Quyết định 505-QĐ/UBKTTW 2022 Quy định tiêu chuẩn, chức danh và bổ nhiệm ngạch Kiểm tra Đảng
Thuộc tính văn bản | |||
---|---|---|---|
Số ký hiệu: | Đang cập nhật | Ngày ban hành: |
14/04/2022
|
Loại văn bản: |
Quyết định
| Ngày có hiệu lực: | Đang cập nhật |
Nguồn thu thập |
Đang cập nhật
| Ngày đăng công báo |
Đang cập nhật
|
Cơ quan ban hành |
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương
| ||
Người ký |
Trần Cẩm Tú
| ||
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG Số: 505-QĐ/UBKTTW |
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2022 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, CHỨC DANH VÀ BỔ NHIỆM NGẠCH KIỂM TRA ĐẢNG
– Căn cứ Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương;
– Căn cứ Kết luận của Ban Bí thư giao thẩm quyền cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi nâng ngạch, bổ nhiệm ngạch Kiểm tra Đảng (tại Công văn số 4860-CV/VPTW, ngày 24/4/2008 của Văn phòng Trung ương Đảng);
– Căn cứ Công văn số 3461-CV/BTCTW, ngày 05/3/2008 về hướng dẫn chuyển xếp ngạch Kiểm tra viên Kiểm tra Đảng các cấp; Quyết định số 4129-QĐ/BTCTW, ngày 29/01/2019 về ban hành tạm thời Danh mục vị trí việc làm, bản mô tả vị trí việc làm công chức ngành Kiểm tra Đảng; Hướng dẫn số 03-HD/BTCTW, ngày 22/4/2021 về thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm, nâng ngạch lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội của Ban Tổ chức Trung ương;
– Căn cứ Quyết định số 1381-QĐ/BNV, ngày 27/11/2007 về việc ban hành mã số ngạch Kiểm tra Đảng; Thông tư số 02/2021/TT-BNV, ngày 11/6/2021 Quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và công chức chuyên ngành văn thư của Bộ Nội vụ;
– Xét đề nghị của Vụ Tổ chức – Cán bộ,
ỦY BAN KIỂM TRA TRUNG ƯƠNG QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định tiêu chuẩn, chức danh và bổ nhiệm ngạch Kiểm tra Đảng.
Điều 2. Tiêu chuẩn, chức danh ngạch Kiểm tra Đảng là căn cứ để tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, bổ nhiệm ngạch, thực hiện chế độ chính sách tiền lương và các chế độ khác (nếu có) cho cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra của Đảng từ cấp huyện và tương đương (thuộc khối hành chính, sự nghiệp) trở lên theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Điều 3. Ủy ban kiểm tra các cấp có trách nhiệm lập danh sách cán bộ đủ tiêu chuẩn, báo cáo cấp ủy cùng cấp và cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ nhiệm ngạch Kiểm tra Đảng; tổ chức thi nâng ngạch theo quy định.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế các quyết định, quy định, hướng dẫn trước đây của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về tiêu chuẩn, chức danh, chuyển xếp ngạch Kiểm tra Đảng.
Nơi nhận: |
T/M ỦY BAN KIỂM TRA Trần Cẩm Tú |
QUY ĐỊNH
TIÊU CHUẨN, CHỨC DANH VÀ BỔ NHIỆM NGẠCH KIỂM TRA ĐẢNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 505-QĐ/UBKTTW, ngày 14 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương)
A. TIÊU CHUẨN, CHỨC DANH NGẠCH KIỂM TRA ĐẢNG
I. TIÊU CHUẨN CHUNG
– Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
– Có tinh thần yêu nước, trung thành với Đảng, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ được giao; thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm; tuân thủ các quy định tại Luật Cán bộ, công chức.
– Có tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, năng động, sáng tạo, tận tụy công tác, yêu ngành, yêu nghề, liêm khiết, trung thực, giữ gìn đoàn kết, thống nhất, không cơ hội; gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện nghiêm túc các quy chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị và cơ sở.
– Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không tham nhũng, tiêu cực và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
– Có phương pháp làm việc khoa học, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; có bản lĩnh vững vàng, thận trọng, công minh, khách quan trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; dũng cảm, kiên quyết bảo vệ cái đúng.
– Có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị phù hợp với nhiệm vụ, lĩnh vực công tác được phân công, có kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức pháp luật. Có chứng chỉ, chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát.
– Có sức khỏe đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
– Không bị kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên, trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm bổ nhiệm ngạch kiểm tra Đảng.
II. TIÊU CHUẨN CỤ THỂ
1. Kiểm tra viên của Đảng (Mã ngạch: 04.025A)
a. Chức trách
Là cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan ủy ban kiểm tra từ cấp huyện và tương đương (thuộc khối hành chính, sự nghiệp) trở lên. Được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát ở một hoặc một số địa phương, đơn vị; thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo chuyên đề hoặc được ủy ban kiểm tra các cấp giao đảm nhiệm những phần việc chuyên môn nghiệp vụ khác phục vụ công tác kiểm tra, giám sát.
b. Nhiệm vụ
– Đề xuất ý kiến về kế hoạch, biện pháp công tác; trực tiếp thực hiện phần việc được phân công; chịu trách nhiệm cá nhân trước lãnh đạo đơn vị về các kết luận, kiến nghị, đề xuất của mình.
– Tham gia soạn thảo các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng thuộc phần việc được phân công.
– Theo dõi, kiểm tra, giám sát, tổng hợp và báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ trong phần việc được phân công; đề xuất các biện pháp khắc phục.
– Thực hiện các hoạt động nghiệp vụ, thu thập thông tin, thống kê, lưu trữ các tài liệu theo quy định; phân tích, đánh giá kết quả phần việc được phân công.
– Phối hợp với các cơ quan, đơn vị để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến phần việc được phân công.
– Có khả năng tham gia nghiên cứu đề tài, đề án cấp cơ sở.
c. Tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ
– Nắm vững nội dung chủ yếu của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để vận dụng giải quyết công việc có liên quan đến phần việc được phân công.
– Nắm vững nội dung cơ bản về quy trình, nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và phần nghiệp vụ được phân công; có kiến thức khoa học, công nghệ phổ thông liên quan. Hiểu biết cơ bản về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước; tình hình xây dựng Đảng, đoàn thể, Nhà nước; tình hình quốc tế liên quan đến phần việc được phân công. Hiểu biết các thể thức văn bản hành chính.
– Hiểu được vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị mình công tác và các nguyên tắc tổ chức, hoạt động cơ bản của tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội.
– Có khả năng tham gia xây dựng kế hoạch, phối hợp triển khai, chủ động tổ chức thực hiện công việc và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; khả năng nghiên cứu, tổng hợp, đề xuất biện pháp giải quyết những vấn đề cụ thể.
d. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
– Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên.
– Có chứng chỉ, chứng nhận chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; trình độ tin học, ngoại ngữ theo quy định của ngạch chuyên viên.
e. Yêu cầu thời gian công tác
– Có thời gian công tác ít nhất 02 năm ở cơ quan ủy ban kiểm tra từ cấp huyện và tương đương (thuộc khối hành chính, sự nghiệp) đối với người được tuyển dụng mới vào cơ quan ủy ban kiểm tra (kể từ khi được bổ nhiệm ngạch công chức chính thức).
– Có thời gian công tác ít nhất 01 năm làm công tác kiểm tra đối với cán bộ, công chức, viên chức khi được điều động, tiếp nhận về cơ quan.
2. Kiểm tra viên chính của Đảng (Mã ngạch: 04.024A)
a. Chức trách
Là cán bộ chuyên môn nghiệp vụ của cơ quan ủy ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương (thuộc khối hành chính, sự nghiệp) trở lên. Được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát ở một hoặc một số địa phương, đơn vị; thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo chuyên đề hoặc đảm nhiệm những nhiệm vụ được giao khác về công tác kiểm tra, giám sát.
b. Nhiệm vụ
– Chủ trì nghiên cứu, đề xuất chủ trương, kế hoạch, biện pháp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng; thực hiện nhiệm vụ do cấp ủy giao và các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng liên quan đến phần việc, lĩnh vực công tác được phân công; chịu trách nhiệm cá nhân trước lãnh đạo đơn vị về các kết luận, kiến nghị, đề xuất của mình.
– Xây dựng và hướng dẫn thực hiện các quy chế, quy định, quy trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng, quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị liên quan đến phần việc, lĩnh vực công tác được phân công.
– Tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát (tại các địa bàn hoặc chuyên đề được phân công); các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng, quy chế, quy định của cơ quan liên quan đến phần việc, lĩnh vực công tác được phân công; đề xuất các biện pháp khắc phục.
– Xây dựng, thực hiện kế hoạch các hoạt động nghiệp vụ, thu thập thông tin, thống kê, lưu trữ tài liệu; phân tích, đánh giá kết quả thực hiện công việc được phân công.
– Chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án cấp cơ sở; tham gia nghiên cứu đề tài, đề án cấp tỉnh, thành; cấp ban, bộ, ngành Trung ương.
– Tham gia biên soạn từng phần hoặc chuyên đề, tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát; tham gia hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức ngạch dưới.
c. Tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ
– Nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để vận dụng giải quyết công việc có liên quan đến phần việc được phân công.
– Có kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức pháp luật, hiểu rõ nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quy chế làm việc, mối quan hệ công tác, tình hình xây dựng Đảng, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội; tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước; tình hình quốc tế có liên quan đến lĩnh vực công tác được phân công.
– Nắm chắc những nội dung cơ bản về quy trình, nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và phần nghiệp vụ được phân công; có kiến thức khoa học, công nghệ phổ thông liên quan. Nắm chắc các thể thức văn bản hành chính.
– Có kỹ năng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; chỉ đạo, tổ chức phối hợp triển khai công việc; khả năng tổng kết, đề xuất chủ trương, giải pháp cần thiết đối với những vấn đề mới nảy sinh. Có kinh nghiệm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.
– Có năng lực nghiên cứu, xây dựng đề án cấp cơ sở; tham gia nghiên cứu đề tài, đề án cấp tỉnh, thành; cấp ban, bộ, ngành Trung ương; khả năng biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ.
d. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
– Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên.
– Tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị hoặc chương trình tương đương trung cấp lý luận chính trị trở lên.
– Có chứng chỉ, chứng nhận chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; trình độ tin học, ngoại ngữ theo quy định của ngạch chuyên viên chính.
e. Điều kiện dự thi nâng ngạch kiểm tra viên chính
– Có ít nhất 09 năm giữ ngạch kiểm tra viên của Đảng hoặc tương đương. Trường hợp có thời gian giữ ngạch tương đương thì phải có thời gian giữ ngạch Kiểm tra viên tối thiểu 01 năm.
– Đã tham gia xây dựng, thẩm định ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên trong lĩnh vực công tác được nghiệm thu và áp dụng trong thực tiễn.
– Đối với các trường hợp được tuyển dụng theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, ngày 05/12/2017 của Chính phủ: được đặc cách cử tham gia kỳ thi nâng ngạch Kiểm tra viên chính nếu được xếp loại ở mức hoàn thành tốt hoặc xuất sắc nhiệm vụ trong 03 năm liên tiếp kể từ ngày tuyển dụng.
3. Kiểm tra viên cao cấp của Đảng (Mã ngạch: 04.023A)
a. Chức trách
Là cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ công tác tại cơ quan ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy và tương đương (thuộc khối hành chính, sự nghiệp), Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương; giúp ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy và tương đương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác; thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát ở một hoặc một số địa phương, đơn vị; thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo chuyên đề hoặc đảm nhiệm những phần chuyên môn nghiệp vụ khác phục vụ công tác kiểm tra, giám sát; chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức và trực tiếp thực hiện các cuộc kiểm tra, giám sát có quy mô lớn, tình tiết phức tạp, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; chủ trì hoặc tham gia xây dựng các quy định, quy trình liên quan đến phần việc được phân công.
b. Nhiệm vụ
– Chủ trì hoặc trực tiếp nghiên cứu, đề xuất chủ trương, kế hoạch, biện pháp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định của Điều lệ Đảng; thực hiện nhiệm vụ do cấp ủy giao và các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng; quy chế, quy định của cơ quan liên quan đến phần việc, lĩnh vực công tác được phân công; chịu trách nhiệm cá nhân trước ủy ban, thường trực ủy ban, lãnh đạo đơn vị về các kết luận, kiến nghị, đề xuất của mình.
– Chủ trì hoặc trực tiếp tham gia soạn thảo các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định của Đảng, của cơ quan; thẩm định các đề án thuộc lĩnh vực công tác được phân công. Đề xuất các phương án triển khai, chỉ đạo, kiểm tra thực hiện.
– Chủ trì hoặc tổ chức phối hợp, theo dõi, kiểm tra, phân tích, đánh giá, báo cáo tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định, quy chế của cơ quan; phát hiện được những điểm chưa phù hợp của những văn bản trên để đề xuất chủ trương, biện pháp sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp.
– Chỉ đạo tổ chức xây dựng và thực hiện có kế hoạch các hoạt động nghiệp vụ; xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý tài liệu, hồ sơ theo quy định.
– Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu các đề tài, đề án cấp Nhà nước, cấp bộ, ngành, tỉnh, thành phố.
– Chủ trì hoặc trực tiếp tham gia biên soạn tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ; tham gia giảng dạy các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát cho các ngạch dưới.
c. Tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ
– Nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; Điều lệ Đảng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những vấn đề có liên quan đến phần việc được phân công.
– Nắm chắc kiến thức cơ bản về ngành kiểm tra, các quy định, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng; có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực công tác được phân công; có kiến thức rộng về khoa học công nghệ liên quan; nắm vững các thể thức văn bản hành chính.
– Nắm vững nguyên tắc tổ chức, hoạt động quy chế làm việc và mối quan hệ công tác, tình hình xây dựng Đảng, cơ quan Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội; tình hình công tác kiểm tra và những vấn đề của Nhà nước có liên quan.
– Hiểu biết rộng về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại của đất nước và tình hình quốc tế.
– Có khả năng thực hiện và chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ; nhiều kinh nghiệm trong hoạt động nghiệp vụ kiểm tra, giám sát hoặc lĩnh vực công tác được phân công.
– Có năng lực và kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức chỉ đạo, phối hợp; triển khai công việc trong phạm vi ngành hoặc nhiều ngành; năng lực tổng kết, phát hiện vấn đề mới nảy sinh, đề xuất chủ trương, giải pháp điều chỉnh ở tầm vĩ mô.
– Có năng lực tổ chức, nghiên cứu, xây dựng và thẩm định các đề tài, đề án, công trình cấp bộ, ngành, tỉnh, thành phố thuộc lĩnh vực công tác được phân công.
d. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
– Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên.
– Tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị hoặc Cử nhân chính trị trở lên.
– Có chứng chỉ, chứng nhận chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát; chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước; trình độ tin học, ngoại ngữ theo quy định của ngạch chuyên viên cao cấp.
e. Điều kiện dự thi nâng ngạch kiểm tra viên cao cấp
– Có ít nhất 06 năm giữ ngạch kiểm tra viên chính của Đảng và tương đương. Trường hợp có thời gian giữ ngạch tương đương thì thời gian giữ ngạch Kiểm tra viên chính tối thiểu 01 năm.
– Đã chủ trì xây dựng, thẩm định ít nhất 02 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp ban, cấp ngành hoặc cấp tỉnh trong lĩnh vực công tác được nghiệm thu và áp dụng trong thực tiễn.
B. BỔ NHIỆM NGẠCH KIỂM TRA ĐẢNG
I. THỜI ĐIỂM BỔ NHIỆM
– Đối với người mới được tuyển dụng phải có thời gian công tác ít nhất 02 năm (kể từ khi được bổ nhiệm ngạch công chức chính thức) ở cơ quan ủy ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương (thuộc khối hành chính, sự nghiệp) và có đủ tiêu chuẩn của ngạch kiểm tra Đảng thì được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào ngạch.
– Đối với cán bộ, công chức, viên chức khi được điều động, tiếp nhận về cơ quan ủy ban kiểm tra các cấp phải có thời gian ít nhất 01 năm làm công tác kiểm tra và có đủ tiêu chuẩn của ngạch kiểm tra Đảng thì được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ nhiệm vào ngạch Kiểm tra Đảng tương ứng.
– Đối với cán bộ, công chức công tác ở các ngành: Kiểm sát, Tòa án, Công an, Quân sự, Thi hành án, Thanh tra, Kiểm toán đã được bổ nhiệm vào ngạch theo quy định của ngành (kiểm tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, điều tra viên, thanh tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên, kiểm toán viên) khi được điều động, tiếp nhận về cơ quan ủy ban kiểm tra từ cấp huyện và tương đương trở lên thì được cấp thẩm quyền quyết định bổ nhiệm vào ngạch, bậc Kiểm tra Đảng tương ứng.
– Đối với cán bộ, công chức được bầu vào ủy viên ủy ban kiểm tra chuyên trách từ cấp huyện và tương đương trở lên thì được cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm vào ngạch, bậc Kiểm tra Đảng tương ứng (thời điểm bổ nhiệm ngạch căn cứ quyết định chuẩn y của Ủy ban Kiểm tra cấp trên).
II. CHUYỂN XẾP LƯƠNG
1. Nguyên tắc
– Chuyển xếp lương trong ngạch được thực hiện theo quy định tại Thông tư 02/2007/TTBNV, ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn về xếp lương khi nâng ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.
– Trong quá trình chuyển xếp lại ngạch lương không được kết hợp nâng bậc, nâng ngạch lương.
– Không chuyển xếp mã ngạch lương Kiểm tra Đảng đối với cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng điều kiện quy định tại Phần A và Mục I, Phần B của quy định này.
2. Cách chuyển xếp
– Chuyên viên và tương đương có mã ngạch lương thuộc nhóm A1, được bổ nhiệm ngạch Kiểm tra viên của Đảng, nhóm A1, mã ngạch 04.025A.
Ví dụ 1: Đồng chí Nguyễn Văn A đang hưởng lương chuyên viên, nhóm A1, mã ngạch 01.003, bậc 5/9, hệ số 3,66 từ tháng 10/2021, nay bổ nhiệm ngạch Kiểm tra viên của Đảng, nhóm A1, mã ngạch 04.025A, bậc 5/9, hệ số 3,66.
Thời điểm nâng lương lần sau tính từ tháng 10/2021.
– Chuyên viên chính và tương đương có mã ngạch lương thuộc nhóm A2.1, bổ nhiệm ngạch Kiểm tra viên chính của Đảng, nhóm A2.1, mã ngạch 04.024A.
Ví dụ 2: Đồng chí Nguyễn Văn B đang hưởng lương thanh tra viên chính, nhóm A2.1, mã ngạch 04.024, bậc 2/8, hệ số 4,74 từ tháng 11/2021, nay bổ nhiệm ngạch Kiểm tra viên chính của Đảng, nhóm A2.1, mã ngạch 04.024A, bậc 2/8, hệ số 4,74.
Thời điểm nâng lương lần sau tính từ tháng 11/2021.
– Chuyên viên cao cấp và tương đương có mã ngạch lương thuộc nhóm A3.1, được chuyển xếp sang ngạch Kiểm tra viên cao cấp của Đảng, nhóm A3.1, mã ngạch 04.023A.
Ví dụ 3: Đồng chí Nguyễn Văn C đang hưởng lương chuyên viên cao cấp, nhóm A3.1, mã ngạch 01.001, bậc 3/6, hệ số 6,92 từ tháng 12/2021, được bổ nhiệm ngạch Kiểm tra viên cao cấp của Đảng, nhóm A3.1, mã ngạch 04.023A, bậc 3/6, hệ số 6,92.
Thời điểm nâng lương lần sau tính từ tháng 12/2021.
III. THẨM QUYỀN BỔ NHIỆM NGẠCH
1. Đối với ngạch Kiểm tra viên cao cấp của Đảng
– Đối với thành viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Tổ chức Trung ương xem xét, quyết định bổ nhiệm ngạch kiểm tra. Đối với chức danh khác, Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, quyết định bổ nhiệm ngạch sau khi có ý kiến thống nhất của Ban Tổ chức Trung ương.
– Đối với cán bộ, công chức ở cơ quan ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, ủy ban kiểm tra phối hợp với ban tổ chức cấp ủy cùng cấp xem xét, trình ban thường vụ cấp ủy quyết định bổ nhiệm ngạch sau khi có ý kiến thống nhất của Ban Tổ chức Trung ương.
2. Đối với ngạch Kiểm tra viên chính và Kiểm tra viên của Đảng
– Vụ Tổ chức – Cán bộ lập danh sách cán bộ, công chức đủ điều kiện, tiêu chuẩn báo cáo lãnh đạo Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, quyết định.
– Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, phối hợp với ban tổ chức cấp ủy cùng cấp lập danh sách cán bộ, công chức thuộc đơn vị quản lý báo cáo ban thường vụ cấp ủy xem xét, quyết định đối với kiểm tra viên chính, báo cáo thường trực cấp ủy xem xét quyết định với kiểm tra viên.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương căn cứ Quy định này chỉ đạo triển khai thực hiện tại địa phương, đơn vị mình.
2. Ủy ban kiểm tra các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổng hợp báo cáo kết quả bổ nhiệm ngạch Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên đối với cán bộ, công chức thuộc địa phương, đơn vị mình gửi về Ủy ban Kiểm tra Trung ương để tổng hợp.
Cán bộ, công chức hưởng lương ngạch Kiểm tra Đảng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra của Đảng (riêng cán bộ, công chức đang hưởng lương ngạch cán sự công tác tại cơ quan ủy ban kiểm tra cấp huyện và tương đương được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo Hướng dẫn số 55-HD/BTCTW, ngày 31/12/2005 của Ban Tổ chức Trung ương).
Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, các đơn vị phản ảnh về Ủy ban Kiểm tra Trung ương để nghiên cứu, giải quyết./.
Văn bản mới
Văn bản xem nhiều