Tin tức

Vay nợ, vay tiền của người khác không trả được có phải đi tù không?

Vay nợ là quan hệ dân sự xảy ra thường xuyên, phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Vậy vay tiền không trả bị xử lý như thế nào?

Cá nhân, tổ chức vay tiền nhưng không trả được sẽ bị khởi kiện ra Tòa án nhân dân

Căn cứ theo Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:

+ Bên vay tài sản mà tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn thanh toán, nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng trọng lượng, chất lượng, trừ trường hợp bên vay và bên cho vay có thỏa thuận về việc bên cho vay cho phép bên vay có thể trả trễ hẹn.

+ Đối với trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo giá trị của vật đã vay tại địa điểm trả nợ khi được bên cho vay đồng ý.

+ Đối với những hợp đồng vay có thể hiện phần lãi thì ngoài việc phải trả các khoản nợ gốc thì phía bên vay còn phải trả cả phần lãi trong hạn và lãi quá hạn (nếu có).

Như vậy, đối chiếu với quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì nếu đến thời hạn vay mà bên vay không thanh toán theo đúng thời hạn trên hợp đồng vay hay giấy ghi nợ thì bên vay sẽ phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ số tiền gốc + lãi trong kỳ hạn + lãi quá kỳ hạn. Tuy nhiên, đến thời hạn trả nợ mà bên vay không có khả năng thanh toán toàn bộ số tiền cho bên cho vay thì bên vay phải chủ động liên hệ với bên cho vay để thỏa thuận lại việc trả nợ, nếu bên cho vay không đồng ý thì bên cho vay có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân để yêu cầu bên vay phải trả toàn bộ số tiền.

Vay tiền không thanh toán bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Thực tế cho thấy, có một số trường hợp bên vay không thanh toán số tiền vay cho bên cho vay mà có một trong số những hành vi như: dùng thủ đoạn gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản hay có hành vi lạm dụng tín nhiệm, lạm dụng sự tin tưởng của bên cho vay nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Vậy, hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản và hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được hiểu như thế nào, chúng tôi xin được phân tích như sau:

Thứ nhất, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Căn cứ theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có quy định như sau:

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

Một là, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn tiếp tục vi phạm.

Hai là, đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật.

Ba là, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội: trật tự, an toàn xã hội là trạng thái xã hội có trật tự, kỷ cương, trong đó mọi người có cuộc sống yên ổn trên cơ sở các quy phạm pháp luật và chuẩn mực đạo đức, pháp lý xác định. Công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội là giữ gìn trạng thái bình yên, an toàn, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, đấu tranh tội phạm, tệ nạn và các hành vi vi phạm pháp luật có ảnh hưởng đến trạng thái đó và công tác bảo đảm trật tự, an ninh, an toàn xã hội.

Bốn là, tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Liên quan tới tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tùy vào từng mức độ vi phạm và số tiền chiếm đoạt mà nhà làm luật đặt ra các khung hình phạt khác nhau, trong đó khung hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể lên tới tù chung thân.

Để có thể tìm hiểu rõ hơn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chúng tôi xin được phân tích cấu thành tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:

(i) Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khách thể của tội phạm chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, đây cũng là một trong những điểm khác biệt giữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với các tội phạm khác, điều này cũng được thể hiện trong cấu thành tội phạm của tội này mà nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe là tình tiết định khung hình phạt.

(ii) Mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: một trong những đặc điểm riêng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt” bằng việc thực hiện dùng các thủ đoạn gian dối nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Thực tiễn cho thấy, thủ đoạn gian dối của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội thì mới là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, điều đó cũng có nghĩa rằng, việc sử dụng thủ đoạn gian dối lại có sau khi người phạm tội nhận được tài sản thì không phải liên quan đến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tùy từng trường hợp có thể cấu thành tội phạm khác cũng liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản như tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

(iii) Chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: theo quy định tại Điều 12 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 có quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chủ thể của tội phạm từ đủ 16 tuổi trở lên. Như vậy, người phạm tội nằm trong độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

(iv) Mặt chủ quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: việc người phạm tội lên kế hoạch chuẩn bị các thủ đoạn gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản từ trước cho thấy, người phạm tội đang thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Họ nhận thức rõ đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội

Như vậy, nếu người đi vay sử dụng các thủ đoạn gian dối nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của bên cho vay thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ các căn cứ cấu thành tội phạm của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Căn cứ theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:

Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây mà chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc về một trong các tội được quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật Hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần với người bị hại, thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Một là, người vay tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn phải trả lại số tiền đã vay mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả lại tài sản.

Hai là, người vay tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác thông qua hình thức hợp đồng nhưng đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn tới trường hợp không có khả năng trả lại số tiền đã vay.

Tùy vào khoản tiền chiếm đoạt và tính chất của hành vi vi phạm mà người thực hiện hành vi liên quan đến tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản có thể bị áp dụng với khung hình phạt lên đến 20 năm tù.

Cấu thành tội phạm về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:

(i) Mặt khách quan của tội phạm: một trong những dấu hiệu đặc trưng của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đó là người phạm tội thực hiện hành vi tội phạm thông qua hình thức hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản để chiếm đoạt tài sản đó một cách hợp pháp. Theo đó, hành vi “gian dối” ở hình thức tội phạm này xuất hiện sau khi người phạm tội có được tài sản. Sự tin tưởng của chủ sở hữu đã tạo kẽ hở cho người phạm tội thực hiện được mục đích chiếm đoạt tài sản của mình.

(ii) Mặt chủ quan của tội phạm: thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người phạm tội có thể có từ trước hoặc sau khi có được tài sản. Tuy nhiên, quá trình thực hiện tội phạm cần có một kế hoạch cụ thể nhằm “che mắt” chủ sở hữu/ người quản lý tài sản với mục đích cuối cùng  là chiếm đoạt được tài sản này. Vậy nên, lỗi ở đây xác định là lỗi cố ý.

(iii) Mặt chủ thể: liên quan đến tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm từ đủ 16 tuổi trở lên. Điều đó cũng có nghĩa rằng, nếu người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

(iii) Mặt khách thể của tội phạm: cũng giống như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khách thể mà tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hướng tới là quan hệ sở hữu. Mục đích cuối cùng mà bên vay hướng tới đó chính là tài sản.

Từ những phân tích ở trên có thể thấy, tùy vào tính chất của vụ việc, động cơ, mục đích của bên vay mà nhà làm luật có các phương thức giải quyết khác nhau. Bên vay chỉ có thể bị đi tù nếu có đủ căn cứ cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.

   

———————————-

LEGALZONE COMPANY

Hotline tư vấn:  088.888.9366

Email: [email protected]

Webside: https://legalzone.vn/

Head Office: ECOLIFE BUILDING, 58 To Huu Street,

Trung Van Ward, Nam Tu Liem District, Hanoi

———————————-

Tư vấn đầu tư nước ngoài/ Foreign investment consultantcy

Tư vấn doanh nghiệp/ Enterprises consultantcy

Tư vấn pháp lý/ Legal consultantcy

Xem thêm: Giải quyết các vấn đề tranh chấp khác tại:

https://legalzone.vn/tranh-chap-ve-cac-van-de-dan-su-khac/

Fb Legalzone: https://www.facebook.com/luatlegalzone.ltd