Bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự
Theo quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, có tính chất nguy hiểm cho xã hội và buộc phải xử lý hình sự.
Trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, không thiếu trường hợp gây ra thiệt hại về sức khỏe, nhân phẩm, ủy tín, tài sản của người khác…. Lúc này, ngoài chịu trách nhiệm hình sự, người phạm tội còn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, chỉ khởi tố vụ án hình sự về tội phạm khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết trong 10 trường hợp sau:
– Khoản 1 Tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
– Khoản 1 Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh với mức phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng;
– Khoản 1 Tội cưỡng dâm với mức phạt tù từ 01 – 05 năm…
Lúc này, nếu người phạm tội bồi thường thiệt hại và được bị hại rút yêu cầu khởi tố thì vụ án sẽ được đình chỉ. Trừ trường hợp có căn cứ xác định người bị hại bị ép buộc, cưỡng bức rút yêu cầu.
Đồng thời, theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự, người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và được người bị hại tự nguyện hòa giải, đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Như vậy, không phải mọi trường hợp khi người phạm tội đã bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự thì đều được miễn trách nhiệm hình sự mà chỉ những trường hợp đã phân tích ở trên mới có thể được.
Bồi thường thiệt hại chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?
Theo phân tích ở trên, không phải mọi trường hợp bồi thường thiệt hại đều có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Theo Điều 51 Bộ luật Hình sự, việc người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả chỉ là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Đây cũng là một trong những nguyên tắc xử lý người phạm tội nêu tại Điều 3 Bộ luật nêu trên. Theo đó, sẽ khoan hồng với người trong quá trình giải quyết vụ án mà ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.
Như vậy, có thể thấy quan niệm đã bồi thường dân sự trong vụ án hình sự, đã bồi thường thiệt hại sẽ không phải đi tù nữalà hoàn toàn sai lầm. Tùy từng mức độ của hành vi và việc bị hại có đơn yêu cầu, đề nghị thì người phạm tội sẽ được xem xét miễn hoặc giảm trách nhiệm hình sự.
Hỏi đáp với LegalZone
Đến nay gia đình bên em vẫn chưa nhận được số tiền bồi thường nay. Em kính hỏi luật sư theo luật thì em có phải làm đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại hay không? Và gửi đến chi cục thi hành án hay cơ quan thẩm quyền nào? Thời gian yêu cầu gia đình bi cáo bồi thường la bao nhiêu ngày có quy định theo luật tố tụng hình sự không? Kính mong luật sư giúp đỡ. Em xin thành thật cảm ơn!
>>>>> Tham khảo: Miễn chấp hành hình phạt tù
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty LegalZone. Trường hợp của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Căn cứ quy định tại Điểm a khoản 2 Điều 482 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về Những bản án, quyết định của Tòa án được thi hành:
“2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị:
Bản án, quyết định về … bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất tinh thần của công dân,…”.
Như vậy, sau khi có bản án, quyết định của tòa án thì bị đơn dân sự phải thi hành ngay bản án, quyết định đó. Điều đó có nghĩa là, gia đình phía bên kia phải có trách nhiệm bồi thường ngay cho gia đình bạn.
Theo quy định của Luật thi hành án dân sự 2008, sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thì Chi cục thi hành án sẽ để cho hai bên đương sự tự nguyện thực hiện, chấp hành bản án, quyết định của Tòa án.
Căn cứ quy định tại Khoản 19 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 về thời hạn tự nguyện thi hành án:
“1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
2. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.”
Do bạn không đưa đầy đủ dữ liệu về thời gian từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án cụ thể như thế nào. Nên nếu hết thời hạn này, họ không tự nguyện thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Trong trường hợp hết thời hạn trên mà cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định cưỡng chế thi hành thì bạn sẽ làm đơn gửi cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu thi hành án căn cứ quy đinh tại Khoản 13 Điều 1 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 về Đơn yêu cầu thi hành án:
“1. Đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung chính sau đây:
a) Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu;
b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
c) Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
d) Nội dung yêu cầu thi hành án;
đ) Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
2. Người làm đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên hoặc điểm chỉ; trường hợp là pháp nhân thì phải có chữ ký của người đại diện hợp pháp và đóng dấu của pháp nhân.
Trường hợp người yêu cầu thi hành án trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự thì phải lập biên bản ghi rõ các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu và chữ ký của người lập biên bản. Biên bản có giá trị như đơn yêu cầu thi hành án.
Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có.
3. Người yêu cầu thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án quy định tại Điều 66 của Luật này”
Căn cứ Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2008, cơ quan thi hành án có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án sau:
“1. Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
2. Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
3. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
4. Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
5. Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
6. Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.”
Nếu như, người phạm tội không đủ khả năng chi trả, thì cơ quan thi hành án sẽ xác định về điều kiện thi hành án, nếu họ vẫn có khả năng nhưng không thanh toán thì thực hiện khấu trừ trực tiếp vào tiền lương của họ thông qua gửi văn bản đề nghị tới đơn vị, doanh nghiệp họ làm việc để giải quyết. Trường hợp họ không có khả năng thanh toán thì ra quyết định việc họ chưa có điều kiện thi hành án, niêm yết trên trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự và gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi.
Do đó, việc thi hành án có thể kéo dài đến khi xác định được họ có khả năng để tiếp tục thi hành án (đây là do họ không có khả năng thanh toán nên cơ quan thi hành án không thực hiện thi hành án được, nên đây không phải lỗi do cơ quan nên khoản thiệt hại này bên cơ quan thi hành án không có nghĩa vụ bồi thường cho bạn). Cụ thể:
Căn cứ quy định tại Điều 44, luật thi hành án dân sự 2008 về Xác minh điều kiện thi hành án:
“1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh; trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.
Người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình.
2. Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.”
Vậy nên, trong trường hợp hết thời hạn 10 ngày từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án mà cơ quan thi hành án dân sự không ra quyết định cưỡng chế thi hành thì bạn sẽ làm đơn yêu cầu thi hành án gửi cơ quan thi hành án dân sự. Việc thi hành án có thể kéo dài đến khi xác định được họ có khả năng để thi hành án.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn pháp luật liên quan đến Bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự. Liên hệ với LegalZone ngay hôm nay để được giải đáp các vướng mắc pháp lý kịp thời bạn nhé!