Tin Tức Mới

Phân tích Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép

Đừng vào tù vì thiếu hiểu biết

Dịch Bệnh covid đang hoành hành phức tạp. Tuy nhiên, cần có cái nhìn pháp lý về tội phạm này, tránh bỏ lọt tội phạm càng không để oan sai.
Bài viết do Luật Sư Trần Đức Thành – Đoàn luật sư Hà Nội biên soạn, có tổng hợp các ý kiến từ Toà án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Đang sửa

1. Định nghĩa Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép

Điều 348. Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép 

1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với từ 05 người đến 10 người;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Đối với 11 người trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết người.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(văn bản hợp nhất 01/vbhn-vpqh năm 2017 hợp nhất bộ luật hình sự do văn phòng quốc hội ban hành)

Cấu thành tội phạm:

Khách thể của tội phạm: 

Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép được quy định tại điều 348 BLHS 2015:

1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

…..

Trước tiên ta phải hiểu xuất cảnh, nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép là gì?

Xuất cảnh, nhập cảnh trái phép là gì?

Căn cứ theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam 2019; Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 thì ta có thể hiểu như sau:

  • Xuất cảnh là việc người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam
  • Nhập cảnh việc người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam vào lãnh thổ Việt Nam qua cửa khẩu của Việt Nam.

Từ cách hiểu trên, ta có thể hiểu xuất, nhập cảnh trái phép là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đi vào lãnh thổ Việt Nam không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc không đúng với trình tự thủ tục mà pháp luật Việt Nam quy định. Đây là hành vi cố ý và xâm phạm trực tiếp tới trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh.

Ở lại Việt Nam trái phép

Người nào nhập cảnh hợp pháp mà tiếp tục ở lại Việt Nam khi đã hết thời hạn lưu trú theo quy định hoặc người sau khi đã nhập cảnh trái phép có hành vi lưu trú tại Việt Nam

Kết luận: Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý hành chính mà cụ thể khách thể trực tiếp bị xâm phạm theo quy định của điều luật trên là trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất, nhập cảnh, cư trú tại Việt Nam.

Tính nguy hiểm của hành vi phạm tội được quy định tại Điều luật này được thể hiện ở chỗ, nó đã xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú ở Việt Nam; xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, làm giảm hiệu quả và hiệu lực quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú ở Việt Nam. Tội phạm này được quy định nhằm đấu tranh phòng chống các hành vi xuất cảnh, nhập cảnh, hoặc ở lại Việt Nam trái phép.

Mặt khách quan của tội phạm: 

Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện ra bên ngoài của tội phạm, bao gồm những biểu hiện diễn ra và tồn tại bên ngoài thế giới khách quan.

Mặt khách quan của tội phạm trong trường hợp này quan trọng nhất để phân biệt các tội danh khác là: Biết rõ hoặc buộc phải biết mục đích của người muốn xuất nhập cảnh trái phép ( nhận thức rõ đây là hành vi trái pháp luật). Ví dụ: Quán bán Cafe phục vụ khách hàng nước ngoài nhưng không biết khách nước ngoài đang ở Việt Nam trái phép và cũng không có quyền, nghĩa vụ buộc phải kiểm tra do vậy chủ quán Cafe không phải chịu trách nhiệm trong trường hợp này; Trường hợp khách sạn cho khách hàng nước ngoài lưu trú nhưng không biết khách hàng đang ở Việt Nam trái phép, chủ khách sạn cũng không khai báo. Trường hợp này chủ khách sạn phải chịu trách nhiệm do có nghĩa vụ phải kiểm tra và khai báo.

Ngoài ra, dưới đây là những phân tích mang tính khoa học pháp lý:

Điều 348 BLHS 2015 quy định 6 tội độc lập: Tội tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép; Tội môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Mặt khách quan của tội phạm được thực hiện ở dạng hành động.

– Tội tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép thể hiện là hành vi vì mục đích thu lợi bất chính đã chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy giúp người khác ra khỏi biên giới Việt Nam hoặc vào lãnh thổ Việt Nam không có giấy phép theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh.

Có thể là hành vi lập kế hoạch, tổ chức, chỉ huy, lôi kéo, thu gom tiền vàng để mua sắm phương tiện, vật tư, lương thực, thực phẩm hoặc giấy tờ cần thiết cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, thực hiện các công việc khác cần thiết cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép với vai trò là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy nhằm đưa người khác đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đi vào lãnh thổ Việt Nam không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không có các giấy tờ theo quy định của Nhà nước về xuất nhập cảnh, như không có hộ chiếu, visa hoặc có nhưng không thị thực,… để thu lợi bất chính.

Nếu việc tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép được thực hiện bằng việc sử dụng giấy tờ giả thì hành vi sẽ cấu thành hai tội: Tội tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

  • Tội môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép, được thể hiện bằng các hành vi, hình thức sau:

+ Vì mục đích thu lợi bất chính làm môi giới, trung gian, cầu nối theo yêu cầu của cả người xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép với người có khả năng tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép. Trong trường hợp này, người làm môi giới chỉ giới thiệu hai người này với nhau rồi họ tự bàn bạc, thỏa thuận với nhau các phương thức, cách thức, giá cả, … nhằm đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đi vào lãnh thổ Việt Nam không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thu lợi bất chính. Hành vi môi giới chỉ cấu thành tội phạm nếu người môi giới nhận thức được hành vi của mình là để hai bên thỏa thuận về việc cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép.

+ Vì mục đích thu lợi bất chính mà theo yêu cầu của người xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép hoặc của người có khả năng tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép, người môi giới trực tiếp đến gặp người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc người có khả năng tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép để thỏa thuận về các phương thức, cách thức, giá cả, … cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép.

  • Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép được thể hiện bằng mục đích thu lợi bất chính mà lập kế hoạch, tổ chức, chỉ huy, lôi kéo nhằm giúp người nước ngoài ở lại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam. Người có nhu cầu ở lại Việt Nam trái phép là khi nhập cảnh vào Việt Nam hợp pháp nhưng không rời khỏi Việt Nam theo thời hạn quy định.
  • Tội môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép: thể hiện ở hành vi dẫn dắt, làm trung gian cho người có nhu cầu ở lại Việt Nam trái phép với người có khả năng tổ chức người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép nhằm giúp người nước ngoài ở lại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam để thu lợi bất chính. Người có nhu cầu ở lại Việt Nam trái phép là khi nhập cảnh vào Việt Nam hợp pháp nhưng không rời khỏi Việt Nam theo thời hạn quy định.

Đối với loại tội này (tội tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép) sẽ gặp khó khăn, vướng mắc trong việc định tội danh đối với trường hợp một người có hành vi tổ chức, môi giới cho những người đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, không được cấp phép ở Việt Nam mà ở lại Việt Nam bất hợp pháp trong một thời gian thì có phạm tội tổ chức, môi giới người khác ở lại Việt Nam trái phép hay không?, đây là vấn đề cần được hướng dẫn cụ thể (vấn đề này sẽ nêu rõ hơn ở phần sau).

Chủ thể của tội phạm: 

Chủ thể của tội danh này là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.

Mặt chủ quan của tội phạm: 

Tội phạm này thực hiện do lỗi cố ý có mục đích và động cơ vụ lợi. Dấu hiệu “vì vụ lợi” là dấu hiệu bắt buộc của loại tội phạm này. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vì vụ lợi, lợi ích cá nhân nên mong muốn thực hiện hành vi đó.

2. Phân biệt với các tội khác

Phân biệt hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép” (Điều 348 BLHS) với hành vi “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài” (Điều 349 BLHS):

Hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép quy định tại Điều 348 BLHS là vì động cơ vụ lợi mà tổ chức, môi giới cho người khác từ Việt Nam ra nước ngoài trái phép chỉ với mục đích đưa người khác qua biên giới. Ví dụ: A được trả tiền để dẫn 03 người qua đường mòn khu vực biên giới Việt Nam sang Trung Quốc. Còn hành vi tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài quy định tại Điều 349 BLHS là tổ chức, môi giới cho người khác ra khỏi lãnh thổ Việt Nam với mục đích để người đó trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Tổng kết thực tiễn thấy, người trốn đi nước ngoài chủ yếu nhằm trốn tránh pháp luật Việt Nam (trốn truy nã, trốn nợ,…) hoặc để lao động, cư trú trái phép ở nước ngoài…; người phạm tội thường thực hiện một chuỗi hành vi, như: Thỏa thuận với khách (chi phí, thời gian, địa điểm đi, đến, phương tiện, thủ đoạn trốn,…).

Việc xử lý hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép (Điều 348 BLHS) hoặc tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài (Điều 349 BLHS) nhưng chưa đưa được qua biên giới thì bị phát hiện, bắt giữ. Đối với hành vi tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép hoặc trốn đi nước ngoài nhưng chưa đưa được qua biên giới, thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đưa được qua biên giới mà bị phát hiện, bắt giữ, nhưng người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan trong cấu thành tội phạm, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội chưa đạt.

Việc xử lý đối với trường hợp đưa người đã nhập cảnh trái phép vào sâu trong nội địa Việt Nam: Trường hợp đưa dẫn người nhập cảnh trái phép đi sâu vào nội địa Việt Nam, thì tùy từng vụ việc cụ thể để đánh giá, phân loại, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp người được thuê biết trước việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã thoả thuận hoặc tiếp nhận ý chí của người tổ chức, môi giới, đưa dẫn người vào sâu trong nội địa Việt Nam, thì xử lý về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép” với vai trò đồng phạm. Trường hợp biết rõ người khác đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, nhưng vì vụ lợi đã đưa dẫn người đó vào sâu trong nội địa Việt Nam để lưu trú, tìm việc làm, thì xem xét xử lý về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.

Ví dụ 1: A biết B sẽ tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép qua biên giới Lạng Sơn để vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vì vụ lợi vẫn giúp B đưa người nước ngoài từ Lạng Sơn vào Thành phố Hồ Chí Minh. Trường hợp này, A bị xử lý về “Tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép” với vai trò đồng phạm.

Ví dụ 2: C hành nghề lái xe ô tô Grab, biết rõ một số người Trung Quốc đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và đang có nhu cầu đi từ khu vực biên giới vào TP. Hà Nội để tìm việc làm. Vì vụ lợi, C đồng ý chở các đối tượng này và bị bắt giữ trên đường. Trường hợp này, xem xét xử lý C về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.

– Việc xác định yếu tố “vụ lợi” quy định tại Điều 348 BLHS:

Yếu tố “vụ lợi” quy định tại khoản 1 Điều 348 BLHS là động cơ người phạm tội nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng cho mình hoặc cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Qua thực tiễn thấy, động cơ của người phạm tội chủ yếu vì lợi ích vật chất, trường hợp người phạm tội vì lợi ích phi vật chất thì cần phải chứng minh rõ lợi ích phi vật chất đó để bảo đảm việc buộc tội có căn cứ.

– Việc xác định số tiền thu lợi bất chính quy định tại các điều 348 và 349 BLHS:

Trường hợp người phạm tội thu tiền để tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép, nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép hoặc trốn đi nước ngoài, đã chi phí một số khoản tiền thì tùy trường hợp cụ thể để xem xét, xác định là thu lợi bất chính quy định tại các điều 348 và 349 BLHS. Đối với số tiền đã chỉ thực tế và hợp lý cho việc tổ chức, môi giới như: Chi phí làm visa, mua vé máy bay, thuê dịch vụ vận tải,… thì không tính vào số tiền đã thu lợi bất chính.

(Hướng dẫn số 1557/VKSTC-V1)

3. Lái xe taxi phạm tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép trong trường hợp nào?

Trường hợp lái xe taxi có đầy đủ điều kiện hành nghề ( Coming soon)

 

4. Ví dụ Thực tế vụ án Vận chuyển 19 người trung quốc xuất cảnh trái phép tại Lạng Sơn ngày 25/07/2020.

( Coming soon)

———————————-

LEGALZONE COMPANY

Hotline tư vấn:  088.888.9366

Email: [email protected]

Webside: https://legalzone.vn/

Địa chỉ: Phòng 1603, Sảnh A3, Toà nhà Ecolife, 58 Tố Hữu, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội

———————————-

Tư vấn đầu tư nước ngoài/ Foreign investment consultantcy

Tư vấn doanh nghiệp/ Enterprises consultantcy

Tư vấn pháp lý/ Legal consultantcy

Fb Legalzone: https://www.facebook.com/luatlegalzone.ltd

Related Posts