Quyết định 493/QĐ-TTg 2022 Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030
Thuộc tính văn bản | |||
---|---|---|---|
Số ký hiệu: | Đang cập nhật | Ngày ban hành: |
19/04/2022
|
Loại văn bản: |
Quyết định
| Ngày có hiệu lực: | Đang cập nhật |
Nguồn thu thập |
Đang cập nhật
| Ngày đăng công báo |
Đang cập nhật
|
Cơ quan ban hành |
Thủ tướng Chính phủ
| ||
Người ký |
Lê Văn Thành
| ||
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ _________ Số: 493/QĐ-TTg |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc _______________________ Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030
________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 (sau đây gọi là Chiến lược) với những nội dung chính sau:
I. QUAN ĐIỂM CHIẾN LƯỢC
1. Phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường; hài hòa giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn; hài hòa cơ hội tham gia và hưởng thụ thành quả tăng trưởng xuất nhập khẩu; gắn với thương mại xanh và thương mại công bằng, với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.
2. Phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa gắn với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – kỹ thuật, khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, tuần hoàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao hàm lượng đổi mới sáng tạo trong sản phẩm xuất khẩu; xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam xuất khẩu.
3. Phát triển xuất nhập khẩu gắn với quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và địa phương nhằm phát huy lợi thế cạnh tranh, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế tác động của các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn. cầu.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Xuất khẩu, nhập khẩu tăng trưởng ổn định, cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý.
– Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 – 7%/năm trong thời kỳ 2021 – 2030, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8 – 9%/năm; giai đoạn 2026 – 2030 tăng trưởng bình quân 5 – 6%/năm.
– Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân 5 – 6%/năm trong thời kỳ 2021 – 2030, trong đó giai đoạn 2021 – 2025 tăng trưởng nhập khẩu bình quân 7 – 8%/năm; giai đoạn 2026 – 2030 tăng trưởng bình quân 4 – 5%/năm.
– Cân bằng cán cân thương mại trong giai đoạn 2021 – 2025, tiến tới duy trì thặng dư thương mại bền vững giai đoạn 2026 – 2030; hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý với các đối tác thương mại chủ chốt.
b) Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu mặt hàng, cơ cấu thị trường cân đối, hài hoà
– Tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.
– Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 16-17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18 – 19% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 32 – 33% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 33 – 34% vào năm 2030; tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Á vào khoảng 49 – 50% vào năm 2025 và 46 – 47% vào năm 2030.
– Tăng tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Âu lên 8 – 9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10 – 11% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 8 – 9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10 – 11% vào năm 2030; giảm tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Á xuống khoảng 78% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.
III. ĐỊNH HƯỚNG XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ
1. Định hướng xuất khẩu hàng hoá
a) Định hướng chung
– Phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
– Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng, có hàm lượng khoa học – công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các sản phẩm thân thiện với môi trường.
b) Định hướng phát triển ngành hàng
– Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản: tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao; nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường; chủ động thích ứng và vượt qua các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại ở thị trường nước ngoài.
– Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo: gia tăng giá trị trong nước trong hàng hóa xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện nhập khẩu; tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao; nâng nhanh tỷ trọng các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ, hàm lượng đổi mới sáng tạo cao.
– Không khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; chú trọng đầu tư phát triển xuất khẩu các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường.
– Lộ trình và bước đi cụ thể như sau:
+ Giai đoạn 2021 – 2025: Nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực có lợi thế sản xuất, xuất khẩu, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng nông sản Việt; nâng cao giá trị gia tăng cho những mặt hàng thâm dụng lao động và có tính cạnh tranh cao như dệt may, da giày, điện tử, các sản phẩm công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình.
+ Giai đoạn 2026 – 2030: Phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, hàng nông sản, thủy sản chế biến sâu; hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
2. Định hướng nhập khẩu hàng hóa
– Chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, kiểm soát việc nhập khẩu các loại hàng hóa trong nước sản xuất được, hàng xa xỉ, hàng hóa không thiết yếu, kiểm soát chất lượng hàng hoá nhập khẩu.
– Tăng tỷ trọng nhập khẩu máy móc, thiết bị hiện đại, dây chuyền sản xuất tiên tiến từ các nước có nền công nghiệp phát triển, nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn, tiếp thu thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo tiền đề nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu và thực hiện chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo chiều sâu.
3. Định hướng phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu
– Đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường; hướng đến cán cân thương mại song phương lành mạnh, hợp lý, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
– Khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN...
– Đẩy mạnh khai thác các thị trường còn tiềm năng như Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh…hướng đến xây dựng các khuôn khổ thương mại ổn định, lâu dài.
– Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu thị trường nhập khẩu theo hướng giảm tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ thấp, công nghệ trung gian, tăng tỷ trọng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC
1. Phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu
a) Phát triển sản xuất công nghiệp
– Cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành chế biến, chế tạo nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng sản xuất, xuất khẩu.
– Tăng cường công tác điều phối phát triển theo vùng, lãnh thổ nhằm nâng cao hiệu quả liên kết vùng góp phần hình thành các cụm liên kết ngành, các chuỗi giá trị trong nước, nhằm tận dụng lợi thế về tích tụ công nghiệp tại một số địa phương, vùng kinh tế.
– Triển khai có hiệu quả các quy hoạch phát triển ngành; các chiến lược, quy hoạch, đề án đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các chiến lược, đề án, kế hoạch xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên phụ liệu.
– Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo quá trình quản trị sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu, trong đó chú trọng đến các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, IoT, in 3D, vật liệu mới,…).
– Tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án, nghiên cứu về vật liệu mới, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao.
b) Phát triển sản xuất nông nghiệp
– Triển khai Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh, sạch, bền vững, phát triển du lịch và ẩm thực.
– Có chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp cho từng cấp sản phẩm chủ lực: (i) Sản phẩm quốc gia; (ii) Sản phẩm địa phương; (iii) Sản phẩm OCOP; chính sách xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến cho chế biến hàng nông sản xuất khẩu.
– Tăng cường liên kết, phát huy vai trò của tổ chức của nông dân (Tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp) trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến, tiếp cận thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản.
– Phát triển công nghệ bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản chế biến; đẩy mạnh việc triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, thủy sản xuất khẩu.
– Phát huy vai trò của địa phương trong lựa chọn loại nông sản thích hợp để hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực, nông sản đặc trưng, phát triển thương hiệu đi cùng với các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
2. Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn
– Xây dựng, củng cố và phát triển các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại với các quốc gia thông qua thực thi hiệu quả cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do; đàm phán Hiệp định thương mại tự do với các đối tác đã được Chính phủ cho chủ trương, chú trọng các đối tác có dung lượng thị trường lớn và sẵn sàng mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là nông sản trên cơ sở có đi có lại; nghiên cứu khả thi việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận ưu đãi thương mại với một số đối tác mới có tiềm năng.
– Nâng cao năng lực và tăng cường công tác theo dõi, nghiên cứu thị trường, dự báo, cập nhật các thay đổi về chính sách thương mại, các rào cản phi thuế quan tại các thị trường xuất khẩu.
– Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối hàng hoá tại thị trường nước ngoài.
– Tăng cường các biện pháp hỗ trợ bảo hộ tài sản trí tuệ và chỉ dẫn địa lý của sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở những thị trường nước ngoài trọng điểm; tăng cường tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
– Hoàn thiện chính sách, cơ chế quản lý nhà nước về hoạt động xúc tiến thương mại. Kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực mạng lưới xúc tiến thương mại ở trong nước và tại nước ngoài nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại cả ở cấp chính phủ, ngành hàng, địa phương và doanh nghiệp.
– Triển khai kế hoạch xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến nhập khẩu theo định hướng chiến lược về nhóm thị trường trọng điểm, nhóm mặt hàng ưu tiên theo từng giai đoạn. Đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại phục vụ xuất nhập khẩu thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết hợp có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư, văn hóa, du lịch,… Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm, ngành hàng xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam.
3. Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng
– Cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh.
– Đẩy nhanh việc xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, bao gồm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn xã hội và môi trường.
– Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng và đạt các chứng chỉ về tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các thị trường mục tiêu.
– Điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá phù hợp trong bối cảnh mới, hướng đến các mục tiêu công khai, minh bạch và bền vững.
– Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường trong hoạt động xuất nhập khẩu, vi phạm về gian lận thương mại, gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại.
– Hoàn thiện pháp luật, chính sách về phòng vệ thương mại, xem xét sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong lĩnh vực phòng vệ thương mại hoặc nghiên cứu xây dựng Luật Phòng vệ thương mại.
– Đảm bảo an sinh và công bằng xã hội trong hoạt động xuất nhập khẩu; thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển xuất nhập khẩu bền vững.
4. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics
– Kêu gọi các tập đoàn lớn, đa quốc gia tham gia đầu tư các dự án sản xuất xuất khẩu, ưu tiên những dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, sản phẩm có tính cạnh tranh cao và có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
– Xây dựng, hoàn thiện các bộ chuẩn đầu ra trình độ trung cấp, cao đẳng cho nhân lực các ngành, nghề sản xuất hàng xuất khẩu theo hướng tiếp cận tiêu chuẩn các nước phát triển trên thế giới. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu từ khâu xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá và tạo việc làm.
– Xây dựng năng lực của các tổ chức thử nghiệm, tổ chức chứng nhận, phòng thí nghiệm quốc gia đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để phục vụ việc đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn riêng đối với hàng hóa xuất khẩu.
– Nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông, kho bãi, cảng biển, phát triển các loại hình dịch vụ logistics, giảm chi phí logistics, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong logistics.
– Phát triển đội tàu vận tải trong nước để chủ động khai thác thị trường vận tải trong và ngoài nước; có chiến lược kết nối giữa các loại hình vận tải đa phương thức.
5. Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý
– Hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cho cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại; tăng cường hiệu quả và cơ chế phối hợp liên ngành trong quá trình xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại; đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền về phòng vệ thương mại cho các cán bộ quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội và các tổ chức liên quan.
– Nâng cao hiệu quả kinh tế của các ngành sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu, hạ dần hàng rào bảo hộ để các doanh nghiệp chủ động xây dựng chiến lược đầu tư theo lộ trình giảm thuế, tăng cường đổi mới thiết bị, công nghệ, tạo sức ép cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm giá thành, cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
– Tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu thông qua các biện pháp phù hợp với các cam kết quốc tế.
– Có chính sách khuyến khích nhập khẩu cạnh tranh thông qua cơ chế đấu thầu, ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, công nghệ cao, vật tư, nguyên nhiên vật liệu cơ bản trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
– Xúc tiến nhập khẩu, thu hút đầu tư từ một số đối tác trọng điểm, nhất là các đối tác có thể giúp Việt Nam tăng cường năng lực công nghệ, đồng thời lành mạnh hóa, hợp lý hóa cán cân thương mại.
6. Nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn
– Phát triển doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vượt rào cản và các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường ngoài nước.
– Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, tạo tính lan toả, cùng liên kết, hợp tác và phát triển.
– Phát huy vai trò Hiệp hội ngành hàng là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại quốc tế.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC
Nguồn kinh phí thực hiện Chiến lược được bố trí từ các nguồn: ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, tài trợ, viện trợ và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; trong đó nguồn ngân sách nhà nước mang tính hỗ trợ một phần theo khả năng cân đối. Nguồn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ các mục tiêu, định hướng, giải pháp và các nhóm giải pháp của Chiến lược được phê duyệt tại Quyết định này, Chiến lược phát triển các ngành hàng và Chương trình quốc gia liên quan, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược này, xác định cụ thể các nội dung nhiệm vụ của các bộ, ngành, cơ quan, thời hạn hoàn thành và nguồn lực thực hiện; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào đầu quý III năm 2022.
2. Căn cứ các mục tiêu, định hướng của Chiến lược và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược này, Bộ Công Thương hướng dẫn các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược theo chức năng, thẩm quyền.
3. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược; định kỳ 5 năm tổ chức đánh giá việc thực hiện Chiến lược; đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mục tiêu, nội dung Chiến lược trong trường hợp cần thiết.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: – Ban Bí thư Trung ương Đảng; – Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; – Các bộ, Cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – Văn phòng Tổng Bí thư; – Văn phòng Chủ tịch nước; – Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; – Văn phòng Quốc hội; – Tòa án nhân dân tối cao; – Viện kiểm sát nhân dân tối cao; – Kiểm toán nhà nước; – Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; – Ngân hàng Chính sách xã hội; – Ngân hàng Phát triển Việt Nam; – Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; – Cơ quan trung ương của các đoàn thể; – VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc; – Lưu: VT, KTTH (2b). |
KT. THỦ TƯỚNG PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Văn Thành
|
Văn bản mới
Văn bản xem nhiều