Tin tức

Các loại tranh chấp hợp đồng? Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng?

Bạn đang gặp phải các vướng mắc liên quan đến vấn đề tranh chấp hợp đồng thì hãy tham khảo ngay bài chia sẻ dưới đây của các luật sư tại Legalzone!

1. Tranh chấp hợp đồng

Tranh chấp hợp đồng phát sinh khi các bên tham gia giao kết hợp đồng có những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm liên quan đến việc thực hiện hoặc không thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà hai bên đã thỏa thuận được ghi nhận trong nội dung của hợp đồng. Việc mâu thuẫn về nội dung hợp đồng có thể xuất phát từ việc đánh giá hành vi vi phạm, cách hiểu nội dung/ ngôn từ trong hợp đồng, cách thức giải quyết hậu quả phát sinh hoặc có vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

Tranh chấp hợp đồng ở đây thông thường có liên quan đến những loại hợp đồng chủ yếu như: hợp đồng thương mại, hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động,…

Tranh chấp hợp đồng luôn được giải quyết công bằng và công khai với những bên tham gia hợp đồng. Các bên có thể lựa chọn một phương thức phù hợp để giải quyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng, vừa đảm bảo cho trật tự pháp luật và ý thức tôn trọng pháp luật

2. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng

Khi có tranh chấp về cách hiểu nội dung trong hợp đồng thì các bên có thể lựa chọn một trong những phương thức sau đây để giải quyết.

+ Thứ nhất, phương thức thương lượng, hòa giải:

Đây là cách thức đầu tiên xuất hiện khi có bất kỳ vấn đề xung đột nào xảy ra, trong tất cả lĩnh vực và đương nhiên giải quyết tranh chấp hợp đồng cũng nên ưu tiên sử dụng đến phương thức này. Việc thương lượng, hòa giải diễn ra giữa các bên tranh chấp, cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận để đi đến cách hiểu thống nhất nội dung hợp đồng và đưa ra được phương án có lợi nhất, giảm thiểu nhiều thiệt hại nhất cho cả hai bên. Tức là để hai bên đều có lợi và đều tự nguyện thực hiện phương án đã thỏa thuận hòa giải.

Hai bên tự tổ chức các buổi đàm phán thiện chí để thương lượng, trao đổi với nhau. Đây là cách thức giải quyết tranh chấp được coi trọng tại Việt Nam. Nếu hai bên không thể đi đến kết luận khi hòa giải thì mới phải lựa chọn những phương thức hòa giải khác. Tại Việt Nam, số lượng các vụ việc kinh tế được giải quyết bằng phương thức hòa giải tính bình quân phải chiếm khoảng 50% so với tổng số vụ việc được giải quyết tại Tòa án.

Phương thức thương lượng, hòa giải có rất nhiều ưu điểm như: đây là phương thức giải quyết nhanh chóng, đơn giản mà không mất phí; đây cũng là phương thức đầy thiện chí, một khi hai bên đã hòa giải được tức đồng nghĩa không phân định kẻ thắng hay người thua, tránh gây xung đột, đối đầu cho hai bên và có thể sau đó hai bên vẫn có thể hợp tác vui vẻ với nhau; việc giải quyết hòa giải tức chỉ có hai bên xung đột tham gia thương lượng, đàm phán mà không xuất hiện thêm bên thứ ba thì các bên sẽ giữ kín được các bí mật kinh doanh cũng như liên quan đến hóa đơn, chứng từ trong quá trình hợp tác kinh doanh; và đương nhiên việc giải quyết hòa giải êm đẹp cũng không gây mất hình ảnh, uy tín của các bên. Việc hòa giải bao giờ cũng xuất phát từ ý chí tự nguyện của hai bên nên khi đã thỏa thuận được thì hai bên sẽ nghiêm túc thực hiện, tức tranh chấp được giải quyết triệt để trên cả thực tế.

Tuy có nhiều ưu điểm, nhưng phương thức hòa giải vẫn còn một số hạn chế: việc hòa giải thành hay không thành phụ thuộc rất lớn về sự thiện chí cũng như sự bình tĩnh, hiểu biết của các bên tranh chấp nên có thể việc giải quyết bị kéo dài, bế tắc và có thể dẫn đến hậu quả hết thời hạn khởi kiện để giải quyết tranh chấp tại Tòa án. Tiếp nữa việc giải quyết bằng phương thức này không được bảo đảm bằng cơ chế pháp lý, mang tính bắt buộc, kết quả hòa giải đương nhiên cũng có thể không được bảo đảm thực hiện.

Phương thức thương lượng, hòa giải nêu trên đang phân tích dưới dạng tự hòa giải, tức các bên tự bàn bạc để đi đến ý kiến thống nhất phương án giải quyết mà không có bất cứ bên thứ ba nào can thiệp vào. Đây là một trong những phương thức chính để giải quyết tranh chấp. Còn thật ra, việc hòa giải còn đóng vai trò là bước đệm cho những phương thức giải quyết khác, như: hòa giải trong thủ tục tố tụng, hòa giải qua trung gian,…

+ Thứ hai, Phương thức giải quyết bởi Trọng tài thương mại 

Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại chỉ áp dụng đối với những hợp đồng có liên quan đến thương mại, nếu chỉ liên quan đến những vấn đề dân sự thông thường thì không thể lựa chọn cách thức này để giải quyết. Các bên có tranh chấp hợp đồng có thể thỏa thuận và ghi nhận bằng văn bản về việc khi phát sinh tranh chấp thì lựa chọn giải quyết bởi Trọng tài thương mại. Đây là cách thức giải quyết tranh chấp qua Trọng tài viên – bên thứ ba độc lập nhằm chấm dứt mâu thuẫn đưa ra phán quyết yêu cầu các bên phải thi hành theo.

Thực tế, đây là phương thức bắt nguồn từ sự tự nguyện thỏa thuận của các bên và không mang ý chí quyền lực nhà nước. Tại Việt Nam, Trọng tài thương mại là tổ chức phi chính phủ, được hoạt động trên pháp luật và quy chế trọng tài quốc tế. Cơ chế giải quyết bằng trọng tài thì được thể hiện ở cả hai yếu tố là thỏa thuận và tài phán, coi như một cách khác của việc nói “tự do trong khuôn khổ”.

Khi đã lựa chọn cách thức giải quyết trọng tài, các bên có thể lựa chọn trung tâm trọng tài, trọng tài viên, luật áp dụng nhưng khi đã có kết quả giải quyết – phán quyết của trọng tài thì các bên có nghĩa vụ phải thực hiện. Trọng tài giải quyết theo nguyên tắc xét xử một lần và phán quyết của trọng tài mang tính chung thẩm và không thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định tố tụng dân sự. Phán quyết có giá trị hiệu lực thi hành với các bên và nếu bên nào không thi hành thì bên còn lại có quyền yêu cầu ra Tòa án công nhận phán quyết và yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành.

Khi giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài thương mại có những ưu điểm so với các phương thức khác là:

Thủ tục trọng tài tương đối đơn giản và nhanh chóng. Khi giải quyết các bên hoàn toàn có quyền và có khả năng tác động đến quá trình trọng tài, thể hiện bằng quyền chỉ định trọng tài viên (nếu chọn được trọng tài viên nắm bắt chắc kiến thức, nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu về vấn đề tranh chấp thì việc giải quyết tranh chấp sẽ diễn ra nhanh chóng và chính xác). Mặc dù có sự can thiệp của một bên thứ ba vào quá trình giải quyết tranh chấp nhưng nguyên tắc của trọng tài là không công khai nên vẫn hạn chế được việc bị lộ những thông tin bí mật kinh doanh, từ đó cũng giữ được uy tín của các bên với các đối tác khác và trên cả thương trường. Ưu điểm cuối cùng của phương thức giải quyết bằng Trọng tài là không có sự can thiệp của quyền lực nhà nước nên rất phù hợp với việc giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài (ví dụ như đối tác làm ăn là công ty nước ngoài, hay đối tượng giao dịch nằm tại nước ngoài, …).

Có rất nhiều ưu điểm nhưng phương thức Trọng tài cũng không phải không có mặt hạn chế. Cũng như phương thức giải quyết thương lượng, hòa giải trên thì kết quả hòa giải chưa mang tính cưỡng chế thi hành, Trọng tài không phải là một trong những đại diện thực hiện quyền tư pháp của Việt Nam. Do đó, việc thực hiện quyết định trọng tài vẫn là phụ thuộc vào sự tự nguyện của các bên nên có thể không đạt được kết quả thực sự trên thực tế.

+ Thứ ba, Phương thức giải quyết tranh chấp qua Tòa án

Khi tranh chấp Hợp đồng phát sinh, nếu các bên không tự thương lượng, hòa giải với nhau thì có thể được giải quyết tại Tòa án. Tùy theo tính chất của Hợp đồng là kinh tế hay dân sự mà các tranh chấp phát sinh có thể được Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng kinh tế hay thủ tục tố tụng dân sự.

Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng qua Tòa án có một số ưu điểm sau đây: Tòa án là một cơ quan tư pháp của nhà nước, mang và đại diện cho quyền lực nhà nước vậy nên khi có kết quả hòa giải của Tòa án, tức quyết định giải quyết của Tòa án sẽ mang tính cưỡng chế thi hành với các bên. Các bên phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phải thực hiện quyết định của Tòa án nếu không sẽ bị áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án. Với nguyên tắc thực hiện hai cấp xét xử tại Việt Nam hiện nay thì việc giải quyết tranh chấp tránh được những sai sót và có khả năng phát hiện, khắc phục. Một ưu điểm riêng, tại Việt Nam thì chi phí giải quyết qua Tòa án rẻ hơn so qua Trọng tài (án phí thấp hơn lệ phí Trọng tài).

Dĩ nhiên cũng như hai phương thức giải quyết tranh chấp trên, phương thức này cũng không hẳn toàn vẹn, vì nó cũng còn một số bất cập như việc thực hiện thủ tục tố tụng Tòa án tốn khá nhiều thời gian, nhiều vụ việc có thể kéo dài đến vài năm mà chưa giải quyết xong. Trừ việc cung cấp tài liệu, bằng chứng, chứng cứ và biện luận khi tranh tụng thì các bên không thể can thiệp vào quá trình tố tụng và phán quyết của Tòa án. Với nguyên tắc xét xử công khai thì các bên có thể sẽ bị lộ một số thông tin liên quan đến làm ăn, kinh doanh, hóa đơn, chứng từ và có thể bị sụt giảm về uy tín của mình. Với những tranh chấp có yếu tố nước ngoài thì việc lựa chọn Tòa án, lựa chọn luật áp dụng còn phụ thuộc vào hợp đồng, các bên và những điều khoản quốc tế, điều khoản song phương giữa các quốc gia đã ký kết nên thủ tục giải quyết còn nhiều vướng mắc.

   

———————————-

LEGALZONE COMPANY

Hotline tư vấn:  088.888.9366

Email: [email protected]

Webside: https://legalzone.vn/

Head Office: ECOLIFE BUILDING, 58 To Huu Street,

Trung Van Ward, Nam Tu Liem District, Hanoi

———————————-

Tư vấn đầu tư nước ngoài/ Foreign investment consultantcy

Tư vấn doanh nghiệp/ Enterprises consultantcy

Tư vấn pháp lý/ Legal consultantcy

Xem thêm: Giải quyết các vấn đề tranh chấp khác tại:

https://legalzone.vn/tranh-chap-ve-cac-van-de-dan-su-khac/

Fb Legalzone: https://www.facebook.com/luatlegalzone.ltd