Luật hình sự

Hung khí nguy hiểm

Việc dùng hung khí nguy hiểm sẽ làm tăng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội nên đây là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Vì vậy, việc hiểu rõ thế nào là vũ khí nguy hiểm rất quan trọng trong thực tiễn xét xử. LegalZone xin tư vấn cụ thể các quy định liên quan đến hung khí nguy hiểm trong bài viết dưới đây.

 

Hung khí nguy hiểm theo quy định của Bộ luật Hình sự

Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 1999) và Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Sau đây gọi là Bộ luật Hình sự năm 2015) thì việc sử dụng “hung khí nguy hiểm” là một trong những căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự và quyết định mức hình phạt đối với tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác. Bởi vì, việc dùng hung khí nguy hiểm sẽ làm tăng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội nên đây là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, hiểu hung khí nguy hiểm là gì thì thực tiễn xét xử thời gian qua còn có sự nhận thức khác nhau. Không chỉ nhận thức của những người tiến hành tố tụng mà ngay cả hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vấn đề này cũng chứa đựng những điều bất ổn về mặt lý luận cũng như đối chiếu với tinh thần của pháp luật thực định.
 

Hung khí nguy hiểm theo các văn bản pháp luật có liên quan

Tại tiểu mục 3.1 Mục 3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn: “Dùng hung khí nguy hiểm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 104 của Bộ luật Hình sự là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm theo hướng dẫn tại các tiểu 2.1 và 2.2 mục 2 Phần I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17.4.2003 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

 

Tại các tiểu mục 2.1 và 2.2 mục 2 của Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP nêu trên đã hướng dẫn: “2.1. Vũ khí là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (ban hành kèm theo Nghị định số 47/CP ngày 12.8.1996 của Chính phủ).2.2. Phương tiện nguy hiểm là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của người bị tấn công. (a). Về công cụ, dụng cụ: Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn…; (b). Về vật mà người mà người phạm tội chế tạo ra: Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ… c. Về vật có sẵn trong tự nhiên: Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt…”.

 

Như vậy có thể thấy, hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP viện dẫn ở trên đã đồng nhất khái niệm “dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khái niệm “sử dụng vũ khí, phương tiện khác” quy định trong tội cướp tài sản.

 

Ví dụ: Tội cố ý gây thương tích là hành vi dùng vũ lực tác động vào cơ thể của người bị hại gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe. Đây là tội có cấu thành vật chất, hành vi phạm tội phải gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì tội phạm mới hoàn thành. Tỷ lệ thương tích vừa là yếu tố định tội (khung cơ bản) vừa là yếu tố định khung tăng nặng. Tỷ lệ thương tích gây ra càng cao thì khung hình phạt quy định cũng như hình phạt được áp dụng càng cao (tỷ lệ thuận). Nếu loại trừ yếu tố chủ quan của người phạm tội thì việc sử dụng vũ khí, phương tiện khác có tính năng càng cao (độ sắc, nhọn, cứng, nặng,…) thì thương tích gây ra càng cao. Khác với tội cướp tài sản, hậu quả của tội cố ý gây thương tích là thương tích đã gây ra, do đó việc sử dụng công cụ, phương tiện để gây ra thương tích là đặc điểm riêng của tội này. Khi người phạm tội sử dụng vũ khí, phương tiện thực hiện hành vi gây thương tích thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo mức độ nặng nhẹ tương ứng với thương tích gây ra cho nạn nhân. Thực tế cho thấy, để gây ra thương tích cho người khác không một ai lựa chọn sử dụng các vật nhẹ, mềm để làm công cụ, phương tiện phạm tội. Hung khí nguy hiểm có thể là một trong những loại vũ khí hoặc phương tiện khác, tuy nhiên không phải mọi loại vũ khí và phương tiện khác đều là hung khí nguy hiểm. Cần phải hiểu hung khí nguy hiểm trong tội cố ý gây thương tích là những loại công cụ, phương tiện mà khi người phạm tội sử dụng ngoài việc gây ra thương tích còn có nguy cơ gây thiệt hại cho tính mạng của nạn nhân (hậu quả khác với hậu quả của tội cố ý gây thương tích). Chẳng hạn như dùng dao nhọn đâm vào ngực, vào bụng nạn nhân là thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm; còn trường hợp dùng gạch, đá, gậy cứng đánh vào tay, vào chân của người bị hại thì không thể coi là dùng hung khí nguy hiểm. Do đó, không thể đồng nhất khái niệm dùng hung khí nguy hiểm trong tội cố ý gây thương tích với khái niệm sử dụng vũ khí, phương tiện khác trong tội cướp tài sản.

Hỏi đáp về cố ý gây thương tích bằng hung khí nguy hiểm

Vụ việc xảy ra đối với cha và anh tôi , trên đường đi làm về thì có 2 người đàn ông che mặt và trên tay họ cầm thanh sắt dài khoảng 70cm đánh vào đầu anh tôi nhưng anh tôi đã tránh được nên bị thương nhẹ ở phần đầu và cha tôi thì bị phồng bàn tay và gây hỏng phần trước chiếc xe máy của cha tôi . Vì họ che luôn biển số xe và chạy với tốc độ nhanh nên anh tôi không theo kịp. Hiện tôi muốn trình bày sự việc lên công an phường.

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật LegalZone, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 Điều 134 Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy định:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;….”
 
Trong trường hợp của bạn, chúng tôi xin phân tích như sau:

–  Người thực hiện hành vi: bạn cung cấp thông tin là 2 người đàn ông nên có thể họ đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

–  Hành vi phạm tội: hành vi cầm thanh sắt 70cm đánh vào đầu anh trai bạn là hành vi cố ý gây thương tích.

–  Hậu quả: bạn không đề cập chi tiết những tổn hại sức khỏe của anh trai và cha bạn được ghi nhận trong giấy giám định sức khỏe. Bạn chỉ đề cập tới hậu quả anh trai bạn bị thương nhẹ và cha bạn bị phồng bàn tay và phần trước của xe bị xước.
Việc xác định cụ thể sức khỏe bị tổn hại sẽ là yếu tố định khung hình phạt cho hành vi của hành vi này.

-Mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả: hành vi cầm thanh sắt đanh vào đầu anh trai bạn đã trực tiếp gây ra thương tích cho anh trai và cha bạn khi đang điều khiển xe trên đường.

Như vậy,  trường hợp đáp ứng được các điều kiện trên thì hành vi của 2 người đàn ông này cấu thành tội cố ý gây thương tích theo điều 134 Bộ luật hình sự.

Vì hai người đàn ông tiến hành hành vi cố ý gây thương tích và sau đó bỏ chạy nên việc cần làm ngay lúc đó của cha và anh trai bạn đó là đến cơ quan công an phường trình báo sự việc. Và cơ quan công an sẽ tiến hành điều tra, xác minh và giải quyết vụ việc này. Anh trai và cha bạn cần tới cơ sở y tế khám chữa bệnh để xác định tỉ lệ thương tích của mình và lấy đó làm căn cứ chứng minh thiệt tổn thất về sức khỏe và chứng minh hậu quả của hành vi hai người đàn ông kia gây ra. Việc xác định tỷ lệ thương tật này để định khung hình phạt cho tội cố ý gây thương tích của hai người đàn ông kia.

Liên hệ LegalZone ngay hôm nay để được tư vấn bất kỳ vướng mắc pháp lý nào bạn nhé!

Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ

LEGALZONE COMPANY

Hotline tư vấn:  088.888.9366

Email: [email protected]

Website: https://legalzone.vn/

https://thutucphapluat.vn/

Địa chỉ: Phòng 1603, Sảnh A3, Toà nhà Ecolife, 58 Tố Hữu, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội

———————————-

Tư vấn đầu tư nước ngoài/ Foreign investment consultantcy

Tư vấn doanh nghiệp/ Enterprises consultantcy

Tư vấn pháp lý/ Legal consultantcy

Fb Legalzone: https://www.facebook.com/luatlegalzone.ltd