin, báo cáo dịch sốt rét theo quy định của Bộ Y tế.

7. Truyền thông

– Thường xuyên thực hiện các biện pháp truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống sốt rét tại tất cả các cơ sở y tế, vận động cộng đồng và các hộ gia đình ở vùng sốt rét lưu hành.

– Các thông điệp chính truyền thông để hướng dẫn cộng đồng phòng chống sốt rét: (1) Bệnh sốt rét do muỗi truyền; (2) Phòng bệnh sốt rét bằng cách thường xuyên ngủ màn tẩm hóa chất và phun tồn lưu hóa chất lên tường trong nhà; (3) Khi bị sốt phải đến ngay cơ sở y tế để được khám chữa bệnh; (4) Uống thuốc sốt rét đủ liều và đủ ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc.

– Phối hợp với các cơ quan thông tin tại địa phương bao gồm đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí và các phương tiện thông tin khác.

– Tổ chức các buổi phổ biến kiến thức phòng chống sốt rét trong các trường học, buổi họp dân, khẩu hiệu, tờ tranh, các cuốn sách nhỏ, truyền thanh, các buổi chiếu video, đến thăm hỏi và tuyên truyền tại các hộ gia đình.

8. Dự trữ các cơ số thuốc điều trị sốt rét, hóa chất diệt muỗi, vật tư phòng chống sốt rét

Trên cơ sở đánh giá, dự báo tình hình bệnh sốt rét để dự trù và dự trữ cơ số thuốc điều trị sốt rét, hóa chất diệt muỗi, vật tư phòng chống sốt rét cho phù hợp.

IV. HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG TRONG GIAI ĐOẠN LOẠI TRỪ BỆNH SỐT RÉT

1. Giám sát bệnh sốt rét

1.1. Giám sát thường xuyên bệnh sốt rét

1.1.1. Nội dung giám sát

a) Giám sát trường hợp bệnh sốt rét

– Phát hiện, chẩn đoán sớm bệnh sốt rét: Tất cả những người nghi ngờ mắc bệnh sốt rét phải được lấy máu xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét bằng kính hiển vi, hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh, hoặc kỹ thuật sinh học phân tử (nếu có) để phát hiện sớm sốt rét.

– Điều tra thu thập đầy đủ thông tin của tất cả các trường hợp bệnh.

– Phân loại trường hợp bệnh để có biện pháp xử lý phù hợp.

– Báo cáo trường hợp bệnh và điều tra trường hợp bệnh sốt rét (Phụ lục 2) lên hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm trong vòng 48 giờ.

– Phân tích các số liệu dịch tễ ghi nhận được theo thời gian, theo địa điểm, con người (chú ý trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, đối tượng đi rừng ngủ rẫy, giao lưu qua lại biên giới…), tiền sử dịch tễ, nơi phát hiện. So sánh với tuần, tháng và cùng kỳ năm trước.

b) Giám sát ổ bệnh sốt rét

– Dựa vào kết quả điều tra trường hợp bệnh sốt rét, khi phát hiện có lây truyền tại chỗ hoặc nghi ngờ có lây truyền tại chỗ thì phải tổ chức điều tra ổ bệnh sốt rét.

– Điều tra ổ bệnh sốt rét theo hướng dẫn quy định trong Phụ lục 3 (thực hiện trong vòng 7 ngày).

– Cập nhật, bổ sung cơ sở dữ liệu dựa trên hệ thống thông tin địa lý về ca bệnh và về muỗi truyền bệnh sốt rét.

– Lập cơ sở dữ liệu về ổ bệnh, phân loại ổ bệnh sốt rét tại địa phương và báo cáo lên hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm trong vòng 7 ngày.

– Tổ chức phân loại lại ổ bệnh sốt rét hàng năm.

c) Giám sát ký sinh trùng sốt rét

– Trong quá trình giám sát trường hợp bệnh sốt rét, giám sát ổ bệnh sốt rét, tất cả các trường hợp bệnh được lấy mẫu xét nghiệm để xác định loài ký sinh trùng sốt rét; định loại các gen ký sinh trùng bằng kỹ thuật sinh học phân tử (nếu có).

– Giám sát đáp ứng của ký sinh trùng sốt rét với thuốc điều trị hàng ngày tại cơ sở điều trị cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính và theo dõi ở các ngày D28 và 42 bằng soi lam máu.

– Giám sát ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc bằng kỹ thuật sinh học phân tử.

d) Giám sát muỗi truyền bệnh sốt rét

– Giám sát muỗi truyền bệnh sốt rét: Điều tra thành phần loài, mật độ muỗi Anopheles, xác định chỉ số muỗi nhiễm thoa trùng, lập bản đồ phân bố muỗi truyền bệnh sốt rét định kỳ và đột xuất tại các ổ bệnh.

– Giám sát độ nhạy cảm của muỗi truyền sốt rét với hóa chất diệt côn trùng.

đ) Giám sát biện pháp phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét

– Giám sát tính phù hợp của các biện pháp phòng chống véc tơ ở từng loại ổ bệnh.

– Giám sát kỹ thuật phòng chống véc tơ: Hoạt động phun hóa chất, hoạt động tẩm màn, công tác tổ chức.

– Giám sát độ bao phủ của biện pháp trong cộng đồng: Tỷ lệ hộ, người được bảo vệ.

– Giám sát hiệu lực của biện pháp sử dụng đối với muỗi tại địa phương.

e) Giám sát các yếu tố liên quan đến lan truyền sốt rét tại ổ bệnh sốt rét

– Thống kê những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sốt rét: Dân di biến động, chú ý dân di cư tự do, dân giao lưu qua biên giới, dân thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy.

– Thu thập các yếu tố sinh thái: Khí hậu, thời tiết, biến đổi các thảm thực vật.

– Thói quen ngủ màn của người dân địa phương.

– Thu thập các yếu tố kinh tế – xã hội.

– Hoạt động của mạng lưới y tế.

– Hoạt động thu thập các số liệu trên được thông qua các đợt điều tra, giám sát và theo các mẫu, biểu theo quy định.

g) Giám sát chất lượng xét nghiệm bằng kính hiển vi

– Tổ chức giám sát hoạt động của các phòng xét nghiệm, điểm kính hiển vi các tuyến bao gồm giám sát hoạt động lấy lam xét nghiệm, gửi lam kiểm tra, kỹ thuật nhuộm tiêu bản, kỹ thuật soi phát hiện ký sinh trùng sốt rét, trang thiết bị vật tư xét nghiệm.

– Các điểm kính hiển vi gửi 100% lam dương tính và lam nghi ngờ, chọn ngẫu nhiên 10% lam âm tính gửi lên tuyến trên để kiểm tra.

h) Giám sát các hoạt động loại trừ sốt rét

– Công tác chẩn đoán và điều trị sốt rét.

– Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh sốt rét.

– Công tác quản lý, phân phối, sử dụng kinh phí và vật tư.

– Công tác đào tạo và xây dựng mạng lưới.

– Công tác hệ thống thông tin báo cáo.

1.1.2. Các chỉ số giám sát

– Chỉ số giám sát thường xuyên theo quy định tại mục 1.1.2, Phần III trong Hướng dẫn này.

– Chỉ số giám sát ổ bệnh sốt rét:

+ Số lượng ổ bệnh sốt rét theo phân loại hàng năm: Ổ bệnh hoạt động, ổ bệnh tiềm tàng, ổ bệnh đã được kiểm soát.

+ Tỷ lệ ổ bệnh sốt rét sốt rét được điều tra trong năm.

+ Tỷ lệ ổ bệnh sốt rét được xử lý trong năm.

– Giám sát các cơ sở y tế thực hiện báo cáo phòng chống và loại trừ sốt rét

+ Số cơ sở thực hiện báo cáo.

+ Số cơ sở thực hiện báo cáo đầy đủ

+ Số cơ sở thực hiện báo cáo đúng thời gian quy định

1.1.3. Biểu mẫu báo cáo

– Xây dựng cơ sở dữ liệu về các hoạt động loại trừ sốt rét trên hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm

+ Báo cáo theo biểu mẫu quy định.

+ Đảm bảo tất cả các ổ bệnh sốt rét hoạt động mới xuất hiện được báo cáo kịp thời.

+ Duy trì và cập nhật tình trạng ổ bệnh sốt rét hàng tháng.

– Nội dung báo cáo được thực hiện theo quy định tại Biểu mẫu giám sát và phòng chống bệnh sốt rét trong Phụ lục 1 ban hành kèm theo Hướng dẫn này:

+ Biểu mẫu 1: Báo cáo trường hợp bệnh và điều tra trường hợp bệnh sốt rét.

+ Biểu mẫu 2: Báo cáo điều tra và đáp ứng ổ bệnh sốt rét.

+ Biểu mẫu 3: Báo cáo tháng công tác hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tuyến xã.

+ Biểu mẫu 4: Báo cáo tháng công tác hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tuyến huyện.

+ Biểu mẫu 5: Báo cáo tháng công tác hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tuyến tỉnh.

1.2. Giám sát trọng điểm quốc gia bệnh sốt rét

Thực hiện theo quy định tại mục 1.2, Phần III trong Hướng dẫn này.

2. Phát hiện quản lý trường hợp bệnh

– Xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng sốt rét cho tất cả các trường hợp nghi ngờ sốt rét, đặc biệt là người đi về từ vùng sốt rét lưu hành trong và ngoài nước, dân đi rừng, ngủ rẫy, dân giao lưu qua biên giới…

– Giám sát phát hiện sớm các trường hợp bệnh, điều tra để phân loại các trường hợp bệnh, điều trị triệt để và quản lý chặt chẽ các trường hợp bệnh nội địa, ngoại lai, thứ truyền, tái phát xa.

– Giám sát phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp bệnh tại các ổ bệnh.

– Quản lý trường hợp bệnh sốt rét:

+ Theo dõi, ghi chép đầy đủ theo quy định.

+ Nhập và xác nhận báo cáo từng trường hợp bệnh lên hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm.

3. Chẩn đoán và điều trị

Thực hiện theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét được Bộ Y tế ban hành.

4. Phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét

Thực hiện phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét như hướng dẫn xử lý ổ bệnh sốt rét tại mục 6, Phần IV trong Hướng dẫn này.

5. Đảm bảo chất lượng chẩn đoán xét nghiệm

Đảm bảo chất lượng chẩn đoán xét nghiệm bằng kính hiển vi ở tất cả các tuyến bao gồm củng cố và duy trì các điểm kính hiển vi, phòng xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét, tập huấn lại cho cán bộ xét nghiệm ít nhất 2 năm 1 lần, mỗi lần ít nhất 3 ngày; gửi lam kiểm tra, giám sát và đánh giá ngoại kiểm; đánh giá chất lượng xét nghiệm và đảm bảo trang bị, vật tư, hóa chất cho hoạt động xét nghiệm.

6. Xử lý ổ bệnh sốt rét

– Dựa trên kết quả điều tra ổ bệnh, phân loại ổ bệnh và đánh giá nguy cơ; cán bộ điều tra đưa ra quyết định xử lý ổ bệnh đó.

– Việc điều tra, phân loại và xử lý ổ bệnh phải hoàn thành trong vòng 7 ngày kể từ khi xác định trường hợp bệnh.

– Báo cáo lên phần mềm quản lý và giám sát bệnh truyền nhiễm hoặc báo cáo giấy theo mẫu Báo cáo điều tra và đáp ứng ổ bệnh đã ban hành.

– Khi có dịch xảy ra thì xử lý theo mục 6, Phần III tại Hướng dẫn này.

Hướng dẫn xử lý ổ bệnh sốt rét:

6.1. Ổ bệnh sốt rét hoạt động

a) Phát hiện và điều trị

– Tăng cường phát hiện chủ động: Thực hiện hàng tuần tại các ổ bệnh sốt rét mới, hàng tháng tại ổ bệnh sốt rét trong mùa truyền bệnh, giảm tần suất phát hiện ngoài mùa truyền bệnh.

– Lấy lam máu hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh để phát hiện ký sinh trùng sốt rét cho tất cả các đối tượng có sốt và đối tượng nguy cơ cao như người đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu qua biên giới.

– Điều trị tất cả các trường hợp bệnh có ký sinh trùng được phát hiện trong quá trình điều tra ổ bệnh sốt rét theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế ban hành.

b) Phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét:

– Đảm bảo 100% dân được bảo vệ.

– Phun tồn lưu hoá chất diệt côn trùng cho tất cả các hộ gia đình tại thôn, bản, ấp có ổ bệnh sốt rét;

– Cấp bổ sung màn, màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu cho người dân sống trong thôn, bản, ấp đạt 1,8 người/1 màn đôi.

– Vệ sinh môi trường và xử lý các ổ bọ gậy.

c) Truyền thông

– Tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân uống thuốc đủ liều, tăng cường sử dụng các biện pháp phòng bệnh cá nhân như ngủ màn, ngủ màn tẩm, sử dụng hương xua, kem xoa.

d) Giám sát ổ bệnh

– Giám sát ổ bệnh được thực hiện thường xuyên.

– Thông tin về ổ bệnh sốt rét hoạt động phải được theo dõi cập nhật và báo cáo lên tuyến trên.

– Sau khi tiến hành can thiệp ổ bệnh sốt rét, nếu diễn biến ổ bệnh vẫn còn phức tạp việc theo dõi vẫn phải thực hiện hàng tuần và báo cáo lên tuyến trên.

– Giám sát các thực hành phòng chống muỗi: Tỷ lệ ngủ màn của người dân, tỷ lệ người đi rừng, ngủ rẫy sử dụng màn/màn tẩm.

– Giám sát dân di biến động: Lập danh sách quản lý số dân thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu qua biên giới.

– Điều tra thành phần loài muỗi truyền sốt rét và thử nhạy cảm với hóa chất diệt côn trùng.

– Điều tra đáp ứng sau 30 ngày xử lý ổ bệnh sốt rét.

đ) Xây dựng bản đồ ổ bệnh sốt rét và lưu trữ số liệu ổ bệnh tại các tuyến tương ứng.

6.2. Ổ bệnh sốt rét tiềm tàng

a) Phát hiện và điều trị

– Tăng cường phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc sốt rét.

– Lấy lam máu hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh để phát hiện ký sinh trùng sốt rét cho tất cả các đối tượng có sốt và đối tượng nguy cơ: người đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu qua biên giới…

– Điều trị tất cả các trường hợp bệnh có ký sinh trùng được phát hiện trong điều tra theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế ban hành.

b) Phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét

– Phun tồn lưu hóa chất diệt côn trùng cho các hộ gia đình tại ổ bệnh 1 lần/1 năm

– Cấp bổ sung màn, màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu cho người dân sống tại ổ bệnh đạt 1,8 người/1 màn đôi.

c) Truyền thông

– Tổ chức tuyên truyền vận động người bệnh uống thuốc đủ liều, tăng cường sử dụng các biện pháp phòng bệnh cá nhân như ngủ màn, ngủ màn tẩm, sử dụng hương xua, kem xoa.

d) Giám sát ổ bệnh sốt rét

– Giám sát ổ bệnh sốt rét được thực hiện thường xuyên.

– Thông tin về ổ bệnh sốt rét phải được theo dõi và báo cáo lên tuyến trên.

– Quản lý các đối tượng có nguy cơ: Người dân đi rừng, ngủ rẫy, dân mới đến định cư, giao lưu qua biên giới, người đi về từ vùng có sốt rét lưu hành trong nước và nước ngoài.

– Tổ chức điều tra ổ bệnh khi nghi ngờ có trường hợp bệnh nội địa.

– Thu thập thông tin hoặc điều tra để phân loại lại ổ bệnh sốt rét hàng năm.

đ) Xây dựng bản đồ ổ bệnh sốt rét và lưu trữ số liệu ổ bệnh tại các tuyến tương ứng.

6.3. Ổ bệnh sốt rét đã được kiểm soát

a) Phát hiện và điều trị

– Tăng cường phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc sốt rét.

– Lấy lam máu hoặc xét nghiệm chẩn đoán nhanh để phát hiện ký sinh trùng sốt rét cho tất cả bệnh nhân có sốt và các đối tượng có nguy cơ: người đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu qua biên giới, người đi về từ vùng có sốt rét lưu hành trong nước hoặc nước ngoài…

– Điều trị tất cả các trường hợp bệnh có ký sinh trùng được phát hiện trong điều tra theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế ban hành

b) Phòng chống muỗi truyền bệnh

Cấp bổ sung màn, màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu cho người dân.

c) Truyền thông

– Tổ chức tuyên truyền vận động người bệnh uống thuốc đủ liều, tăng cường sử dụng các biện pháp phòng bệnh cá nhân như ngủ màn, ngủ màn tẩm, sử dụng hương xua, kem xoa.

d) Giám sát

– Giám sát để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc sốt rét và thực hiện điều trị triệt để tất cả các trường hợp bệnh, đặc biệt các đối tượng có nguy cơ: người đi rừng, ngủ rẫy, dân mới đến định cư, giao lưu qua biên giới, người đi về từ vùng có sốt rét lưu hành…

– Thu thập thông tin, điều tra đánh giá để phân loại lại ổ bệnh sốt rét hàng năm.

đ) Xây dựng bản đồ ổ bệnh sốt rét và lưu trữ số liệu ổ bệnh tại các tuyến tương ứng.

7. Truyền thông

Tuyên truyền giáo dục sức khỏe phòng chống sốt rét cho cộng đồng lồng ghép với truyền thông phòng chống các bệnh truyền nhiễm khác.

8. Dự trữ các cơ số thuốc điều trị sốt rét, hóa chất diệt muỗi, vật tư phòng chống sốt rét

Dựa trên tình hình thực tế để dự trù và dự trữ cơ số thuốc điều trị sốt rét, hóa chất diệt muỗi, vật tư phòng chống sốt rét cho phù hợp.

V. HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG TRONG GIAI ĐOẠN PHÒNG NGỪA SỐT RÉT QUAY TRỞ LẠI SAU LOẠI TRỪ

1. Giám sát bệnh sốt rét

1.1. Giám sát thường xuyên bệnh sốt rét

1.1.1. Nội dung giám sát

a) Giám sát trường hợp bệnh sốt rét

– Duy trì thường xuyên hoạt động giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc sốt rét, đặc biệt đối với trường hợp trở về từ vùng có sốt rét lưu hành trong và ngoài nước.

– Lấy lam máu các trường hợp nghi ngờ mắc sốt rét để phát hiện sớm ký sinh trùng sốt rét, điều trị kịp thời và cắt đứt đường lây truyền.

– Báo cáo trường hợp bệnh trong vòng 48 giờ kể từ khi có chẩn đoán xác định sử dụng phần mềm quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm.

– Dựa trên kết quả điều tra trường hợp bệnh, khi phát hiện hoặc nghi ngờ lây truyền tại chỗ, triển khai điều tra ổ bệnh ngay.

b) Giám sát ký sinh trùng sốt rét

– Trường hợp phát hiện ký sinh trùng sốt rét nội địa: Thực hiện theo các hoạt động giám sát như mục 1.1.1, Phần IV trong Hướng dẫn này.

– Trường hợp phát hiện ký sinh trùng sốt rét ngoại lai: Điều trị triệt để và theo dõi quản lý.

c) Giám sát muỗi truyền bệnh sốt rét

Điều tra thành phần, mật độ muỗi truyền bệnh sốt rét để đề xuất biện pháp xử lý.

1.1.2. Thống kê báo cáo

– Nội dung báo cáo được thực hiện theo quy định tại Biểu mẫu giám sát và phòng chống bệnh sốt rét trong Phụ lục 1 ban hành kèm theo Hướng dẫn này:

+ Biểu mẫu 1: Báo cáo trường hợp bệnh và điều tra trường hợp bệnh sốt rét.

+ Biểu mẫu 2: Báo cáo điều tra và đáp ứng ổ bệnh.

+ Biểu mẫu 3: Báo cáo tháng công tác hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tuyến xã.

+ Biểu mẫu 4: Báo cáo tháng công tác hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tuyến huyện.

+ Biểu mẫu 5: Báo cáo tháng công tác hoạt động phòng chống và loại trừ sốt rét tuyến tỉnh.

1.2. Duy trì giám sát trọng điểm quốc gia

Thực hiện theo quy định tại mục 1.2, Phần III trong Hướng dẫn này.

2. Phát hiện quản lý trường hợp bệnh

– Giám sát phát hiện sớm các trường hợp bệnh.

– Quản lý trường hợp bệnh sốt rét:

+ Theo dõi, ghi chép đầy đủ theo quy định.

+ Nhập và xác nhận báo cáo từng trường hợp bệnh lên hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm.

3. Chẩn đoán và điều trị

Thực hiện theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh sốt rét được Bộ Y tế ban hành.

4. Phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét

Thực hiện phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét như hướng dẫn xử lý ổ bệnh sốt rét tại mục 6, Phần IV trong Hướng dẫn này.

5. Đảm bảo chất lượng chẩn đoán xét nghiệm

Thực hiện như giai đoạn loại trừ sốt rét theo mục 5, phần IV trong Hướng dẫn này.

6. Xử lý ổ bệnh sốt rét

Trường hợp xuất hiện ổ bệnh hoạt động sẽ được can thiệp như giai đoạn loại trừ sốt rét theo mục 6, Phần IV trong Hướng dẫn này.

7. Truyền thông

Truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống sốt rét cho cộng đồng lồng ghép với truyền thông phòng chống các bệnh truyền nhiễm khác.

8. Dự trữ các cơ số thuốc điều trị sốt rét, hóa chất diệt muỗi, vật tư phòng chống sốt rét

Dựa trên tình hình thực tế để dự trù và dự trữ cơ số thuốc điều trị sốt rét, hóa chất diệt muỗi, vật tư phòng chống sốt rét cho phù hợp.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đơn vị thuộc Bộ Y tế

1.1. Cục Y tế dự phòng

– Là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Hướng dẫn trên phạm vi cả nước.

– Thường trực về các hoạt động giám sát, phòng chống, loại trừ sốt rét và điều phối chung hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế.

1.2. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh

– Phối hợp với Cục Y tế dự phòng và các Viện sốt rét KST-CT đôn đốc các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện báo cáo ca bệnh theo hướng dẫn.

– Chỉ đạo tập huấn về chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm của sốt rét và sốt rét ác tính, cập nhật các thông tin về chẩn đoán, phác đồ điều trị sốt rét và sốt rét ác tính.

1.3. Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng

Đầu mối phối hợp với các đơn vị chuyên môn để cung cấp thông tin về bệnh sốt rét, giám sát hỗ trợ các địa phương thực hiện truyền thông về phòng chống và loại trừ sốt rét.

1.4. Cục Quản lý Dược

Đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan quản lý chất lượng thuốc phòng chống sốt rét, tổ chức thanh tra, kiểm tra về việc kinh doanh, sản xuất thuốc sốt rét.

1.5. Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và Theo dõi phản ứng có hại của thuốc

Ghi nhận, phân tích và báo cáo các trường hợp có tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc điều trị bệnh nhân sốt rét.

1.6. Vụ Kế hoạch – Tài chính

Đề xuất tạo nguồn kinh phí, hướng dẫn về các chế độ tài chính cho công tác phòng chống bệnh sốt rét.

1.7. Các Vụ, Cục và đơn vị liên quan khác

Thực hiện các hoạt động về giám sát và phòng chống bệnh sốt rét trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

1.8. Các Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng

– Chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật và tập huấn cho cán bộ các tuyến trong việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét.

– Thực hiện giám sát thường xuyên và giám sát trọng điểm về diễn biến tình hình sốt rét trong giai đoạn phòng chống bệnh sốt rét, giai đoạn loại trừ sốt rét và giai đoạn phòng ngừa sốt rét quay trở lại để đề xuất các biện pháp can thiệp phù hợp.

– Tổng hợp số liệu, đánh giá và báo cáo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan theo quy định hiện hành.

– Định kỳ cập nhật phân vùng dịch tễ sốt rét. Thực hiện đánh giá, tổng hợp kết quả loại trừ sốt rét của các địa phương.

– Duy trì hệ thống quản lý giám sát bệnh sốt rét trên phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm và thường xuyên rà soát, phân tích số liệu, báo cáo.

– Phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới và các đối tác quốc tế liên quan để đẩy mạnh các hoạt động đáp ứng và giám sát loại trừ sốt rét tại Việt Nam.

1.9. Bệnh viện tuyến Trung ương

Thực hiện tập huấn phác đồ cấp cứu, điều trị sốt rét hiện hành cho các cơ sở điều trị tuyến dưới; thu dung, điều trị bệnh nhân mắc sốt rét theo phân tuyến điều trị của Bộ Y tế. Báo cáo trường hợp bệnh và điều tra trường hợp bệnh có ký sinh trùng vào phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm.

2. Đơn vị y tế các Bộ, ngành

Có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc và hỗ trợ các đơn vị y tế trực thuộc thực hiện các hoạt động giám sát, phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét. Tổng hợp số liệu, báo cáo gửi các Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng 6 tháng 1 lần và theo yêu cầu khi cần thiết.

3. Địa phương

3.1. Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

– Cập nhật diễn biến, tình hình sốt rét và tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai Hướng dẫn này.

– Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, các đơn vị được giao nhiệm vụ phòng chống sốt rét, cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở hành nghề y dược tư nhân thực hiện giám sát, phòng chống sốt rét và thống kê, báo cáo theo quy định.

3.2. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm kiểm dịch y tế biên giới và các đơn vị được giao nhiệm vụ phòng chống bệnh sốt rét

Chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật và tập huấn cho cán bộ y tế huyện trong việc triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét. Triển khai giám sát tình hình sốt rét tại các thôn, xã trọng điểm, ổ dịch, ổ bệnh và thống kê, báo cáo tuyến trên theo quy định. Đầu mối tổ chức thực hiện báo cáo bệnh sốt rét trên phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm và lưu trữ báo cáo thuộc phạm vi tỉnh, thành phố.

3.3. Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện

Thực hiện thu dung, điều trị bệnh nhân mắc bệnh sốt rét và sốt rét nặng theo phân tuyến điều trị của Bộ Y tế. Tập huấn phác đồ cấp cứu, điều trị bệnh sốt rét cho các cơ sở điều trị tuyến dưới, bao gồm cả y tế tư nhân và thực hiện báo cáo theo quy định. Thực hiện báo cáo bệnh sốt rét trên phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm và lưu trữ báo cáo.

3.4. Trung tâm Y tế tuyến huyện

– Có kế hoạch và tổ chức triển khai hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét hàng năm của huyện theo hướng dẫn này.

– Thực hiện các hoạt động giám sát và phát hiện sớm và báo cáo các trường hợp bệnh theo quy định vào phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm.

– Tổ chức các hoạt động phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét, phát hiện, chẩn đoán và điều trị các trường hợp bệnh sốt rét.

– Tổ chức tuyên truyền vận động về phòng chống bệnh sốt rét cho cộng đồng.

– Thực hiện báo cáo bệnh sốt rét trên phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm và lưu trữ báo báo cáo.

3.5. Trạm Y tế tuyến xã

– Có kế hoạch và tổ chức triển khai hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét hàng năm của xã theo hướng dẫn này.

– Thực hiện các hoạt động giám sát và phát hiện sớm và báo cáo các trường hợp bệnh theo quy định vào phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm. Tổng hợp số liệu trường hợp bệnh từ các cơ sở y tế tư nhân và các tổ chức có tham gia hoạt động phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét trên địa bàn xã và báo cáo lên tuyến trên.

– Tổ chức các hoạt động phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét, phát hiện, chẩn đoán và điều trị các trường hợp bệnh sốt rét.

– Tổ chức tuyên truyền vận động về phòng chống bệnh sốt rét cho cộng đồng.

– Thực hiện báo cáo bệnh sốt rét trên phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo và lưu trữ báo báo cáo.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để giải quyết./.

Phụ lục

Phụ lục 1: Biểu mẫu giám sát và phòng chống bệnh sốt rét

Biểu mẫu 1: Báo cáo trường hợp bệnh và điều tra trường hợp bệnh sốt rét

Biểu mẫu 2: Báo cáo điều tra và đáp ứng ổ bệnh sốt rét

Biểu mẫu 3: Báo cáo tháng công tác phòng chống và loại trừ sốt rét tuyến xã Biểu mẫu 4: Báo cáo tháng công tác phòng chống và loại trừ sốt rét tuyến huyện Biểu mẫu 5: Báo cáo tháng công tác phòng chống và loại trừ sốt rét tuyến tỉnh

Phụ lục 2: Quy trình báo cáo trường hợp bệnh và điều tra trường hợp bệnh sốt rét

Phụ lục 3: Quy trình điều tra đáp ứng ổ bệnh sốt rét

Phụ lục 4: Quy trình xác định mật độ muỗi

Phụ lục 5: Quy trình phun, tẩm hoá chất diệt muỗi sốt rét

 

 

Phụ lục 1

BIỂU MẪU GIÁM SÁT VÀ PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT RÉT

(Kèm theo Quyết định số 4922/QĐ-BYT ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

 

Biểu mẫu 1- Báo cáo trường hợp bệnh và điều tra trường hợp bệnh sốt rét

BÁO CÁO TRƯỜNG HỢP BỆNH VÀ ĐIỀU TRA TRƯỜNG HỢP BỆNH SỐT RÉT

 

THÔNG TIN CHUNG

Mã bệnh nhân trong hệ thống: □□□□□□□□□□□□

[1] Họ và tên bệnh nhân: ………………………………………………………………

[2] Ngày sinh: ………/…… /…….. (Tuổi: )

[3] Giới tính: □ Nam □ Nữ (□ Đang mang thai)

[4] Nghề nghiệp: …………………………………………………………………………

[5] Dân tộc: ………………………….

[6] Số CMND/CCCD/Hộ chiếu: ……………………………………………………

[7] Số điện thoại: …………………………………………………………………………

[8] Địa chỉ nơi ở hiện nay:

Thôn/Bản/Ấp: …………. Xã/Phường: ………. Huyện: ……… Tỉnh: …………..

[9] Địa chỉ nơi làm việc/học tập:

Như trên;

Khác: Thôn/Bản/Ấp: …………. Xã/Phường: ………. Huyện: ……… Tỉnh: …………..

THÔNG TIN XÉT NGHIỆM VÀ CHẨN ĐOÁN

[10] Ngày khởi phát bệnh: ………/…… /20……..

[11] Triệu chứng khi khởi phát bệnh: □ Sốt □ Rét run □ Vã mồ hôi

□ Các dấu hiệu khác (nếu có):

…………………………………………………………………………………………………..

[12] Phương pháp phát hiện: □ Chủ động □ Thụ động

[13] Ngày khám bệnh/nhập viện: ………/…… /20……..

[14] Ngày xét nghiệm: Giờ ………/…… Ngày ………/…… /20……..

[15] Ngày trả lời kết quả : Giờ ………/…… Ngày ………/…… /20……..

[16] Cơ sở xét nghiệm:

Y tế thôn bản □ Trạm Y tế xã □ Bệnh viện □ Trung tâm Y tế huyện

Trung tâm KSBT □ Y tế tư nhân □ Quân y /Bộ ngành

[17] Phương pháp và kết quả xét nghiệm:

Soi lam: □ Âm tính □ P.f □ P.v. □ P.m □ P.o □ P.k □ Phối hợp

Giao bào: □ Có □ Không

Mật độ ký sinh trùng:…../µl

Xét nghiệm chẩn đoán nhanh: □ Âm tính □ P.f □ P.v □ Phối hợp

[18] Xét nghiệm G6PD : □ Có làm. □ Không làm

Kết quả định lượng: G6PD: ____________

Phân loại G6PD: □ Bình thường □ Bán thiếu □ Thiếu

[19] Phân loại chẩn đoán: Sốt rét thường □ sốt rét ác tính

THÔNG TIN ĐIỀU TRỊ

[20] Thời gian bắt đầu điều trị: ………/…… /20……..

[21] Thuốc sốt rét và liều lượng (số lượng, số lần/ngày, số ngày):

Thuốc

1: ………………………………………………………………………………………………

Thuốc 2:

………………………………………………………………………………………………….

Thuốc 3:

………………………………………………………………………………………………….

[22] Uống thuốc dưới sự giám sát của cán bộ y tế: □ Có □ Không

[23] Tình trạng hiện tại:

Điều trị ngoại trú. □ Điều trị nội trú □ Ra viện

Chuyển viện □ Tử vong □ Khác ………………

Ngày ra viện/chuyển viện/tử vong: ………/…… /20……..

TIỀN SỬ DỊCH TỄ

[24] Bệnh nhân đã từng mắc sốt rét trước đây?

Đã từng mắc □ Chưa từng mắc □ Không nhớ

Nếu đã từng mắc: Lần mắc gần nhất: tháng …../năm ……

[25] Trong vòng 14 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng, bệnh nhân đã đi những đâu?

Từ ngày ……/……/……. Tới ngày ……/……/……. Địa điểm (nhà, rẫy/nương, rừng, qua lại biên giới, nước khác): Thôn/Bản/Ấp: …Xã/Phường: … Huyện: .Tỉnh: ..

Trong nhà hoặc xung quanh nhà bệnh nhân có ai có các triệu chứng tương tự trong vòng 30 ngày qua không? □ Có □ Không

Người làm cùng bệnh nhân có ai có các triệu chứng tương tự trong vòng 30 ngày qua không? □ Có □ Không

[26] Phân loại trường hợp bệnh (THB):

THB nội địa □ THB thứ truyển

THB ngoại lai xã □ THB ngoại lai huyện □ THB ngoại lai tỉnh

THB ngoại lai nước khác □ THB tái phát xa

THÔNG TIN NGƯỜI BÁO CÁO

Họ và tên: ……………………………… Cơ sở y tế: …………………………..

Số điện thoại: ……………………………… Email: ……………………………

 

Người báo cáo

(ký và ghi rõ họ tên)

….. , ngày …. tháng …. năm 20…..

Lãnh đạo cơ sở y tế

(ký và đóng dấu)

 

 

 

 

Biểu mẫu 2 – Báo cáo điều tra và đáp ứng ổ bệnh sốt rét

BÁO CÁO ĐIỀU TRA VÀ ĐÁP ỨNG Ổ BỆNH SỐT RÉT

Thời gian điều tra: từ ngày…./…/…. đến ngày …/…/…

 

1. Thông tin chung về ổ bệnh:

(1) Thôn: ……………………………………………………………………………………..

(2) Xã: …………………………………………………………………………………………

(3) Huyện: ……………………………………………………………………………………

(4) Tỉnh: ………………………………………………………………………………………

(5) Dân số của thôn: ……………………………………………………………………..

(6) Số hộ trong thôn: …………………………………………………………………….

(8) Thuộc vùng sốt rét lưu hành: …………………………………………………….

(9) Tọa độ: ……………………………………………………………………………………

2. Tình hình trường hợp bệnh sốt rét tại ổ bệnh

(10) Số trường hợp bệnh sốt rét báo cáo trong 3 năm trước và năm hiện tại tại địa điểm có ổ bệnh

TT

Năm

20

20

20

Năm hiện tại

1

Tổng số KSTSR

 

 

 

 

 

P.f

 

 

 

 

 

P.v

 

 

 

 

 

P.m

 

 

 

 

 

P.o

 

 

 

 

 

Phối hợp

 

 

 

 

2

Phương pháp xét nghiệm

 

 

 

 

 

Chỉ xét nghiệm bằng chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả 2 phương pháp

 

 

 

 

3

Trường hợp bệnh nội địa

 

 

 

 

4

Trường hợp bệnh thứ truyền

 

 

 

 

5

Trường hợp bệnh ngoại lai ngoài nước

 

 

 

 

6

Trường hợp bệnh ngoại lai từ xã, huyện, tỉnh khác

 

 

 

 

7

Phân loại ổ bệnh

 

 

 

 

 

3. Các biện pháp phòng chống sốt rét đã áp dụng tại địa điểm có ổ bệnh lần gần đây nhất

(10) Lần phun hóa chất tồn lưu gần đây nhất:

Ngày …… tháng ……. năm ……………………………….

Dân số bảo vệ: ……………………………….……………..

Tỷ lệ bao phủ/dân số thôn (%): ………………………..

(11) Lần tẩm màn hóa chất gần đây nhất:

Ngày …… tháng ……. năm ……………………………….

Dân số bảo vệ: ……………………………….……………..

Tỷ lệ bao phủ/dân số thôn (%): ………………………..

(12) Lần cấp màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu gần đây nhất:

– Ngày …… tháng ……. năm ……………………………….

– Dân số bảo vệ: ……………………………….……………..

– Tỷ lệ bao phủ/dân số thôn (%): ………………………..

(13) Lần điều tra muỗi truyền bệnh sốt rét gần đây nhất:

Ngày …… tháng ……. năm ……………………………….

Kết quả (loài muỗi): ……………………………………….

4. Kết quả điều tra ổ bệnh

4.1. Phát hiện trường hợp bệnh

(14) Kết quả phát hiện trường hợp bệnh sốt rét tại ổ bệnh

TT

Chỉ số

Số lượng

%

Ghi chú

1

Tổng số người được điều tra

 

 

 

2

Tổng số người nghi ngờ sốt rét được xét nghiệm

 

 

 

3

Tổng số KSTSR

 

 

 

 

Pf

 

 

 

 

Pv

 

 

 

 

P.m

 

 

 

 

P.o

 

 

 

 

Phối hợp

 

 

 

4

Số trường hợp bệnh sốt rét ác tính

 

 

 

5

Số trường hợp bệnh tử vong do sốt rét

 

 

 

6

Phương pháp xét nghiệm

 

 

 

 

Chỉ xét nghiệm bằng chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả 2 phương pháp

 

 

 

7

Trường hợp bệnh nội địa

 

 

 

8

Trường hợp bệnh thứ truyền

 

 

 

9

Trường hợp bệnh ngoại lai ngoài nước

 

 

 

10

Trường hợp bệnh ngoại lai từ xã, huyện, tỉnh khác

 

 

 

11

Phân loại ổ bệnh

 

 

 

 

(15) Phân loại trường hợp bệnh tại ổ bệnh theo loài KSTSR

TT

Chỉ số

P.f

P.v

P.m

P.o

P.k

Phối hợp

1

Giới

 

 

 

 

 

 

 

Nam

 

 

 

 

 

 

 

Nữ

 

 

 

 

 

 

2

Tuổi

 

 

 

 

 

 

 

<5

 

 

 

 

 

 

 

5 – 15

 

 

 

 

 

 

 

>15

 

 

 

 

 

 

3

Phương pháp xét nghiệm

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ xét nghiệm chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả 2 phương pháp

 

 

 

 

 

 

4

Phân loại trường hợp bệnh

 

 

 

 

 

 

 

Nội địa

 

 

 

 

 

 

 

Thứ truyền

 

 

 

 

 

 

 

Ngoại lai trong nước

 

 

 

 

 

 

 

Ngoại lai ngoài nước

 

 

 

 

 

 

 

(16) Phân loại trường hợp bệnh tại ổ bệnh theo nghề nghiệp

TT

Nghề nghiệp

Số lượng

%

1

Người đi rừng

 

 

2

Làm thuê theo mùa vụ

 

 

3

Làm rẫy

 

 

4

Công nhân xây dựng

 

 

5

Bộ đội biên phòng

 

 

6

Kiểm lâm

 

 

7

Khác

 

 

Cộng

 

 

 

4.2. Điều tra muỗi truyền bệnh

(17) Có điều tra muỗi truyền bệnh không?

□  Có □ Không.

Nếu không, chuyn sang mục 5: Đáp ứng ổ bệnh.

(18) Bảng kết quả điều tra muỗi truyền bệnh Kết quả điu tra tại thôn/bản/ấp:

TT

Loài

Mồi người trong nhà

Mồi người ngoài nhà

Soi chuồng gia súc

Bẫy đèn trong nhà

Soi trong nhà ngày

Con/người/đêm

Con/người/đêm

Con/giờ/người

Con/đèn/đêm

Con/nhà

Số lượng

Mật độ

Số lượng

Mật độ

Số lượng

Mật độ

Số lượng

Mật độ

Số lượng

Mật độ

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Kết quả điều tra tại rẫy:

TT

Loài

Mồi người trong nhà rẫy

Mồi người ngoài nhà rẫy

Bẫy đèn trong nhà rẫy

Con/người/đêm

Con/người/đêm

Con/đèn/đêm

Số lượng

Mật độ

Số lượng

Mật độ

Số lượng

Mật độ

1

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

Kết quả điều tra tại rừng:

TT

Loài

Mồi người trong rừng

Bẫy đèn trong rừng

Con/người/đêm

Con/đèn/đêm

Số lượng

Mật độ

Số lượng

Mật độ

1

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

(19) Kết quả điều tra thực hành phòng chống mui truyền bệnh sốt rét:

Số hộ điều tra: …………………; Tổng số người trong hộ được điều tra: ……………….

Tỷ lệ % hộ gia đình có đủ màn tẩm (tẩm hóa chất tồn lưu lâu hoặc tẩm hóa chất hàng năm: 1,8 người/1 màn đôi): ……………………..

– Tỷ lệ % người ngủ màn đêm hôm trước điều tra: ……………………….

5. Đáp ứng ổ bệnh

5.1. Điều trị

(20) Số trường hợp bệnh được điều trị: …….;

(21) Số trường hợp bệnh được chuyển lên tuyến trên: …………….

(22) Số trường hợp bệnh sốt rét ác tính: ………………..

(23) Số trường hợp bệnh tử vong do sốt rét: …………………….

(24) Số trường hợp bệnh được giám sát điều trị trực tiếp (DOT):…, tỷ lệ:….%

(25) Số trường hợp bệnh đang điều trị được lấy lam theo dõi hàng ngày: ……, tỷ lệ:….%

5.2. Các biện pháp can thiệp phòng chống muỗi truyền sốt rét

(26) Số hộ được phun hóa chất tồn lưu: ………;

Dân số được bảo vệ bằng phun hóa chất tồn lưu:…………;

Tỷ lệ bao phủ/ dân số thôn (%)…..

(27) Số màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu được cấp: ….;

Dân số được bảo vệ bằng màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu: ….;

Tỷ lệ bao phủ/ dân số thôn (%):….

(28) Số màn được tẩm hóa chất: ……;

Dân số được bảo vệ bằng màn tẩm hóa chất;….

Tỷ lệ bao phủ/ dân số của thôn (%):…

(29) Số võng bọc màn tẩm hóa chất được cấp:..;

Tỷ lệ bao phủ/ dân ngủ ở rừng, rẫy (%):…

Số lượng kem xua phát: ……….

5.3. Truyền thông phòng chống sốt rét

Truyền thông trực tiếp: Số lần: …..; số lượt người được truyền thông: …..

Số tờ rơi, áp phích được phát: …..;

Số lần truyền thông qua loa phát thanh: ….; số người được truyền thông:…..

5.4. Các đáp ứng khác (nếu có): …………………………………………………

………………………………………………………………………………………………….

6. Kết luận của người điều tra (Dịch tễ, côn trùng, ký sinh trùng, đáp ứng): ………………………………………………………………………………………………….

Cập nhật tình trạng ổ bệnh …………………………………………………………..

7. Đề nghị: …………………………………………………………………………………

………………………………………………………………………………………………….

 

Người báo cáo

(ký và ghi rõ họ tên)

Lãnh đạo đơn vị

(ký và ghi rõ họ tên)

 

 

 

 

Biểu mẫu 3 – Báo cáo tháng công tác phòng chống và loại trừ sốt rét tuyến xã

BÁO CÁO THÁNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG VÀ LOẠI TRỪ SỐT RÉT TUYẾN XÃ

 

TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN…..

TRẠM Y TẾ…………………………..

___________

Số: …………/………..-BCSR

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

_________________________

 

 

 

BÁO CÁO THÁNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG & LOẠI TRỪ SỐT RÉT

Tháng ……..Năm 20……….. BCX

 

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Xã thuộc phân vùng sốt rét lưu hành (1,2,3,4,5): ……..

Số thôn: ………

Tổng số hộ: …Số dân: ….Số ổ bệnh: …. Số ký sinh trùng của các ổ bệnh: …

Số dân đi vào vùng sốt rét lưu hành: ….Tổng số dân nguy cơ sốt rét: …..

Điểm kính hiển vi: Có □ Không □

Điểm kính hiển vi hoạt động: Có □ Không □

II. TRƯỜNG HỢP BỆNH SỐT RÉT VÀ ĐIỀU TRỊ

Số TT

Chỉ số

Số lượng

Cơ sở phát hiện

Y tế thôn

Y tế xã

Y tế tư nhân

1

Tổng số người nghi ngờ sốt rét

 

 

 

 

2

Tổng số người nghi ngờ sốt rét được xét nghiệm

 

 

 

 

3

Tổng số trường hợp bệnh sốt rét

 

 

 

 

 

Trong đó: + P.faciparum

 

 

 

 

 

+ P.vivax

 

 

 

 

 

+ Phối hợp có P.faciparum

 

 

 

 

 

+ P.ovale

 

 

 

 

 

+ P.malariae

 

 

 

 

 

+ Trẻ dưới 5 tuổi

 

 

 

 

 

+ Trẻ từ 5-15 tuổi

 

 

 

 

 

+ Phụ nữ có thai

 

 

 

 

3.1

Số trường hợp bệnh sốt rét thường

 

 

 

 

3.2

Số trường hợp bệnh sốt rét ác tính

 

 

 

 

 

Trong đó: + Trẻ dưới 5 tuổi

 

 

 

 

 

+ Trẻ từ 5-15 tuổi

 

 

 

 

 

+ Phụ nữ có thai

 

 

 

 

4

Số bệnh nhân chết do sốt rét

 

 

 

 

5

Tổng số liều thuốc đã sử dụng

 

 

 

 

 

Trong đó: + Điều trị bệnh nhân sốt rét

 

 

 

 

 

+ Cấp để tự điều trị

 

 

 

 

 

Cho dân đi rừng, ngủ rẫy

 

 

 

 

 

Cho dân đi vào vùng sốt rét lưu hành

 

 

 

 

 

+ Điều trị mở rộng (dịch)

 

 

 

 

 

III. KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM

3.1 Xét nghiệm KSTSR

Tuyến

Phương pháp xét nghiệm

Số lượng

Số trường hợp bệnh

KST nội địa

Tổng số

Trẻ em < 5 tuổi

Tổng số

P.f

P.v

P.m

P.o

P.k

PH

Thôn

Chỉ xét nghiệm chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả 2 phương pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ xét nghiệm chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả 2 phương pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Y tế tư nhân

Chỉ xét nghiệm chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả 2 phương pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

Chỉ xét nghiệm chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả 2 phương pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng chung

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3.2. Xét nghiệm G6PD đối với trường hợp bệnh sốt rét do P.vivax

Xét nghiệm G6PD

Số trường hợp bệnh được xét nghiệm

Kết quả

Bình thường

Bán thiếu

Thiếu

Định lượng

 

 

 

 

 

IV. PHÂN BỐ TRƯỜNG HỢP BỆNH SỐT RÉT THEO THÔN

T T

Tên thôn

Số trường hợp bệnh

Ổ bệnh

Tổng số

P.f

P.v

P.m

P.o

P.k

PH

Ổ bệnh hoạt động

Ổ bệnh tiềm tàng

Ổ bệnh đã được kiểm soát

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

V. TUYÊN TRUYỀN

Hình thức

Số lần/số lượng

Số người dự

Đơn vị thực hiện

1. Phát thanh

 

 

 

2. Tuyên truyền theo nhóm

 

 

 

3. Thăm hộ gia đình

 

 

 

4. Hình thức khác (ghi rõ: )

 

 

 

 

VI. TÌNH HÌNH THUỐC, HÓA CHẤT VÀ VẬT TƯ

TT

Tên

Đơn vị

Tồn tháng trước

Nhập trong tháng

Đã dùng

Điều chuyển

Tồn cuối tháng

Hạn dùng

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5=1+2-3-4)

1

Artesunat 60mg

Ống

 

 

 

 

 

 

 

2

CV-Artecan

Viên

 

 

 

 

 

 

 

3

Arterakin

Viên

 

 

 

 

 

 

 

4

Pyramax

Viên

 

 

 

 

 

 

 

5

Chloroquin 250mg

Viên

 

 

 

 

 

 

 

6

Quinin Clo 500mg

Ống

 

 

 

 

 

 

 

7

Quinin Sf 250mg

Viên

 

 

 

 

 

 

 

8

Primaquin 13,2mg

Viên

 

 

 

 

 

 

 

9

Tét chẩn đoán nhanh

Bộ

 

 

 

 

 

 

 

10

Kim chích

Cái

 

 

 

 

 

 

 

11

Lam kính

Cái

 

 

 

 

 

 

 

12

Dầu soi

ml

 

 

 

 

 

 

 

13

Giemsa

ml

 

 

 

 

 

 

 

14

Vật liệu truyền thông

Bộ

 

 

 

 

 

 

 

15

Khác

 

 

 

 

 

 

 

 

 

VII. NHẬN XÉT VÀ ĐỀ NGHỊ:

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………………………

 

Người lập biểu

Ngày …. tháng ….. năm 20…

Trưởng trạm y tế

 

 

 

 

Biểu mẫu 4 – báo cáo tháng công tác phòng chống và loại trừ sốt rét tuyến huyện

BÁO CÁO THÁNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG VÀ LOẠI TRỪ SỐT RÉT TUYẾN HUYỆN

 

SỞ Y TẾ TỈNH …

TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN .

___________

Số: …………/………..-BCSR

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

_________________________

 

 

 

BÁO CÁO THÁNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG & LOẠI TRỪ SỐT RÉT

Tháng ….. Năm 20….. BCH

 

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Tổng số xã: …Tổng số thôn: ….Tổng số hộ: ….Tổng số dân: …..

Tổng số dân nguy cơ sốt rét: ………………

Số xã vùng không có SRLH: ……………………………… Dân số: …………….

Số xã vùng SR quay trở lại: ……………………………… Dân số: ………………

Số xã vùng SRLH nhẹ: ……………………………… Dân số: ……………..

Số xã SRLH vừa: ……………………………… Dân số: ……………..

Số xã SRLH nặng: ……………………………… Dân số: ……………..

Số ổ bệnh: ……… Số KSTSR của các ổ bệnh: ……………………………………

Tổng số cơ sở y tế: …….. Số cơ sở có báo cáo: ………… Số cơ sở báo cáo hoàn chỉnh: ………………

Tổng số điểm kính hiển vi: ……. Số điểm kính hiển vi hoạt động: ………..

II. TRƯỜNG HỢP BỆNH SỐT RÉT VÀ ĐIỀU TRỊ

TT

Chỉ số

Số lượng

Cơ sở phát hiện

Y tế thôn

Y tế xã

Trung tâm y tế

Bệnh viện/ phòng khám

Y tế tư nhân

Nội trú

Ngoại trú

1

Tổng số người nghi ngờ sốt rét

 

 

 

 

 

 

 

2

Tổng số người nghi ngờ sốt rét được XN

 

 

 

 

 

 

 

3

Tổng số trường hợp bệnh sốt rét

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó: + P.faciparum

 

 

 

 

 

 

 

 

+ P.vivax

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Phối hợp có P.faciparum

 

 

 

 

 

 

 

 

+ P.ovale

 

 

 

 

 

 

 

 

+ P.malariae

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Trẻ dưới 5 tuổi

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Trẻ từ 5-15 tuổi

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Phụ nữ có thai

 

 

 

 

 

 

 

3.1

Số trường hợp bệnh sốt rét thường

 

 

 

 

 

 

 

3.2

Số trường hợp bệnh sốt rét ác tính

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó: + Trẻ dưới 5 tuổi

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Trẻ từ 5-15 tuổi

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Phụ nữ có thai

 

 

 

 

 

 

 

4

Số bệnh nhân chết do sốt rét

 

 

 

 

 

 

 

5

Tổng số liều thuốc đã sử dụng

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó: – Điều trị bệnh nhân sốt rét

 

 

 

 

 

 

 

 

– Cấp để tự điều trị

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Cho dân ngủ rừng, ngủ rẫy

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Cho dân đi vào vùng sốt rét lưu hành

 

 

 

 

 

 

 

 

– Điều trị mở rộng (dịch)

 

 

 

 

 

 

 

 

III. KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM

3.1 Xét nghiệm KSTSR

Tuyến

Phương pháp xét nghiệm

Số lượng

Số trường hợp bệnh

KST nội địa

Tổng số

Trẻ em dưới 5 tuổi

Tổng số

P-f

P.v

P.m

P.o

P.k

PH

Thôn

Chỉ xét nghiệm chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả 2 phương pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ xét nghiệm chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả 2 phương pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bệnh viện, Phòng khám

Chỉ xét nghiệm chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả 2 phương pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TTYT huyện, Điều tra dịch tễ

Chỉ xét nghiệm chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả 2 phương pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Y tế tư nhân

Chỉ xét nghiệm chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả 2 phương pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

Chỉ xét nghiệm chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả 2 phương pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3.2. Xét nghiệm G6PD đối với trường hợp bệnh sốt rét do P.vivax

Xét nghiệm G6PD

Số trường hợp bệnh

Kết quả

Bình thường

Bán thiếu

Thiếu

Định lượng

 

 

 

 

 

IV. PHÂN BỐ TRƯỜNG HỢP BỆNH SỐT RÉT THEO XÃ

TT

Tên xã

Số trường hợp bệnh

Số ổ bệnh

Tổng số

P.f

P.v

P.m

P.o

P.k

PH

Số ổ bệnh hoạt động

Số ổ bệnh tiềm tàng

Số ổ bệnh đã được kiểm soát

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

V. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG MUỖI TRUYỀN BỆNH

TT

Tên xã

Dân số nguy cơ

Xã được phun hóa chất

Xã được tẩm màn

Xã được phối hợp cả phun và tẩm

Màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu

Tổng dân số được bảo vệ

Số thôn, bản được phun

Số hộ

Dân số được bảo vệ

Số thôn được tẩm

Số màn (quy màn đôi)

Dân số được bảo vệ

Số thôn bản được cả phun và tẩm

Số màn (quy màn đôi)

Dân số được bảo vệ

Màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu được cấp trong vòng 3 năm

Dân số được bảo vệ chỉ bằng màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu

 

 

(1)

 

 

(2)

 

 

(3)

 

(4)

(5=1+2+3+4)

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Dân số bảo vệ chung của huyện theo kế hoạch cả năm: ……………….. Đã thực hiện: ………, Đạt: ……..%

Trong đó: – Phun tồn lưu theo kế hoạch: ……………………………………. Đã thực hiện: ………, Đạt: ……..%

– Tẩm màn theo kế hoạch: ……………………………………………………….. Đã thực hiện: ………, Đạt: ……..%

– Phát màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu: ………………………………………… Đã thực hiện: ………, Đạt: ……..%

VI. TUYÊN TRUYỀN

TT

Hình thức

Số lần/số lượng

Số người dự

Đơn vị thực hiện

1

Phát thanh

 

 

 

2

Tuyên truyền theo nhóm

 

 

 

3

Thăm hộ gia đình

 

 

 

4

Hình thức khác (ghi rõ: )

 

 

 

 

VII. GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG SỐT RÉT

TT

Mục

Số lần giám sát

Số điểm giám sát

1

Giám sát dịch tễ, ổ bệnh

 

 

2

Giám sát phòng chống véc tơ

 

 

3

Giám sát điều trị và sử dụng thuốc

 

 

4

Giám sát kinh phí, vật tư

 

 

 

VIII. BÁO CÁO Ổ BỆNH VÀ BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT

TT

Tên xã

Số ổ bệnh được phát hiện trong tháng

Số ổ bệnh được can thiệp trong tháng

Số ổ bệnh được can thiệp trong vòng 7 ngày

1

 

 

 

 

2

 

 

 

 

3

 

 

 

 

4

 

 

 

 

Cộng

 

 

 

 

IX. ĐÀO TẠO VÀ XÂY DỰNG MÀNG LƯỚI

TT

Đối tượng

Số người hiện có

Số người được đào tạo

Nội dung đào tạo

1

Y tế thôn (bản)

 

 

 

2

Y tế xã

 

 

 

3

Xét nghiệm viên điểm kính hiển vi

 

 

 

4

Y dược tư nhân

 

 

 

5

Y tế huyện

 

 

 

6

Đối tượng khác

 

 

 

 

X. TÌNH HÌNH THUỐC, HÓA CHẤT VÀ VẬT TƯ

TT

Tên

Đơn vị

Tồn tháng trước

Nhập trong tháng

Đã dùng

Điều chuyển

Tồn cuối tháng

Hạn dùng

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5=1+2-3-4)

 

 

1

Artesunat 60mg

Ống

 

 

 

 

 

 

 

2

CV-Artecan

Viên

 

 

 

 

 

 

 

3

Arterakin

Viên

 

 

 

 

 

 

 

4

Pyramax

Viên

 

 

 

 

 

 

 

5

Chloroquin 250mg

Viên

 

 

 

 

 

 

 

6

Quinin Clo 500mg

Ống

 

 

 

 

 

 

 

7

Quinin Sf 250mg

Viên

 

 

 

 

 

 

 

8

Primaquin 13,2mg

Viên

 

 

 

 

 

 

 

9

Tét chẩn đoán nhanh

Bộ

 

 

 

 

 

 

 

10

Kim chích

Cái

 

 

 

 

 

 

 

11

Lam kính

Cái

 

 

 

 

 

 

 

12

Dầu soi

ml

 

 

 

 

 

 

 

13

Giemsa

ml

 

 

 

 

 

 

 

14

Fendona 10 SC

Lít

 

 

 

 

 

 

 

15

ICON 10WP

Kg

 

 

 

 

 

 

 

16

ICON 2,5 CS

Lít

 

 

 

 

 

 

 

17

Bình bơm

Cái

 

 

 

 

 

 

 

18

Vật liệu truyền thông

Bộ

 

 

 

 

 

 

 

19

Khác

 

 

 

 

 

 

 

 

 

XI. NHẬN XÉT VÀ ĐỀ NGHỊ:

1. Phân tích tình hình sốt rét:

……………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………..

2. Đánh giá các hoạt động phòng chống sốt rét:

……………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………..

3. Đề nghị:

……………………………………………………………………………………………………..

……………………………………………………………………………………………………..

 

Người lập biểu

Ngày …. tháng ….. năm 20…

Trưởng trạm y tế

 

 

 

Biểu mẫu 5 – Báo cáo tháng công tác phòng chống và loại trừ sốt rét tuyến tỉnh

BÁO CÁO THÁNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG VÀ LOẠI TRỪ SỐT RÉT TUYẾN TỈNH

 

SỞ Y TẾ TỈNH …

TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT

___________

Số: …………/………..-BCSR

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

_________________________

 

 

 

BÁO CÁO THÁNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG & LOẠI TRỪ SỐT RÉT

Tháng ….. Năm 20……. BCT

 

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Tổng số huyện: … Tổng số xã: … Tổng số thôn: … Tổng số hộ: … Tổng số dân: …

Tổng số dân nguy cơ sốt rét: …………………………………………..

Số xã vùng không có SRLH: ………………………….. Dân số: ……………….

Số xã vùng SR quay trở lại: ………………………….. Dân số: ………………

Số xã vùng SRLH nhẹ: ……………………………….. Dân số: ………………

Số xã SRLH vừa: ………………………………………. Dân số: ………………

Số xã SRLH nặng: ……………………………………. Dân số: ………………

Số ổ bệnh: …………… Số KSTSR của các ổ bệnh: ……………………

Tổng số cơ sở y tế: ……. Số cơ sở có báo cáo: ………. Số cơ sở báo cáo hoàn chỉnh: ……………

Tổng số điểm kính hiển vi: ……….. Số điểm kính hiển vi hoạt động: …………..

II. TRƯỜNG HỢP BỆNH SỐT RÉT VÀ ĐIỀU TRỊ

TT

Chỉ số

Số lượng

Cơ sở phát hiện

Y tế thôn

Y tế xã

Trung tâm y tế huyện/ Trung tâm KSBT/ YTDP

Bệnh viện/ phòng khám

Y tế tư nhân

Nội trú

Ngoại trú

1

Tổng số người nghi ngờ sốt rét

 

 

 

 

 

 

 

2

Tổng số người nghi ngờ sốt rét được XN ‘

 

 

 

 

 

 

 

3

Tổng số trường hợp bệnh sốt rét

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó: + P.faciparum

 

 

 

 

 

 

 

 

+ P.vivax

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Phối hợp có P.faciparum

 

 

 

 

 

 

 

 

+ P.ovale

 

 

 

 

 

 

 

 

+ P.malariae

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Trẻ dưới 5 tuổi

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Trẻ từ 5-15 tuổi

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Phụ nữ có thai

 

 

 

 

 

 

 

3.1

Số trường hợp bệnh sốt rét thường

 

 

 

 

 

 

 

3.2

Số trường hợp bệnh sốt rét ác tính

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó: + Trẻ dưới 5 tuổi

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Trẻ từ 5-15 tuổi

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Phụ nữ có thai

 

 

 

 

 

 

 

4

Số bệnh nhân chết do sốt rét

 

 

 

 

 

 

 

5

Tổng số liều thuốc đã sử dụng

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong đó: – Điều trị bệnh nhân sốt rét

 

 

 

 

 

 

 

 

– Cấp để tự điều trị

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Cho dân ngủ rừng, ngủ rẫy

 

 

 

 

 

 

 

 

+ Cho dân đi vào vùng sốt rét lưu hành

 

 

 

 

 

 

 

 

– Điều trị mở rộng (dịch)

 

 

 

 

 

 

 

 

III. KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM

3.1 Xét nghiệm KSTSR

Tuyến

Phương pháp xét nghiệm

Số lượng

Số trường hợp bệnh

KST nội địa

Tổng số

Trẻ em dưới 5 tuổi

Tổng số

P.f

P.v

P.m

P.o

P.k

PH

Thôn

Chỉ xét nghiệm chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả 2 phương pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ xét nghiệm chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả 2 phương pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bệnh viện, Phòng khám huyện và tỉnh

Chỉ xét nghiệm chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả

2 phương pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TTYT huyện, Trung tâm KSBT tỉnh, YTDP, Điều tra dịch tễ

Chỉ xét nghiệm chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả

2 phương pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Y tế tư nhân

Chỉ xét nghiệm chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả

2 phương pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

Chỉ xét nghiệm chẩn đoán nhanh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chỉ soi lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xét nghiệm bằng cả 2 phương pháp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3.2. Xét nghiệm G6PD đối với trường hợp bệnh sốt rét do P.vivax

Xét nghiệm G6PD

Số trường hợp bệnh

Kết quả

Bình thường

Bán thiếu

Thiếu

Định lượng

 

 

 

 

 

IV. PHÂN BỐ TRƯỜNG HỢP BỆNH SỐT RÉT THEO HUYỆN

TT

Tên huyện

Số trường hợp bệnh

Số ổ bệnh

Tổng số

Pf

P.v

P.m

P.o

P.k

PH

Số ổ bệnh hoạt động

Số ổ bệnh tiềm tàng

Số ổ bệnh đã được xử lý

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

9

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

V. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG MUỖI TRUYỀN BỆNH

TT

Tên huyện

Dân

số nguy cơ

Phun hóa chất

Tẩm màn

Phối hợp cả phun và tẩm

Màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu

Tổng dân số được bảo vệ

Số thôn, bản được phun

Số hộ

Dân số được bảo vệ

Số thôn được tẩm

Số màn (quy màn đôi)

Dân số được bảo vệ

Số thôn bản được cả phun và tẩm

Số màn (quy màn đôi

Dân số được bảo vệ

Màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu được cấp trong vòng 3 năm

Dân số được bảo vệ chỉ bằng màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu

 

 

(1)

 

 

(2)

 

 

(3)

 

(4)

(5=1+2+3+4)

1

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

8

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Cộng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Dân số bảo vệ chung của tỉnh theo kế hoạch cả năm: ………………… Đã thực hiện: ……………., Đạt: ………….%

Trong đó: – Phun tồn lưu theo kế hoạch: .…………………………………. Đã thực hiện: ……………., Đạt: ………….%

– Tẩm màn theo kế hoạch: .…………………………………………………….. Đã thực hiện: ……………., Đạt: ………….%

– Phát màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu: ……………………………………….. Đã thực hiện: ……………., Đạt: ………….%

VI. TUYÊN TRUYỀN

TT

Hình thức

Số lần/số lượng

Số người dự

Đơn vị thực hiện

1

Phát thanh

 

 

 

2

Tuyên truyền theo nhóm

 

 

 

3

Thăm hộ gia đình

 

 

 

4

Hình thức khác (ghi rõ: )

 

 

 

 

VII. GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG SỐT RÉT

TT

Mục

Số lần giám sát

Số điểm giám sát

1

Giám sát dịch tễ, ổ bệnh

 

 

2

Giám sát phòng chống véc tơ

 

 

3

Giám sát điều trị và sử dụng thuốc

 

 

4

Giám sát kinh phí, vật tư

 

 

 

VIII. BÁO CÁO Ổ BỆNH VÀ BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT

TT

Tên huyện

Số ổ bệnh được phát hiện trong tháng

Số ổ bệnh được can thiệp trong tháng

Số ổ bệnh được can thiệp trong vòng 7 ngày

1

 

 

 

 

2

 

 

 

 

3

 

 

 

 

4

 

 

 

 

Cộng

 

 

 

 

IX. ĐÀO TẠO VÀ XÂY DỰNG MÀNG LƯỚI

TT

Đối tượng

Số người hiện có

Số người được đào tạo

Nội dung đào tạo

1

Y tế thôn (bản)

 

 

 

2

Y tế xã

 

 

 

3

Xét nghiệm viên điểm kính hiển vi

 

 

 

4

Y dược tư nhân

 

 

 

5

Y tế huyện

 

 

 

6

Đối tượng khác

 

 

 

 

X. TÌNH HÌNH THUỐC, HÓA CHẤT VÀ VẬT TƯ

TT

Tên

Đơn vị

Tồn tháng trước

Nhập trong tháng

Đã dùng

Điều chuyển

Tồn cuối tháng

Hạn dùng

Ghi chú

(1)

(2)

(3)

(4)

(5=1+2-3-4)

1

Artesunat 60mg

Ống

 

 

 

 

 

 

 

2

CV-Artecan

Viên

 

 

 

 

 

 

 

3

Arterakin

Viên

 

 

 

 

 

 

 

4

Pyramax

Viên

 

 

 

 

 

 

 

5

Chloroquin 250mg

Viên

 

 

 

 

 

 

 

6

Quinin Clo 500mg

Ống

 

 

 

 

 

 

 

7

Quinin Sf 250mg

Viên

 

 

 

 

 

 

 

8

Primaquin 13,2mg

Viên

 

 

 

 

 

 

 

9

Tét chẩn đoán nhanh

Bộ

 

 

 

 

 

 

 

10

Kim chích

Cái

 

 

 

 

 

 

 

11

Lam kính

Cái

 

 

 

 

 

 

 

12

Dầu soi

ml

 

 

 

 

 

 

 

13

Giemsa

ml

 

 

 

 

 

 

 

14

Fendona 10 SC

Lít

 

 

 

 

 

 

 

15

ICON 10WP

Kg

 

 

 

 

 

 

 

16

ICON 2,5 CS

Lít

 

 

 

 

 

 

 

17

Bình bơm

Cái

 

 

 

 

 

 

 

18

Vật liệu truyền thông

Bộ

 

 

 

 

 

 

 

19

Khác

 

 

 

 

 

 

 

 

 

XI. NHẬN XÉT VÀ ĐỀ NGHỊ:

 

1. Phân tích tình hình sốt rét:

…………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………….

2. Đánh giá các hoạt động phòng chống sốt rét:

…………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………….

3. Đề nghị:

…………………………………………………………………………………………………….

…………………………………………………………………………………………………….

 

Người lập biểu

Ngày …. tháng ….. năm 20…

Trưởng trạm y tế

 

 

 

 

Phụ lục 2

QUY TRÌNH BÁO CÁO TRƯỜNG HỢP BỆNH VÀ ĐIỀU TRA TRƯỜNG HỢP BỆNH SỐT RÉT

(Kèm theo Quyết định số 4922/QĐ-BYT ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

_______________

 

1. Mục đích

Quy trình này hướng dẫn cách thực hiện báo cáo trường hợp bệnh và điều tra trường hợp bệnh sốt rét nhằm xác minh, phân loại ký sinh trùng sốt rét nội địa hay ngoại lai, tìm hiểu yếu tố nguy cơ, xác định nơi lan truyền, giám sát, đưa ra các quyết định phòng chống và điều trị bệnh.

2. Nguyên lý

Dựa vào “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét” để các tuyến chủ động thực hiện báo cáo trường hợp bệnh và điều tra trường hợp bệnh sốt rét theo mẫu phiếu quy định.

Thời gian: Thực hiện báo cáo trường hợp bệnh và điều tra trường hợp bệnh sốt rét trong vòng 2 ngày kể từ khi kể từ khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh sốt rét đầu tiên.

3. Các bước tiến hành

Bước 1: Chuẩn bị

Thu thập thông tin về trường hợp bệnh sốt rét từ đơn vị báo cáo;

Thu thập thông tin về trường hợp bệnh sốt rét từ đơn vị phát hiện trường hợp bệnh;

Chuẩn bị biểu mẫu theo “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét”;

Thông báo cho các đơn vị liên quan để phối hợp thực hiện;

Liên hệ bệnh nhân, hẹn gặp phỏng vấn.

Bước 2: Thực hiện báo cáo trường hợp bệnh và điều tra trường hợp bệnh sốt rét

Điều tra viên phải đi đến trực tiếp hoặc phối hợp với người dẫn đường đến nơi ở của trường hợp bệnh sốt rét;

Phỏng vấn trường hợp bệnh sốt rét theo biểu mẫu tại “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét”;

Định vị vị trí nơi ở hiện tại của trường hợp bệnh sốt rét bằng các dụng cụ đo GPS;

Phân loại trường hợp bệnh.

Bước 3: Tổng hợp báo cáo

Cập nhật vào sổ quản lý trường hợp bệnh sốt rét;

Cập nhật thông tin vào phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm.

4. Xử lý tính toán kết quả

Số liệu được nhập và lưu theo hồ sơ quản lý tại trạm y tế xã;

Số liệu được nhập và phân tích trên phần mềm thống kê báo cáo bệnh sốt rét và lưu kết quả trên máy tính tại trạm y tế xã.

 

 

Phụ lục 3

QUY TRÌNH ĐIỀU TRA VÀ ĐÁP ỨNG Ổ BỆNH SỐT RÉT

(Kèm hành theo quyết định số 4922/QĐ-BYT ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

_____________

 

1. Mục đích

Quy trình này hướng dẫn thực hiện điều tra và đáp ứng ổ bệnh sốt rét đảm bảo tính nhất quán về mặt chuyên môn kỹ thuật và sự phối hợp giữa các tuyến trong chuẩn bị, điều tra, phân tích kết quả, kết luận và triển khai các can thiệp đáp ứng ổ bệnh.

2. Nguyên lý

Dựa vào “Hướng dẫn giám sát phòng chống bệnh sốt rét”, để các tuyến chủ động xây dựng kế hoạch và điều tra trường hợp bệnh sốt rét theo mẫu phiếu quy định.

Ngăn chặn lan truyền sốt rét bằng các biện pháp:

+ Phát hiện, điều trị triệt để các trường hợp mắc sốt rét;

+ Phòng chống véc tơ theo “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét”.

Thời gian: Thực hiện điều tra và đáp ứng ổ bệnh trong vòng 7 ngày kể từ khi phát hiện trường hợp bệnh sốt rét lây truyền tại chỗ đầu tiên.

3. Các bước tiến hành

Bước 1: Xác định địa điểm điều tra ổ bệnh

Xác định địa điểm điều tra ổ bệnh sốt rét dựa vào báo cáo trường hợp bệnh sốt rét lây truyền tại chỗ.

Thời gian: Ngày 1 và ngày 2 kể từ khi xác định trường hợp bệnh sốt rét lây truyền tại chỗ.

Bước 2: Chuẩn bị cho điều tra ổ bệnh

Nội dung chuẩn bị:

+ Lập kế hoạch điều tra;

+ Dự trù nhân lực, thuốc sốt rét và vật tư tiêu hao;

+ Dự toán kinh phí chi tiết cho điểm điều tra;

+ Thành lập đội điều tra.

Thời gian: Ngày 1 đến ngày 3 kể từ khi xác định trường hợp bệnh sốt rét lây truyền tại chỗ.

Bước 3: Tiến hành điều tra ổ bệnh

Phạm vi điều tra: Khoảng 30 hộ gia đình xung quanh hộ có trường hợp bệnh sốt rét, tùy theo địa bàn cụ thể, đội điều tra sẽ quyết định phạm vi điều tra cho phù hợp.

Nội dung điều tra:

+ Phỏng vấn chủ hộ gia đình theo bộ câu hỏi.

+ Xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét: Áp dụng cho tất cả các thành viên trong hộ có trường hợp bệnh sốt rét và các thành viên thuộc các hộ lân cận.

o Xét nghiệm chẩn đoán nhanh để chẩn đoán sốt rét;

o Soi lam máu xét nghiệm kính hiển vi.

+ Điều tra côn trùng theo các quy trình tại “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét”:

o Quy trình kỹ thuật thu thập muỗi Anopheles bằng phương pháp bẫy màn kép sử dụng mồi người;

o Quy trình kỹ thuật thu thập muỗi Anopheles bằng phương pháp soi chuồng gia súc ban đêm;

o Quy trình kỹ thuật thu thập muỗi Anopheles bằng bẫy đèn;

o Quy trình kỹ thuật thu thập muỗi Anopheles bằng phương pháp soi muỗi trú đậu trong nhà ban ngày.

Thời gian điều tra ổ bệnh: Ngày 1 đến ngày 5 kể từ khi xác định trường hợp bệnh sốt rét lây truyền tại chỗ.

Bước 4: Tiến hành đáp ứng ổ bệnh

Đánh giá tổng hợp tình hình về mức độ ổ bệnh:

+ Tỉ lệ nhiễm ký sinh trùng sốt rét trong cộng đồng tại ổ bệnh;

+ Loài muỗi truyền sốt rét có mặt, mật độ;

+ Cấu trúc, phân bố nhà ở, tập quán ngủ màn;

+ Đề xuất biện pháp can thiệp phù hợp, phân công cán bộ thực hiện.

Đáp ứng ổ bệnh:

+ Điều trị trường hợp bệnh sốt rét theo Hướng dẫn của Bộ Y tế;

+ Phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét: Tùy theo tình hình cụ thể sẽ tiến hành phát màn tẩm hóa chất tồn lưu lâu, phun hóa chất tồn lưu trên tường, vách, hoặc tẩm màn với hóa chất diệt côn trùng. Các kỹ thuật này sẽ tuân thủ theo quy trình đính kèm theo “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét”:

o Kỹ thuật phun hóa chất tồn lưu trên tường, vách trong phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét;

o Kỹ thuật tẩm màn với hóa chất trong phòng chống muỗi truyền sốt rét.

+ Truyền thông phòng chống sốt rét:

o Cán bộ tham gia điều tra truyền thông trực tiếp cho người dân;

o Phát tờ rơi, dán áp phích truyền thông tại các hộ gia đình.

Thời gian: Ngày 4 tới ngày 7 kể từ khi xác định trường hợp bệnh sốt rét lây truyền tại chỗ.

Bước 5: Cập nhật, bổ sung cơ sở dữ liệu

Tổng hợp báo cáo kết quả điều tra, đáp ứng ổ bệnh lên phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm.

Chia sẻ báo cáo với Trạm Y tế xã và chính quyền địa phương.

Lập cơ sở dữ liệu về ổ bệnh, phân loại ổ bệnh tại địa phương.

Đề xuất biện pháp phòng chống sốt rét cho địa phương có ổ bệnh.

4. Xử lý tính toán kết quả

Các kết quả tính toán số liệu ký sinh trùng sốt rét được tính bằng phần mềm Excel và điền vào biểu mẫu theo quy định tại “Hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sốt rét”.

Các kết quả điều tra hộ gia đình được nhập liệu, phân tích số liệu trên phần mềm thống kê và báo cáo theo phân cấp hệ thống quản lý.

 

 

Phụ lục 5

KỸ THUẬT PHUN HÓA CHẤT TỒN LƯU TRÊN TƯỜNG, VÁCH TRONG PHÒNG CHỐNG MUỖI TRUYỀN BỆNH SỐT RÉT

(Kèm theo Quyết định số 4922/QĐ-BYT ngày 25 tháng 10 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

_____________

 

1. Mục đích

Tiêu diệt muỗi truyền sốt rét trú đậu trên tường, vách, các vật dụng trong nhà, gầm sàn.

2. Nguyên lý

Hóa chất sau khi phun vào tường vách sẽ tồn lưu một thời gian, khi muỗi truyền sốt rét đậu vào tường vách sẽ bị chết do tiếp xúc với hóa chất.

3. Dụng cụ

Bình phun bằng tay nén khí; Hóa chất diệt muỗi; Ống đong 100 ml; Ca đong 1000 ml; Que khuấy; Phễu lọc nước; Danh sách hộ gia đình được phun hóa chất diệt muỗi.

4. Các bước tiến hành

Bước 1. Kiểm tra bình bơm

Lắp ráp các bộ phận của bình bơm, cho nước sạch vào bình, đậy nắp, bơm nén khí, phun thử và kiểm tra để đảm bảo bình còn sử dụng tốt.

Bước 2. Pha hóa chất

Hóa chất ở dạng lỏng: Lắc đều lọ hóa chất, đong đủ lượng hóa chất cần pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất rồi cho vào bình, sau đó thêm lượng nước cần pha, sử dụng lượng nước này tráng sạch hóa chất còn bám lại trên cốc đong. Dùng que khuấy đều dung dịch hóa chất trong bình.

Hóa chất ở dạng bột: Cân lượng hóa chất đủ cho một bình phun theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nếu có gói đóng sẵn cho 1 bình thì chỉ việc cắt vỏ bao rồi đổ hóa chất vào bình, sau đó thêm lượng nước cần pha và khuấy đều dung dịch như trên.

Bước 3. Bơm nén khí

Đậy nắp, để bình phun ở nơi bằng phẳng, đặt một chân lên bàn đạp, mở khóa ở ống bơm và bơm nén khí (bơm đều tay không quá nhanh và cũng không quá chậm)

Bơm đến khi kim đồng hồ đo áp lực chỉ đến hết vạch xanh (tương đương 55 PSI hoặc 0.38 MPa hoặc 380 kPa) thì dừng lại.

Trong quá trình phun cần kiểm tra kim đồng hồ đo áp lực xuống hết vạch xanh thì bơm nén khí bổ sung để duy trì áp lực cần thiết trong bình.

Bước 4. Phun hóa chất lên tường vách

Cách phun

+ Người phun đứng đối diện trực tiếp với bề mặt phun. Nếu người phun thuận tay phải thì mang bình phun bên vai trái và dùng tay trái giữ bình phun, còn tay phải cầm vòi phun và điều khiển khóa đóng mở vòi phun. Nếu người phun thuận tay trái thì ngược lại.

+ Bắt đầu phun từ chân tường vách, đặt đầu vòi phun ở vị trí thẳng góc với bề mặt phun và luôn cách bề mặt phun 45 cm trong quá trình phun, chiều rộng của vệt phun trên bề mặt tường vách sẽ là 75 cm. Di chuyển dần lên phía trên cho đến độ cao 2 m thì chuyển sang vệt phun tiếp theo từ trên xuống dưới, và cứ tiếp tục như vậy cho đến khi phun hết bề mặt cần phun. Đường phun sau đè lên đường phun trước 5 cm

+ Tốc độ phun thích hợp cho một vệt phun thẳng đứng có chiều cao 2m trung bình 4,5 giây.

+ Nếu tường vách thấp thì phun cả lên mặt trong mái nhà cho đủ độ cao 2m. Nếu là nhà sàn thì độ cao 2 m được tính từ mặt sàn (không tính từ mặt đất).

+ Ở trong nhà bắt đầu phun từ cửa, di chuyển dần vào phía trong và kết thúc cuối cùng ở bên kia cửa.

– Nơi phun: mặt trong tường vách, mái nhà nếu tường vách thấp dưới 2 m; sau tủ, gầm giường, gầm bàn, phía sau cánh cửa, mặt dưới gầm nhà sàn; chuồng gia súc và các công trình phụ.

 

 

KỸ THUẬT TẨM MÀN VỚI HÓA CHẤT TRONG PHÒNG CHỐNG MUỖI TRUYỀN SỐT RÉT

_____________

 

1. Mục đích

Tẩm đúng, đủ lượng hóa chất cần thiết trên màn dùng để xua, diệt muỗi truyền sốt rét.

2. Nguyên lý

Sau khi tẩm, các hóa chất được hấp phụ và tồn lưu một thời gian trên màn. Hóa chất sẽ xua hoặc diệt khi muỗi đậu vào màn.

3. Dụng cụ

Màn được tẩm; Hóa chất diệt muỗi; ống đong 100 ml; Ca đong 1000 ml; Chậu; Que khuấy; Danh sách hộ gia đình có màn được tẩm.

3. Các bước tiến hành

Bước 1. Pha hóa chất

Lắc thật kỹ chai hóa chất trước khi pha.

Dùng xi lanh hoặc cốc đong đủ lượng hóa chất cần pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất cho 1 màn hoặc 5 màn (nếu cùng kích thước và chất liệu) đổ vào chậu thứ nhất

Dùng cốc đong lượng nước tương ứng, tráng sạch cốc đong hóa chất đổ vào chậu đó, khuấy đều cho hóa chất tan hết vào nước.

Bước 2. Tẩm màn với dung dịch đã pha

Đong lượng dung dịch vừa pha đủ tẩm cho 1 màn vào chậu thứ hai.

Rũ màn trước khi nhúng vào chậu hóa chất, nhào trộn màn thật kỹ sao cho dung dịch tẩm ngấm đều, hết vào toàn bộ màn.

Bước 3. Phơi màn sau khi tẩm

Trải tấm nilon sạch trên mặt phẳng trong bóng râm. Sau đó, nhấc màn khỏi chậu trải màn trên tấm nilon này. Để màn khô tự nhiên trước khi sử dụng.

 

Văn bản mới

Văn bản xem nhiều