Tìm kiếm luật sư Việt Nam

Xử phạt BHXH: Mức lãi chậm nộp, mức xử phạt và trách nhiệm hình sự

Xử phạt BHXH: Mức lãi chậm nộp, mức xử phạt và trách nhiệm hình sự

Chuyên mục: Tin pháp luật

Xử phạt BHXH: Mức lãi chậm nộp, mức xử phạt và trách nhiệm hình sự. Các trường hợp phải tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Thứ nhất, khái quát chung về bảo hiểm xã hội

“Bảo hiểm xã hội”, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, được hiểu là một sự đảm bảo để người lao động có thể có một khoản tiền để thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của họ bị mất hoặc giảm đi do xảy ra những sự kiện khách quan như bị ốm đau, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc thai sản, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở mức đóng của người lao động vào quỹ của bảo hiểm y tế.

Hiện nay, việc tham gia bảo hiểm xã hội có thể được thực hiện qua hai loại hình bảo hiểm là: bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cả hai loại hình tham gia bảo hiểm này đều do Nhà nước tổ chức, tuy nhiên, nếu như với loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia được tự do trong việc lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập và điều kiện kinh tế của mình, trong đó có sự hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm từ Nhà nước thì bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình mà dù muốn hay không muốn thì người lao động và người sử dụng lao động vẫn phải có trách nhiệm tham gia và việc tham gia mang tính bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Về phương thức đóng và thời hạn đóng bảo hiểm xã hội: Tùy thuộc vào loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động tham gia mà phương thức đóng cũng như quy định về thời hạn đóng sẽ khác nhau. Cụ thể:

– Đối với loại hình bảo hiểm xã hội tự nguyện: Căn cứ theo quy định tại Điều 9, Điều 10 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tự lựa chọn phương thức đóng: đóng hàng tháng, đóng 03 tháng một lần, đóng 06 tháng một lần, đóng một năm một lần, hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu. Trên cơ sở phương thức đóng mà người tham gia bảo hiểm lựa chọn thì thời điểm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được xác định khác nhau. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 11 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, dù người tham gia bảo hiểm lựa chọn phương thức đóng như thế nào, mà nếu nộp tiền bảo hiểm xã hội tự nguyện quá thời điểm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của luật thì cũng chỉ bị coi là tạm dừng đóng bảo hiểm tự nguyện, chứ không bị xử phạt.

– Còn đối với loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc thì căn cứ theo quy định tại Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, đơn vị người sử dụng lao động có thể tham gia bảo hiểm cho người lao động bằng các phương thức như đóng hàng tháng, đóng 03 tháng hoặc 06 tháng một lần. Còn đối với người tham gia bảo hiểm là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hoặc đi theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề, hoặc đi theo dạng hợp đồng cá nhân thì có thể lựa chọn phương thức đóng 03 tháng/một lần, 06 tháng/một lần, hay 12 tháng/một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn ghi trong hợp đồng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tùy vào phương thức đóng mà đơn vị sử dụng lao động lựa chọn để đóng bảo hiểm cho người lao động thì thời điểm đóng cũng được xác định khác nhau. Cụ thể:

+ Nếu phương thức đóng bảo hiểm được lựa chọn là đóng hàng tháng thì thời điểm người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm cho người lao động tại cơ quan bảo hiểm là diễn ra trong tháng tham gia bảo hiểm đó, và chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, số tiền bảo hiểm phải được chuyển vào tài khoản chuyên thu của cơ quan bảo hiểm xã hội mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

+ Nếu phương thức đóng bảo hiểm được lựa chọn là đóng 03 tháng hoặc 06 tháng một lần thì đơn vị người sử dụng lao động phải đóng tiền bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm xã hội chậm nhất là đến ngày cuối cùng của phương thức đóng.

+ Đối với trường hợp người lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng bảo hiểm theo phương thức 03 tháng, 06 tháng, 12 tháng một lần hoặc đóng trước một lần theo thời hạn trong hợp đồng đưa người lao động ra nước ngoài thì người lao động tự mình trực tiếp đóng hoặc thông qua cơ quan đơn vị đưa người lao động ra nước ngoài làm việc đóng bảo hiểm cho cơ quan bảo hiểm trước khi đi ra làm việc ở nước ngoài.

+ Trường hợp đóng bảo hiểm cho thời gian còn thiếu từ 06 tháng trở xuống thì người lao động thông qua đơn vị đóng tiền cho cơ quan bảo hiểm trước khi nghỉ việc.

Đối với loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, khi đơn vị sử dụng lao động thực hiện việc nộp đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc quá thời hạn nộp tiền mà pháp luật đã quy định như trên thì cơ quan, đơn vị sử dụng lao động này có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP; đồng thời bị truy thu khoản tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng và tính lãi chậm đóng theo quy định của pháp luật.

Như đã xác định, phạm vi bài viết đề cập đến việc xử phạt khi chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội nên trên cơ sở phân tích hai loại hình bảo hiểm xã hội nêu trên, có thể khẳng định, đối tượng mà bài viết đề cập được xác định áp dụng cho loại hình  bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Thứ hai, về trách nhiệm pháp lý và mức xử phạt khi chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội

Đối với hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền tương ứng với 12% đến 15 % tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính. Nhưng mức tối đa của mức mức tiền phạt được xác định không quá 75.000.000 đồng.

Đồng thời, đơn vị sử dụng lao động còn bị truy thu số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm đóng và bị buộc đóng đủ số tiền lãi của số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội trong năm.

Về trách nhiệm hình sự: Hiện nay, về vấn đề bảo hiểm xã hội, trong Bộ luật hình sự năm 2015 chỉ quy định về tội gian lận bảo hiểm xã hội (Điều 214), và Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (Điều 216). Theo đó các hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực đóng bảo hiểm xã hội gồm:

– Lập hồ sơ giả hoặc làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội để lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội, chiếm đoạt số tiền bảo hiểm xã hội từ 10.000.000 đồng trở lên.

– Dùng hồ sơ giả hoặc hồ sơ đã bị sai lệch nội dung lừa dối cơ quan bảo hiểm xã hội chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội từ 10.000.000 đồng trở lên.

– Dùng những thủ đoạn gian dối hoặc thủ đoạn khác để trốn đóng, không đóng hoặc đóng không đầy đủ tiền bảo hiểm từ 06 tháng trở lên mà số tiền trốn đóng từ 50.000.000 đồng trở lên hoặc trốn đóng từ 10 người lao động trở lên.

– Đã thu tiền hoặc khấu trừ tiền bảo hiểm từ thu nhập của người lao động nhưng cố tình không đóng tiền bảo hiểm lên cơ quan bảo hiểm nhằm mục đích chiếm đoạt số tiền bảo hiểm.

Căn cứ vào nội dung phân tích nêu trên, có thể thấy, hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội không thuộc một trong các hành vi có dấu hiệu để bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015. Do vậy, có thể khẳng định, hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ ba, về mức tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội khi đơn vị chậm nộp tiền bảo hiểm xã hội

Căn cứ theo quy định tại Điều 37 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, khi đơn vị người sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 30 ngày trở lên tính từ ngày cuối cùng mà đơn vị phải nộp tiền bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 7 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2015 thì đơn vị người sử dụng lao động phải nộp tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội. Số tiền lãi chậm đóng được tính trên số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa đóng. Số tiền lãi này được tính vào ngày đầu hàng tháng.

Về mức tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được xác định theo công thức:

Lcđi = Pcđi x k (đồng) 

Trong đó:

– Lcđi: được xác định là số tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mà người sử dụng lao động phải đóng được tính tại tháng i (tính theo đơn vị đồng).

– k: lãi suất dùng để tính lãi chậm đóng Bảo hiểm xã hội tại thời thời điểm tính lãi. Tính theo đơn vị phần trăm (%). Trong đó mức lãi suất tính chậm đóng bảo hiểm xã hội được tính bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân năm trước liền kề theo tháng do cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố.

– Pcđi: Số tiền bảo hiểm xã hội mà đơn vị người sử dụng lao động chậm đóng quá thời hạn phải tính lãi tại tháng i (tính theo đơn vị đồng). Trong đó: số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng quá thời hạn phải tính lãi (Pcđi) sẽ được xác định bằng công thức: Pcđi = Plki – Spsi (đồng). 

Trong công thức này: + Plki: được hiểu là tổng số tiền bảo hiểm xã hội mà người sử dụng phải đóng lũy kế đến hết tháng trước liền kề tháng tính lãi i.

Spsi: là số tiền đóng bảo hiểm xã hội phải đóng phát sinh vào quỹ bảo hiểm xã hội nhưng chưa quá hạn. Số tiền này được xác định theo từng hình thức đóng: đóng hàng tháng hoặc đóng 03 tháng, hoặc 06 tháng một lần…

Trên cơ sở công thức này, doanh nghiệp sẽ xác định được việc nộp tiền lãi chậm đóng khi có hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội.

Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn Ánh Sao Xanh hiện đang đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hình thức đóng hàng tháng. Tuy nhiên, do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, mà công ty vẫn chưa đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động. Tính đến tháng 2/2019, công ty này còn nợ 200.000.000 đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó, số tiền bảo hiểm xã hội (chưa kể đến bảo hiểm y tế hay bảo hiểm thất nghiệp)  phát sinh của tháng 2/2019 là 100.000.000 đồng. Trường hợp này, để tính tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì cần xác định như sau:

+ Trước hết, về lãi suất chậm đóng bảo hiểm xã hội khi tính tiền lãi chậm đóng cho công ty Ánh Sao Xanh.

Căn cứ theo Thông báo số 44/TB-BHXH ngày 05/01/2019 của Bảo hiểm xã hội có quy định về mức lãi suất chậm đóng bảo hiểm xã hội, cụ thể: mức lãi suất đầu tư bình quân năm 2018 là 6,4%/năm.

Do công ty Ánh Sao Xanh chậm đóng bảo hiểm xã hội từ 30 ngày trở lên nên mức lãi suất chậm đóng bảo hiểm xã hội áp dụng cho công ty được xác định bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân năm trước liền kề theo tháng do cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố được xác định = 02 x 6,4%/năm = 12,8%/năm tương đương 1,067%/tháng.

+ Áp dụng công thức để tính lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội cho công ty Ánh Sao Xanh tại thời điểm ngày 01/03/2019 thì được xác định như sau:

Tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội = (200.000.000 đồng – 100.000.000 đồng) x 1,067%/tháng = 1.067.000 đồng.

Do vậy tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội của công ty Ánh Sao xanh tại thời điểm ngày 01/03/2019 được tính là 1.067.000 đồng.

Như vậy, việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là trách nhiệm bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động trong quan hệ lao động, nhằm đảm bảo chính sách an sinh xã hội dưới sự tổ chức của Nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế, vì nhiều lý do như khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh, thậm chí là hành vi cố tình chậm đóng tiền bảo hiểm mà một số doanh nghiệp vẫn chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội. Việc chậm đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng đến quỹ bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến việc giải quyết các chế độ cho người lao động. Với hành vi này, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính và phải chịu khoản tiền phạt, tiền lãi do chậm đóng số tiền bảo hiểm xã hội.

   

———————————-

LEGALZONE COMPANY

Hotline tư vấn:  0989.919.161

Email: [email protected]

Webside: https://legalzone.vn/

Head Office: ECOLIFE BUILDING, 58 To Huu Street,

Trung Van Ward, Nam Tu Liem District, Hanoi

———————————-

Tư vấn đầu tư nước ngoài/ Foreign investment consultantcy

Tư vấn doanh nghiệp/ Enterprises consultantcy

Tư vấn pháp lý/ Legal consultantcy

Xem thêm: Giải quyết các vấn đề tranh chấp khác tại:

https://legalzone.vn/tranh-chap-ve-cac-van-de-dan-su-khac/

Fb Legalzone: https://www.facebook.com/luatlegalzone.ltd

Tìm kiếm

VD: đơn ly hôn, ly hôn đơn phương, tư vấn luật, tư vấn pháp luật, đơn khởi kiện, luật sư tư vấn…

tu-van-phap-luat-theo-gio.png

ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN

Chọn vai trò người dùng để bắt đầu đăng ký